Chống rửa tiền: Ngân hàng hay công an?

(Dân trí) - Đại biểu Quốc hội cho rằng, dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền cần làm rõ vai trò của ngân hàng, chủ yếu là chống rửa tiền, công an là chống tội phạm và tài trợ khủng bố. Và phải có cơ chế phối hợp giữa hai ngành này.

Chống rửa tiền: Ngân hàng hay công an?
Đại biểu Quốc hội trò chuyện giữa giờ giải lao (ảnh: Việt Hưng).

Góp ý cho dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (đoàn Thái Bình) cho rằng, Luật không ghi mức cụ thể giá trị giao dịch phải báo cáo là hợp lý. Bởi “mức ấy sẽ được biểu hiện, được quy định cụ thể trong quá trình hay trong tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước”.

Cùng ý tưởng với đại biểu Kiêm, đại biểu Giàng Thị Bình (Lào Cai) cho biết, nếu quy định cụ thể mức giá trị của giao dịch có giá trị lớn sẽ dễ tạo điều kiện để đối tượng khách hàng nhận biết và thực hiện các giao dịch có giá trị nhỏ hơn giá trị được quy định. Ngoài ra, giao dịch có giá trị lớn chỉ là một trong các dấu hiệu nghi ngờ giao dịch đó có phải là hành vi rửa tiền hay không. Do vậy, cần quy định là một trong các dấu hiệu đáng ngờ khi thực hiện giao dịch, mức quy định này không nên quy định công khai, tránh tình trạng lách luật.

Nhưng đại biểu Cao Sỹ Kiêm “không tán thành giao Thủ tướng quy định mức giao dịch này. Tôi thấy giao cho ngân hàng là hợp lý vì ngân hàng là cơ quan chức năng có thể tham mưu các vấn đề để báo cáo lên Thủ tướng. Mặc dù trong giải trình của Thường vụ thấy cũng xuôi xuôi theo kiểu giao cho Thủ tướng Chính phủ, nhưng tôi thấy vấn đề này cần phải có phân tích và nghiên cứu”.

Về trách nhiệm của Ngân hàng Nhà nước trong việc kiểm soát các ngân hàng thực hiện phòng chống rửa tiền, đại biểu Trần Đình Nhã (Thừa Thiên Huế) cho rằng: Rửa tiền không chỉ qua ngân hàng mà còn qua nhiều kênh khác, nếu qua các kênh khác thì ngân hàng có với tới không? Do đó, Quốc hội cần cân nhắc giao trách nhiệm cho ngành ngân hàng kiểm soát hay Chính phủ.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP Hồ Chí Minh) lại cho rằng, luật phải liệt kê được những hành vi rửa tiền. “Khi đọc tất cả các quy định trong luật này thì thấy rửa tiền chủ yếu thông qua giao dịch ngân hàng, trong khi đó rửa tiền qua rất nhiều kênh, đầu tư vào nhà hàng, khách sạn, kinh doanh bất động sản, chứng khoán, ngân hàng chỉ là một kênh thôi. Điều đó chứng tỏ suốt từ năm 2005 đến nay thành lập Cục rửa tiền nhưng có phát hiện ra vụ rửa tiền nào đâu. Chính vì vậy cho nên luật này phạm vi điều chỉnh mà xác định là phòng, chống rửa tiền qua ngân hàng thì tên phù hợp với nội hàm của luật pháp của đạo luật này”, vị đại diện này nhấn mạnh.

Liên quan đến cơ quan chủ trì, nòng cốt, chịu trách nhiệm trước Chính phủ, quản lý nhà nước về công tác phòng, chống rửa tiền, đại biểu Đỗ Văn Đương cho rằng không ai khác là Bộ Công an. “Vì nói đến rửa tiền là một tội phạm hình sự, nó liên quan đến công tác đấu tranh phòng, chống các tội phạm nói chung, nhất là tội phạm tham nhũng, tội phạm ma túy và tội phạm sản xuất lưu hành tiền giả thường gắn liền với hoạt động rửa tiền, việc này Bộ công an quản lý sẽ phù hợp hơn”.

Cùng với suy nghĩ này, đại biểu Cao Sỹ Kiêm đề nghị 2 ngành quan trọng nhất và có vị trí trong việc rửa tiền và chống khủng bố là ngân hàng và công an. “Làm rõ vai trò của ngân hàng, chủ yếu là chống rửa tiền, vai trò của công an chủ yếu là chống tội phạm và tài trợ khủng bố, trong đó có cả vũ khí nhưng có nội dung qua rửa tiền để tài trợ khủng bố. Cho nên, phải làm rõ trách nhiệm của hai ngành này, phải có cơ chế phối hợp hai ngành này, việc xử lý giải quyết của Thủ tướng cũng do hai ngành này báo cáo, phản ảnh và đưa ra những quyết định để Thủ tướng xử lý”, đại biểu Kiêm nói.

Đại biểu Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đề nghị bổ sung vào dự thảo Luật điều khoản về minh bạch tài sản, tránh việc lợi dụng chia tài sản cho con cái, người thân bằng tiền tham nhũng hoặc kiếm lợi bất chính. “Tôi đã đọc Luật phòng, chống tham nhũng, đọc Nghị định quy định về kê khai tài sản thì không thấy quy định về việc khi con cái trưởng thành, con cái thành niên rồi thì không phải kê khai tài sản. Đây là một sơ hở mà nhiều cử tri rất băn khoăn, con các quan chức thành lập các doanh nghiệp giàu lên một cách bất hợp pháp. Vì vậy, tôi đề nghị bổ sung thêm một ý nữa là lợi dụng chức vụ quyền hạn cho người thân trong gia đình để thành lập các doanh nghiệp để rửa tiền”, đại biểu thẳng thắn nói.

Để dự thảo luật có khả năng hạn chế kinh tế ngầm các giao dịch thanh toán phải qua các tổ chức tín dụng, đại biểu Phạm Huy Hùng (Hà Nội) đề nghị cần tính đến sự phối hợp chặt chẽ giữa dự thảo Luật thanh toán và dự thảo Luật phòng, chống rửa tiền.

Nguyễn Hiền