1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Hé lộ điều chủ cây xăng đòi chất vấn Bộ Công Thương, Tài chính

Văn Hưng

(Dân trí) - Các doanh nghiệp bán lẻ xăng dầu muốn có mức chiết khấu cố định, điều hành giá xăng dầu cả vào dịp lễ Tết, lấy hàng từ nhiều đầu mối, bỏ quỹ bình ổn…

Ngày 28/2, Bộ Công Thương, Bộ Tài chính phải giải trình trước Ủy ban Kinh tế - Quốc hội khóa XV và một số doanh nghiệp về tình hình xăng dầu và kết quả thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp trong công tác quản lý Nhà nước về xăng dầu.

Trao đổi với Dân trí, đại diện nhiều doanh nghiệp bày tỏ nỗi bức xúc liên quan đến những bất ổn của thị trường xăng dầu thời gian qua. Bên cạnh vấn đề về nguồn cung, các cửa hàng bán lẻ cho rằng mức chiết khấu thấp, thậm chí âm khiến họ thua lỗ đến kiệt quệ, trong khi doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối vẫn có lãi.

Ông Giang Chấn Tây, Giám đốc Công ty Xăng dầu Bội Ngọc tại Trà Vinh, cho biết đã gửi câu hỏi chất vấn đến Bộ Công Thương và Bộ Tài chính. Quan điểm của ông Tây là doanh nghiệp bán lẻ cần được có chiết khấu cố định (thù lao bán xăng - PV).

Theo ông, doanh nghiệp bán lẻ đang ở đáy của chuỗi cung ứng nhưng không được hưởng quyền lợi. Sự sống còn của các chủ cây xăng phụ thuộc hoàn toàn vào sự rộng lượng của doanh nghiệp đầu mối và thương nhân phân phối.

"Cơ cấu tính giá xăng dầu có chi phí định mức và lợi nhuận định mức tổng cộng 1.350 đồng/lít cho 3 khâu: đầu mối, thương nhân phân phối và doanh nghiệp bán lẻ. Tuy nhiên hơn một năm qua, doanh nghiệp bán lẻ không được hưởng khoản chi phí định mức này", ông Tây nói và đề nghị phải phân chia khoản định mức trên cho 3 khâu theo tỷ lệ phần trăm nhất định.

Hé lộ điều chủ cây xăng đòi chất vấn Bộ Công Thương, Tài chính - 1

Sang năm 2023, diễn biến thị trường xăng dầu vẫn có nhiều bất ổn (Ảnh: Mạnh Quân).

Ngoài ra, đại diện doanh nghiệp cho rằng cần giảm bớt thủ tục hành chính đang đè nặng lên doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu; bảo đảm không có lợi ích nhóm trong xây dựng Nghị định mới về kinh doanh xăng dầu.

Trong khi đó, giám đốc một doanh nghiệp xăng dầu lớn ở phía Nam nêu thực trạng có khi liên Bộ Công Thương, Bộ Tài chính điều chỉnh giá xăng dầu vào nửa đêm, có khi lại chậm nhiều ngày gây thiệt hại cho doanh nghiệp bán lẻ. Câu hỏi đặt ra là liên Bộ cần tổ chức các bộ phận ra sao để doanh nghiệp không bị động và đảm bảo chuỗi cung ứng.

Vị này cũng thắc mắc trường hợp cây xăng hết hàng phải đóng cửa, thì đầu mối, thương nhân phân phối không bán hàng cho doanh nghiệp bán lẻ bị xử lý thế nào.

Liên quan đến thời gian điều hành giá, ông Đặng Hoài Phương, Giám đốc Công ty TNHH Xăng dầu Phương Nam (Lâm Đồng), nhìn nhận dù chu kỳ 10 ngày hay 15 ngày thì vào ngày lễ, Tết cũng cần điều chỉnh, đặc biệt là khi giá thế giới biến động tăng, giảm 7-10%. Còn với biên độ tăng giảm 1-2% thì nên giữ ổn định giá.

Ông Phương cũng đề xuất doanh nghiệp bán lẻ được ký với nhiều đầu mối và thương nhân phân phối để đảm bảo nguồn hàng và thu nhập. "Ví dụ cùng một loại xăng tiêu chuẩn, tại sao lại không được đổ chung vào một bồn? Vậy việc chỉ được ký với một đầu mối, thương nhân phân phối có phải làm triệt tiêu sự cạnh tranh và làm khó cho doanh nghiệp bán lẻ không?", ông Phương đặt câu hỏi.

Bên cạnh những vấn đề liên quan đến chiết khấu, thời gian điều hành giá… việc giữ hay bỏ quỹ bình ổn xăng dầu cũng được đưa ra bàn luận. Nhiều doanh nghiệp xăng dầu cho rằng cần phải bỏ, vì "cả lý thuyết và thực tiễn đều cho thấy quỹ bình ổn không đạt được mục tiêu giúp bình ổn giá như mong muốn của Nhà nước".