1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Thói quen dùng tiền mặt tại Việt Nam “hút” tội phạm rửa tiền

(Dân trí) – “Sử dụng tiền mặt khiến việc kiểm soát luồng tiền khó khăn hơn, đưa Việt Nam trở thành một “điểm đến” của tội phạm rửa tiền” – bàn về dự Luật phòng, chống rửa tiền, thành viên UB Thường vụ QH đề xuất giải pháp hạn chế lưu thông tiền mặt để “phòng từ gốc”.

Khó kiểm soát nguồn tiền bất hợp pháp
Thói quen dùng tiền mặt tại Việt Nam “hút” tội phạm rửa tiền - 1
Tội phạm rửa tiền đang "nhắm" tới Việt Nam?

Để làm rõ sự cấp thiết xây dựng Luật phòng chống rửa tiền, NHNN trích dẫn số liệu thống kê tổng kết 6 năm thi hành Nghị định 74 của Chính phủ về phòng, chống rửa tiền cho thấy, tình trạng trốn thuế, buôn lậu, tham nhũng, sản xuất và buôn bán hàng giả, đầu cơ trên thị trường chứng khoán, bất động sản, vàng ngày càng gia tăng.

Theo đó, các đối tượng hưởng lợi đã thông qua các hoạt động hợp pháp như gửi tiền vào ngân hàng, đầu tư vào chứng khoán, bất động sản, vàng hoặc gửi sang các ngân hàng nước ngoại, nơi có luật bí mật ngân hàng.

Nhu cầu “rửa tiền” ngày càng lớn khi có quy định cán bộ công chức phải kê khai tài sản, thu nhập cá nhân trong Luật phòng, chống tham nhũng.

Cơ quan phòng chống ma túy và tội phạm Liên hợp quốc (UNODC) nhận định, Việt Nam dễ bị tội phạm rửa tiền tìm đến do nền kinh tế sử dụng nhiều tiền mặt, cùng với hoạt động thương mại và đầu tư ngày càng gia tăng. UNODC cảnh báo nếu không có biện pháp nhanh và hiệu quả để đối phó với rửa tiền thì tội phạm và tham nhũng sẽ gia tăng, vận hành hợp pháp tài chính tại Việt Nam sẽ bị ảnh hưởng.

Thực tế cũng cho thấy, có một luồng tiền rất lớn đã đổ vào thị trường chứng khoán và bất động sản, vốn có tốc độ phát triển khó dự đoán, tuy nhiên, việc kiểm tra nguồn gốc tiền không được quan tâm đúng mức.

Bên cạnh hệ thống pháp luật lỏng lẻo là tâm lý sợ mất khách hàng của các tổ chức tín dụng nên việc kiểm tra thông tin, nguồn gốc các khoản tiền giao dịch của khách hàng thường chỉ mang tính hình thức.

Thói quen sử dụng tiền mặt trong thanh toán đã gây khó khăn cho việc quản lý nguồn tiền lưu thông trong nền kinh tế và tạo điều kiện cho tội phạm rửa tiền hoạt động dễ dàng hơn.

Trong khi đó, nguồn gốc chính của các khoản tiền bất hợp pháp tại Việt Nam là do lừa đảo, đánh bạc, buôn bán vũ khí, mại dâm, buôn lậu, ma túy… song do các chủ thể sử dụng tiền mặt trong thanh toán nên các luồng tiền bất hợp này khó kiểm soát.

Đồng tình với những phân tích này, Chủ nhiệm UB Quốc phòng, an ninh Nguyễn Kim Khoa nhận xét, dự thảo luật tập trung xây dựng quy định về các biện pháp “chống” rửa tiền hơn là “phòng”.

“Đáng ra cần chú trọng “phòng” như tuyên truyền, tổ chức quản lý để hạn chế sử dụng, lưu thông tiền mặt thì sẽ tốt hơn vì chặn được từ gốc” – ông Khoa đề xuất.

Chống rửa tiền, tài trợ khủng bố phải theo “chuẩn” Việt Nam
 
Thói quen dùng tiền mặt tại Việt Nam “hút” tội phạm rửa tiền - 2
Giao dịch bất động sản ngầm cũng sẽ bị coi là "rửa tiền".

Về quan điểm xây dựng luật đáp ứng đầy đủ các chuẩn mực quốc tế về phòng, chống rửa tiền; mở rộng phạm vi điều chỉnh bao gồm cả lĩnh vực chống tài trợ khủng bố, ông Khoa tỏ ý không tán thành.

Chủ nhiệm UB Quốc phòng an ninh phân tích, tài trợ khủng bố là hoạt động liên quan đến an ninh quốc gia, trật tự xã hội. Luật này chủ yếu nhằm đảm bảo an toàn cho hoạt động tài chính và ngân sách, các quy định chỉ phù hợp phòng chống rửa tiền, không phù hợp việc chống tài trợ khủng bố.

Ông Khoa nêu quan điểm, luật cần bảo đảm để áp dụng có hiệu quả với tình hình thực tiễn của Việt Nam, phải lấy tiêu chuẩn của Việt Nam là chính, không nên chỉ chạy theo nước ngoài.

Thống đốc NHNN Nguyễn Văn Bình – cơ quan chủ trì soạn thảo luật giải thích, rửa tiền và tài trợ khủng bố có sự tương đồng vì đều lợi dụng hệ thống tài chính để đưa nguồn tiền có nguồn gốc tội phạm, không minh bạch vào Việt Nam, gây bất lợi cho nền kinh tế. Các quy định vì vậy cần có trong 1 luật, để thể hiện nghĩa vụ của Việt Nam với các tổ chức quốc tế đã tham gia như Nhóm Châu Á-Thái Bình Dương về chống rửa tiền (APG), Lực lượng đặc nhiệm tài chính quốc tế về chống rửa tiền (FATF).

“Theo đánh giá của FATF, Việt Nam được xếp vào nhóm các quốc gia thiếu hụt cơ chế về phòng chống rửa tiền và tài trợ khủng bố, đã cam kết sẽ bổ sung trước thời hạn tháng 12/2012. Nhưng theo chương trình xây dựng luật, Quốc hội sẽ thông qua Luật phòng chống tài trợ khủng bố vào kỳ họp thứ 4, cuối năm 2013. Nếu không đưa nội dung chống tài trợ khủng bố vào ngay trong Luật phòng chống rửa tiền sẽ vi phạm cam kết quốc tế, Việt Nam có thể bị đưa vào danh sách hạn chế, cấm vận, rất khó khăn cho các hoạt động tài chính trong các giao dịch với nước ngoài” – Thống đốc Bình phân trần.

Tuy nhiên, lý giải của Thống đốc NHNN dường như chưa thực sự thuyết phục. Nhiều thành viên UB Thường vụ lưu ý, việc nội luật hóa các cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền là cần thiết nhưng phải phù hợp với tình hình kinh tế- xã hội của Việt Nam.

P.Thảo

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm