Chính phủ yêu cầu thay cán bộ lạm quyền, tư lợi và cản trở cải cách

(Dân trí) - Ngoài những yêu cầu cải cách mạng mẽ môi trường kinh doanh, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP năm 2018 vừa ban hành đề cao việc gắn trách nhiệm người đứng đầu Bộ, ngành và địa phương, yêu cầu thay thế cán bộ ngại cải cách, lạm quyền và tư lợi.

Đây là một nội dung và quyết tâm lớn của Chính phủ thể hiện trong Nghị quyết 19-2018/NQ-CP vừa được ban hành. Như thường lệ, Nghị quyết 19-2018/NQ-CP tiếp tục với tên gọi thực hiện những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia năm 2018 và những năm tiếp theo.

Bên cạnh các chỉ tiêu đặt ra về cải cách, Nghị quyết 19/2018 yêu cầu gắn trách nhiệm lãnh đạo đơn vị; đề nghị loại khỏi bộ máy cán bộ lạm quyền, tư lợi và đi ngược cải cách.
Bên cạnh các chỉ tiêu đặt ra về cải cách, Nghị quyết 19/2018 yêu cầu gắn trách nhiệm lãnh đạo đơn vị; đề nghị loại khỏi bộ máy cán bộ lạm quyền, tư lợi và đi ngược cải cách.

Một trong các mục tiêu cơ bản của Nghị quyết 19 là giảm thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, cải thiện số giờ nộp thuế, phá sản, đăng ký kinh doanh, khởi sự doanh nghiệp, giải quyết thủ tục đất đai....

Nghị quyết 19 lần này tiếp tục nhấn mạnh việc bãi bỏ, đơn giản hoá các thủ tục hành chính, điều kiện kinh doanh (thường được gọi giấy phép con, giấy phép cháu...) do các Bộ, ban ngành và địa phương đưa ra. Đây là nhiệm vụ cốt lõi, trọng tâm trong chính sách đơn giản hoá, minh bạch, công khai bộ máy điều hành kinh tế.

Mục tiêu của Nghị quyết là tập trung cải thiện các chỉ số môi trường kinh doanh để năm 2018 tăng thêm từ 8-18 bậc trên bảng xếp hạng của Ngân hàng Thế giới; trong đó cải thiện mạnh mẽ các chỉ số hiện đang bị xếp hạng thấp. Cụ thể, khởi sự kinh doanh tăng thêm ít nhất 40 bậc; giải quyết tranh chấp hợp đồng tăng thêm 10 bậc; giải quyết phá sản doanh nghiệp tăng thêm 10 bậc.

Nghị quyết 19 năm 2018 giao chỉ tiêu và nhiệm vụ rõ ràng như: Yêu cầu phải hoàn thành việc bãi bỏ, đơn giản hóa 50% điều kiện đầu tư, kinh doanh; kiến nghị bãi bỏ một số ngành nghề kinh doanh có điều kiện theo Danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư.

Chính phủ yêu cầu, các Bộ, ban ngành phải giảm ít nhất 50% danh mục hàng hóa, sản phẩm phải kiểm tra chuyên ngành; chuyển đổi mạnh mẽ cách thức quản lý nhà nước từ chủ yếu tiền kiểm sang chủ yếu hậu kiểm.

"Phải xoá bỏ căn bản tình trạng một mặt hàng chịu quản lý, kiểm tra chuyên ngành của nhiều hơn một cơ quan; giảm tỷ lệ các lô hàng nhập khẩu phải kiểm tra chuyên ngành tại giai đoạn thông quan từ 25 - 27% hiện nay xuống còn dưới 10%", Nghị quyết này nêu rõ.

Nhằm ngăn chặn tình trạng "trên nóng", ở "giữa" hoặc ở "giữa" lạnh", Chính phủ yêu cầu các Bộ trưởng, Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương phải trực tiếp chỉ đạo và tổ chức thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh thuộc thẩm quyền và chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ về kết quả đạt được trong phạm vi ngành, địa phương.

Chính phủ yêu cầu thắt chặt kỷ luật, kỷ cương, tăng cường liêm chính, sáng tạo, nâng cao hiệu quả công vụ; chỉ đạo cán bộ, công chức, đặc biệt là người đứng đầu các đơn vị trực thuộc thay đổi thái độ làm việc phục vụ lợi ích của người dân và doanh nghiệp.

Tại Nghị định trên, Chính phủ cũng nêu rõ: "Toàn bộ máy kịp thời phát hiện và thay thế cán bộ, công chức chần chừ trong công cải cách thủ tục hành chính, tháo bỏ rào cản, tạo thuận lợi cho đầu tư kinh doanh, hoặc có hành vi lạm dụng thẩm quyền, vị trí việc làm để tư lợi riêng"

Nguyễn Tuyền

Chính phủ yêu cầu thay cán bộ lạm quyền, tư lợi và cản trở cải cách - 2