"Hoa mắt" với ma trận sở hữu chéo ngân hàng Việt Nam

(Dân trí) - Nếu ở nước ngoài, thuê CEO là phổ biến thì ở Việt Nam, Chủ tịch, thành viên HĐQT cũng đều có thể là người làm thuê để che giấu quyền lực chi phối của những ông chủ thực sự đứng sau, ngầm kiểm soát, lũng đoạn các ngân hàng.

Hội thảo với chủ đề “Rủi ro sở hữu chéo và đầu tư chéo: Thực trạng và giải pháp cho thị trường tài chính Việt Nam” do Uỷ ban Giám sát Tài chính Quốc gia phối hợp với UNDP tổ chức ngày 31/7/2013 quy tụ hầu hết các chuyên gia tài chính – kinh tế đầu ngành đã kéo dài với thời lượng vượt khuôn khổ nhưng vẫn khó bao quát và giải đáp hết được vấn đề phức tạp này.

Tham gia với vai trò diễn giả chính, TS Nguyễn Xuân Thành và Đỗ Thiên Anh Tuấn thuộc Chương trình giảng dạy kinh tế Fulbright đã đưa ra hàng loạt sơ đồ minh hoạ về mối quan hệ dích dắc, chồng chéo trong sở hữu ở lĩnh vực này.

TS Nguyễn Xuân Thành (Ảnh: Bích Diệp).
TS Nguyễn Xuân Thành (Ảnh: Bích Diệp).

Các tác giả chỉ rõ, sở hữu chéo trong hệ thống ngân hàng hiện diện ở các hình thức Doanh nghiệp Nhà nước (DNNN) sở hữu ngân hàng thương mại cổ phần (NHTMCP), Ngân hàng sở hữu ngân hàng, Nhà đầu tư lớn sở hữu ngân hàng và công ty chứng khoán (CTCK), nhà đầu tư lớn sở hữu doanh nghiệp phi tài chính và ngân hàng… 

Phó Chủ tịch Uỷ ban Giám sát tài chính Quốc gia Hà Huy Tuấn đã phải thốt lên “Nhìn vào ma trận đầu tư chéo trong bài trình bày của anh Thành, tôi thấy hoa cả mắt. Khi tôi đi học về tài chính, thầy của tôi nói, những ai học về tài chính đều là người thông minh cả nhưng nhìn vào ma trận này, tôi thấy dường như ai cũng thông minh, trừ tôi.”

Quyền lực nằm ở những “nhà đầu tư nhỏ”

Không ngại đi thẳng vào vấn đề, TS Nguyễn Xuân Thành chỉ rõ, tại nhiều NHTMCP ở Việt Nam, mặc dù đại diện vốn nhà nước là các NHTMCPNN, các DNNN chiếm cổ phần chi phối nhưng lại không có vai trò chi phối, kiểm soát. Quyền lực thực rơi vào tay các nhóm nhà đầu tư lớn có tỉ lệ sở hữu thấp hơn. 

Dẫn chứng cho luận điểm này, chuyên gia từ Fulbright đưa ra ví dụ tại NHTMCP Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank). Ở ngân hàng này, Nhà nước đều có tỉ lệ sở hữu lớn nhất nhưng thực tế, nhóm các nhà đầu tư kết hợp với các công ty, ngân hàng đầu tư mới là người kiểm soát thực sự. 

Ngoài ra, trong sở hữu giữa các ngân hàng với ngân hàng có thể giúp một ngân hàng có thể thông qua các ngân hàng khác cho vay đối với 1 khách hàng. 

TS Thành cho biết, thực ra, các ngân hàng sở hữu lẫn nhau thông qua các công ty chứng khoán (CTCK), các quỹ đầu tư (mà ngân hàng này đang nắm quyền kiểm soát hoặc là cổ đông của ngân hàng).

Còn trên đây mối quan sở hữu chằng chịt giữa các ngân hàng
Mối quan sở hữu chằng chịt giữa các ngân hàng

“Náu mình” sau những CTCP Đầu tư tài chính

TS Nguyễn Xuân Thành bình luận, ở Việt Nam hiện nay có một loại hình doanh nghiệp thực chất là một tổ chức tài chính nhưng lại không bị điều tiết như một tổ chức tài chính đó là CTCP đầu tư tài chính. Và đây chính là những doanh nghiệp đứng đằng sau việc sở hữu của các ngân hàng giúp ngân hàng sở hữu ngân hàng và giúp các nhà đầu tư sở hữu.

Điểm đáng lưu ý là nếu là các CTCK, các quỹ đầu tư hay công ty quản lý quỹ thì sẽ bị điều tiết bởi Uỷ ban chứng khoán. Nếu là ngân hàng, các tổ chức tín dụng, công ty tài chính thì sẽ bị điều tiết bởi Ngân hàng Nhà nước thông qua Luật các tổ chức tín dụng. 

Nhưng nếu là CTCP Đầu tư tài chính thì lại là một doanh nghiệp bình thường, không bị điều tiết bởi ai, không phải công bố thông tin, phải báo cáo. Và nhờ vậy, với hoạt động không khác gì hoạt động đầu tư tài chính của một quỹ đầu tư hay là của một CTCK song các CTCP đầu tư tài chính lại không bị ràng buộc.

Ở các công ty này, người ta không biết Ban giám đốc, Hội đồng quản trị gồm những ai chứ chưa nói là các cổ đông.

Chủ tịch, Thành viên HĐQT…là người làm thuê

Một điểm nữa trong cơ cấu sở hữu là hiện trạng các nhóm nhà đầu tư vừa sở hữu doanh nghiệp phi tài chính, vừa sở hữu các ngân hàng thương mại. 

TS Thành cho hay, ở các nước có giám đốc thuê thì ở Việt Nam có Thành viên HĐQT và Chủ tịch HĐQT thuê để lách quy định công bố thông tin hiện hành. Theo đó, giao dịch của các đối tượng mang những chức danh này và các bên liên quan phải được báo cáo lên UBCKNN thông qua báo cáo quản trị.

Ông chỉ rõ, tại 3 ngân hàng yếu kém đã bị sáp nhập là Việt Nam Tín Nghĩa, Sài Gòn và Đệ Nhất thì chủ đầu tư chính hoàn toàn không đứng tên trong HĐQT. Người đứng tên, người làm Chủ tịch HĐQT thực tế lại là người lao động, làm thuê cho chủ đầu tư.

Còn trên đây mối quan sở hữu chằng chịt giữa các ngân hàng

Trước thực trạng này, nhóm nghiên cứu Fulbright khuyến nghị, khuôn khổ pháp lý cần có những thay đổi trong định nghĩa về “bên liên quan” và mở rộng diện công bố thông tin, nhận diện sở hữu thật sự trong các ngân hàng. 

Che giấu nợ xấu, vô hiệu hoá các quy định an toàn tài chính

TS Nguyễn Xuân Thành đánh giá, trong hệ thống tài chính Việt Nam, sự tách biệt giữa ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại là có trên quy định nhưng không có trên thực tế.

Dẫn một báo cáo tài chính của 1 trong 9 ngân hàng yếu kém bị kiểm soát, TS Thành cho biết, trong vòng 9 tháng, tỷ lệ huy động, cho vay vẫn tăng lên, nhưng đáng chú ý là các khoản phải thu tăng rất mạnh, nợ xấu không tăng. 

Còn trên đây mối quan sở hữu chằng chịt giữa các ngân hàng

Thủ thuật kế toán nằm ở chỗ, ngân hàng này đã chuyển nợ xấu sang các ngân hàng khác, các công ty khác có cổ phần chi phối, sau đó hạch toán các khoản này thành các khoản phải thu trên báo cáo tài chính của mình. Như vậy, các khoản phải thu đó nhẽ ra là nợ xấu nhưng lại xuất hiện dưới dạng các tài sản khác. “Về mặt kế toán là hoàn toàn có thể làm được, không có gì là vi phạm nhưng làm được điều này là nhờ vào cơ cấu sở hữu. Nói cách khác, sở hữu chéo giúp vô hiệu hoá các quy định an toàn” – TS Thành nói.

Ngoài ra, sở hữu chéo cũng vô hiệu hoá các quy định về vốn pháp định của các NHTM thông qua tăng vốn ảo; khiến đánh giá không đúng tài sản “có” rủi ro, từ đó làm tăng hệ số đủ vốn CAR không thực chất; vô hiệu hoá quy định về giới hạn tín dụng thông qua cho vay người liên quan; vô hiệu hoá về giới hạn đầu tư, góp vốn thông qua đầu tư chứng khoán.

Sở hữu chéo không hoàn toàn xấu nhưng đang bị lạm dụng

Tất nhiên, phải lưu ý rằng, về mặt pháp luật, Việt Nam cũng như các nước khác không cấm sở hữu chéo, đầu tư chéo nhưng cũng không khuyến khích. Nói cách khác, sở hữu chéo trong một mức độ nhất định để không tạo ra “lũng đoạn” đối với thị trường đều đã được pháp luật quy định cụ thể. 

Ông Bùi  Huy Thọ, Phó Vụ Quản lý cấp phép các TCTD và hoạt động ngân hàng, Cơ quan Thanh tra, giám sát ngân hàng thuộc NHNN cho biết, sở hữu chéo ở mức độ nhất định sẽ mang lại những lợi ích cho bản thân chủ thể TCTD như hỗ trợ nguồn vốn cho hoạt động đầu tư, sản xuất kinh doanh, tạo điều kiện trao đổi kinh nghiệm, nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ giữa các đối tác.

Tuy nhiên, trong điều kiện các công cụ thanh tra, giám sát chưa hiệu quả, sở hữu chéo, đầu tư chéo dễ bị lạm dụng, tạo ra chuỗi sở hữu phức tạp, khó kiểm soát, dẫn đến các nguyên tắc quản trị doanh nghiệp, quản trị rủi ro  không được tôn trọng, hoạt động kinh doanh kém minh bạch, tiềm ẩn nhiều rủi ro. 

Điều này đặc biệt nghiêm trọng xảy ra tại các TCTD khi nhóm cổ đông thao túng, liên kết ngầm thực hiện các hoạt động cho vay, đầu tư lòng vòng lẫn nhau, khiến các cơ quản quản lý cũng như nhà đầu tư không đánh giá chính xác được thực chất vốn và hoạt động tài chính của TCTD, do đó đe dọa đến an toàn của bản thân TCTD và của toàn hệ thống.

Bích Diệp