1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Giá xăng có thể sắp giảm?

Ghi Du

(Dân trí) - Giá xăng dầu ngày 1/3 được dự báo giảm theo xu hướng thế giới. Nếu cơ quan quản lý không tác động đến quỹ bình ổn, giá xăng E5 RON 92 và RON 95 có thể giảm 230 đồng/lít.

Dữ liệu từ Bộ Công Thương mới chỉ cập nhật số liệu đến ngày 23/2 ghi nhận giá xăng thành phẩm trên thị trường Singapore giảm nhẹ so với kỳ điều hành ngày 21/2. Bình quân mỗi thùng xăng RON 92 (loại dùng để pha chế xăng E5 RON 92) có giá là 92,2 USD; xăng RON 95 là 95,6 USD/thùng. Giá dầu hỏa và dầu diesel cũng cùng xu hướng đi xuống.

Trao đổi với Dân trí, lãnh đạo một doanh nghiệp xăng dầu dự báo giá xăng dầu trong kỳ điều chỉnh ngày 1/3 có thể giảm theo xu hướng giá thế giới. Cụ thể, xăng E5 RON 92 và RON 95 có thể đồng loạt giảm 230 đồng/lít. Trong khi đó, giá dầu hỏa được dự báo giảm 350 đồng/lít, dầu diesel giảm 330 đồng/lít, dầu mazut tăng 200 đồng/kg.

Nếu cơ quan điều hành không trích lập hoặc chi quỹ bình ổn, giá xăng có thể giữ nguyên, hoặc thậm chí tăng nhẹ. Trường hợp dự báo trên chính xác, giá xăng sẽ có phiên giảm thứ hai liên tiếp.

Giá xăng có thể sắp giảm? - 1

Doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu đang yêu cầu mức chiết khấu cố định (Ảnh: Mạnh Quân).

Tại kỳ điều chỉnh gần nhất ngày 21/2, giá xăng E5 RON 92 giảm 320 đồng, xuống 22.540 đồng/lít; xăng RON 95 giảm 320 đồng, xuống 23.440 đồng/lít.

Sáng 28/2, Bộ Tài chính, Bộ Công Thương sẽ phải giải trình về tình hình xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu. Buổi giải trình có sự tham gia của nhiều doanh nghiệp xăng dầu.

Hiện nay, Bộ Công Thương là cơ quan quản lý Nhà nước trong lĩnh vực kinh doanh xăng dầu, đồng thời là cơ quan chủ trì điều hành giá xăng dầu. Trong khi đó, Bộ Tài chính thực hiện việc giám sát trích lập, sử dụng quỹ bình ổn giá, rà soát tính toán công bố các khoản định mức để tính giá cơ sở.

Tuy nhiên, trong vòng hơn một tháng qua, hai Bộ này từng công khai đùn đẩy nhau quản lý xăng dầu. Ban đầu, Bộ Tài chính lẫn Bộ Công Thương đều muốn "nhường" Bộ còn lại quản lý xăng dầu. Đến khi Bộ Công Thương đổi ý, Bộ Tài chính vẫn giữ nguyên quan điểm.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm