Cho phép truy soát để "bóc" sở hữu chéo ngân hàng

(Dân trí) - Chỉ ra rằng, tình trạng sở hữu chéo tại các ngân hàng vẫn còn tồn tại ở mức nghiêm trọng, ông Vũ Viết Ngoạn cho rằng, luật pháp phải cho cơ quan giám sát thẩm quyền được phép truy soát các sở hữu đó.

Hội thảo về tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngày 18/12 (ảnh: BD).
Hội thảo về tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính ngày 18/12 (ảnh: BD).

Trả lời câu hỏi của Dân trí tại Hội thảo quốc tế "Tăng cường giám sát và lành mạnh hóa hệ thống tài chính" diễn ra sáng 18/12, Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia (NFSC) Vũ Viết Ngoạn đánh giá, về vấn đề sở hữu chéo tại các ngân hàng Việt Nam hiện nay, Luật Tổ chức tín dụng sửa đổi năm 2010 đã thể hiện rõ tư duy và quan điểm là hạn chế sở hữu chéo trong ngân hàng.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

 

Theo đó, đã có nhiều điều khoản quy định cấm một số giao dịch và một số trường hợp sở hữu. Chẳng hạn, cổ đông và người có liên quan của cổ đông đó không được sở hữu vượt quá 20% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng hay mỗi cổ đông tổ chức không được sở hữu quá 15% vốn tại ngân hàng và tỉ lệ sở hữu tối đa của một cổ đông cá nhân là 5% vốn ngân hàng.

 

Tuy nhiên, theo đánh giá của ông Ngoạn, trên thực tế vẫn còn phát sinh nhiều trường hợp sở hữu chéo ở mức tương đối nghiêm trọng. Lý do còn tồn tại tình trạng này do các quy định, khuôn khổ pháp lý của Việt Nam vẫn còn một số nội dung chưa chặt chẽ, cần phải cụ thể hơn nữa về các nhóm đối tượng liên quan.

 

Trong khi đó, quyền lực của các cơ quan có thẩm quyền từ các cơ quan quản lý đến cơ quan giám sát còn hạn chế, trong khi tình trạng lạm dụng các kẽ hở của pháp luật, thậm chí cố ý vi phạm quy định pháp luật đã xảy ra rất phổ biến.

 

"Chúng ta biết, ở ngân hàng này công ty chứng khoán nọ có anh A, anh B thực tế sở hữu một tỷ lệ vốn rất lớn nhưng trên mặt kê khai giấy tờ lại rất ít và đúng luật, chủ yếu thông qua ủy quyền cho người thân người quen, do đó, luật pháp phải cho cơ quan giám sát có thẩm quyền được phép truy soát các sở hữu đó", ông Ngoạn bình luận.

 

Trước đó, trong một hội thảo chuyên ngành của NFSC, Chủ tịch Vũ Viết Ngoạn cũng đã từng đề xuất, phải "lần nguồn gốc vốn góp đến 13 đời". Lúc đó, ông Dương Quốc Anh, Phó Chủ tịch NFSC cũng đã chia sẻ rằng, lúc còn làm tại Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước cũng đã sử dụng lực lượng thanh tra để truy xét nguồn gốc dòng vốn của cổ đông, nhưng cơ sở pháp lý cho cán bộ thanh tra không có nên không thể làm được.

 

Việc giải thích vốn góp, ông Quốc Anh cho biết, nhiều lúc phải có sự phối hợp giữa Ngân hàng Nhà nước và cơ quan công an, và phải thông qua nhiều bước thu nhập dấu hiệu để chứng minh nguồn gốc vốn góp thì cổ đông mới thừa nhận.


Lưu ý tình trạng lừa đảo của doanh nghiệp khi thế chấp vay

 

Liên quan đến sự kiện 7 ngân hàng cùng tranh chấp một kho hàng cà phê thời gian gần đây, Chủ tịch NFSC đánh giá, câu chuyện này nằm trong trong phạm vi quản lý rủi ro của các ngân hàng thương mại. Theo ông, việc các ngân hàng hiện nay cho vay chủ yếu dựa trên tài sản thế chấp là một vấn đề, trong khi đó, cũng cần lưu ý đến tình trạng các doanh nghiệp cố ý lừa đảo và tính chất lừa đảo đã đến mức nghiêm trọng.

 

Ông Ngoạn cho rằng, từ câu chuyện này đã hàm chưa rất những vấn đề rất lớn đối với công tác giám sát. Không chỉ về phía các ngân hàng khi cho vay phải quản lý giám sát kho hàng mà về các quy định pháp luật cũng phải chặt chẽ hơn.

 

Như Dân trí đã đưa tin, hồi đầu tháng này, 3.000 tấn cà phê hạt ở trong kho của Công ty TNHH Trường Ngân (thị xã Dĩ An, Bình Dương) đã bị cưỡng chế do làm tài sản thế chấp cho Ngân hàng TMCP Phương Đông. Tuy nhiên, với lô hàng này, công ty Trường Ngân đã dùng để thế chấp vay tại hàng loạt ngân hàng khác là Ngân hàng Quân đội (MB), Ngân hàng Techcombank, Ngân hàng Vietinbank, Ngân hàng Agribank, Ngân hàng MSB và Ngân hàng VIB.

 

Tranh chấp đã xảy ra, thế nhưng, ngay sau khi 679 tấn cà phê được vận chuyển thì phát hiện lên đến 261 tấn là vỏ cà phê và tạp chất. Trong khi đó, số cà phê hạt chỉ là 417 tấn.

 

Vụ việc này đã dấy lên những dấu hỏi về công tác thẩm định cho vay của các ngân hàng hiện nay cũng như cách hành xử của các ngân hàng đối với khách hàng vay nợ.

 

Theo đánh giá của ông Roberto Rocha, chuyên gia đến tư Ngân hàng Thế giới (Worldbank) tại hội thảo sáng nay, cơ sở hạ tầng tài chính của Việt Nam vẫn còn yếu ở những lĩnh vực quan trọng. Trong đó, đáng lưu ý là mức độ minh bạch của chủ nợ và khách hàng vay thấp, những kết quả đạt được trong hoạt động báo cáo tín dụng (CIC) vẫn chưa đủ và quyền của chủ nợ vẫn còn yếu trong những lĩnh vực quan trọng.

 

Bích Diệp
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước