Việt Nam tăng 14 bậc trên bảng xếp hạng môi trường kinh doanh
(Dân trí) - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam, ông Ousmane Dione nhân định, kinh tế Việt Nam tiếp tục có một năm tăng trưởng mạnh và ổn định vĩ mô, nhiều tiến triển trong những cải cách chiến lược. Ông Ousmane Dione cho biết, Việt Nam đã tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh 2018 của Nhóm Ngân hàng Thế giới.
Sáng nay (13/12), Diễn đàn Phát triển Việt Nam (VDF) 2017 - với chủ đề “Tăng năng suất – đòn bẩy cho phát triển bền vững” diễn ra tại Hà Nội, dưới sự tham dự của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Hơn 300 đại biểu đến từ các tổ chức quốc tế, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân, các bộ, ban ngành của Việt Nam đã tham dự.
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đề cập tại Diễn này về những thách thức mà Việt Nam đang gặp phải và đang cần sự hỗ trợ, tư vấn của các đối tác phát triển. Những thách thức này bao gồm khoảng cách phát triển giữa Việt Nam và các nước trong khu vực vẫn còn xa, và thách thức bẫy thu nhập trung bình khi tăng trưởng không còn phụ thuộc vào vốn và khai thác tài nguyên thiên nhiên.
Tại Diễn đàn, ông Ousmane Dione - Giám đốc Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam - chúc mừng Chính phủ đã tiếp tục có một năm kinh tế tăng trưởng mạnh và ổn định vĩ mô, nhiều tiến triển trong những cải cách chiến lược. Theo ông Ousmane Dione, Việt Nam đã tăng 14 bậc trong bảng xếp hạng Môi trường Kinh doanh 2018 của Nhóm Ngân hàng Thế giới.
“Việt Nam đã đạt được kết quả đáng kể trong phục hồi tăng trưởng, tuy nhiên xu hướng tăng năng suất yếu là một vấn đề cần lưu tâm. Cần cải thiện hiệu suất tại từng ngành cụ thể cũng như đa ngành, điều này cần có thể chế thị trường hiệu quả và sự hỗ trợ của Chính phủ.” - ông Ousmane Dione nói.
Diễn đàn đã nghe các bài trình bày của các chuyên gia trong nước và quốc tế và thảo luận về hai chủ đề chính là tăng trưởng năng suất - Xu thế toàn cầu và thách thức tại Việt Nam và giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam.
Về chủ đề Tăng trưởng năng suất - Xu thế toàn cầu và thách thức tại Việt Nam, các đại biểu đã nghe và thảo luận phần về các vấn đề năng suất, khái niệm và nguồn gốc tăng năng suất, về xu hướng và thách thức với năng suất tại Việt Nam, xu hướng giảm tăng năng suất, những yếu tố ảnh hưởng đến năng suất, bao gồm những thay đổi cơ cấu.
Diễn đàn cũng được nghe những chia sẻ về cách đáp ứng nhu cầu về kĩ năng, khuyến khích sáng tạo tại doanh nghiệp để tận dụng công nghệ, liên kết tốt hơn với doanh nghiệp đầu tư nước ngoài và chuỗi giá trị toàn cầu, cũng như thay đổi cấu trúc để tạo ra năng suất cao hơn trong ngành nông nghiệp với những kinh nghiệm cụ thể từ Australia, Nhật và Israel.
Các đại biểu cũng gợi ý về khung chính sách cho tăng trưởng của Việt Nam, bao gồm tận dụng lợi thế cạnh tranh của các tư liệu sản xuất chất lượng cao, giá thấp, các động lực mới như cạnh tranh, đảm bảo tính chắc chắn của khung chính sách, và tính linh hoạt của nền kinh tế bao gồm khả năng thích ứng và khả năng dịch chuyển của các yếu tố đầu vào như lao động, vốn...
Trong phần thảo luận về chủ đề giải phóng năng suất vì sự phát triển bền vững của Việt Nam, các đại biểu đã thảo luận các vấn đề quan trọng nhằm giải phóng năng suất, bao gồm môi trường thuận lợi cho tăng năng suất với kinh nghiệm từ Australia trong chính sách tạo ra môi trường kinh doanh thuận lợi, chính sách cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ và cải cách thể chế dựa trên thị trường.
Diễn đàn cũng thảo luận về việc tạo ra động cơ để giải quyết thách thức tăng năng suất và tăng cường thương mại dịch vụ với những kinh nghiệm quốc tế của Ngân hàng Thế giới.
Nghị trình chính sách cho Việt Nam trong lĩnh vực này, theo các diễn giả, cần xác định động lực đúng để tăng cường hiệu suất phân bổ nguồn lực, trong đó phát huy vai trò của thể chế thị trường hiệu quả, và môi trường pháp quy hiện đại.
Phát biểu tại Diễn đàn, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chia sẻ với các đại biểu về thành tựu phát triển kinh tế xã hội của Việt Nam. Thủ tướng cũng chỉ rõ những yếu kém như chất lượng tăng trưởng cải thiện còn chậm, và dù có nhiều cố gắng, nhưng năng suất lao động của Việt Nam còn thấp so với một số nước khu vực.
“Thực tế, Việt Nam có nhiều tiềm năng, dư địa và cơ hội lớn để gia tăng tốc độ tăng năng suất, trước hết là phân bổ, sử dụng hiệu quả nguồn lực; chuyển đổi mạnh mẽ cơ cấu kinh tế; thúc đẩy đổi mới, sáng tạo, áp dụng khoa học - công nghệ để tăng năng suất của từng doanh nghiệp, từng nội ngành kinh tế‘’,Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.
Theo Thủ tướng, Việt Nam rất cần sự hỗ trợ và tham vấn của các đối tác phát triển, cộng đồng doanh nghiệp, các chuyên gia trong và ngoài nước để tìm ra các giải pháp chính sách phù hợp
Lãnh đạo Chính phủ Việt Nam đã thông báo tới Diễn đàn một số nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu để tiếp tục nâng cao năng suất, tạo đòn bẩy cho phát triển bền vững thời gian tới, bao gồm: Tạo lập môi trường cạnh tranh toàn diện; Tiếp tục nâng cao hiệu quả sử dụng các nguồn lực; Tiếp tục phát triển mạnh mẽ khu vực kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế;
Chủ động hội nhập quốc tế, phát huy nội lực vượt qua thách thức, khai thác có hiệu quả các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do mà Việt Nam đã và đang đàm phán tham gia; và giữ vững ổn định chính trị xã hội, củng cố nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, quyết tâm thực hiện mục tiêu phát triển bền vững.
Châu Như Quỳnh