Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung: Cải thiện môi trường kinh doanh phải xóa cơ chế xin - cho

(Dân trí) - “Chúng ta cải thiện môi trường kinh doanh, tức là phải làm cho doanh nghiệp tự do hơn, doanh nghiệp kinh doanh an toàn hơn, kết nối nhanh hơn, thì lúc đó người ta mới về đầu tư”, tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương khẳng định.

Ngày 12/4, tại UBND TP Cần Thơ diễn ra hội nghị Diễn đàn kinh tế thường niên 2017 với chủ đề “Tìm giải pháp gia tăng năng lực cạnh tranh giai đoạn 2017-2020, tầm nhìn 2030”.

Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Cần Thơ nghiên cứu, tìm hiểu nhưng cuối cùng rất ít doanh nghiệp đậu lại
Ông Trương Quang Hoài Nam - Phó chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết, có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Cần Thơ nghiên cứu, tìm hiểu nhưng cuối cùng rất ít doanh nghiệp đậu lại

Ông Trương Quang Hòai Nam, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết: TP Cần Thơ được xác định là trung tâm của vùng ĐBSCL, là động lực phát triển của vùng, trong quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa hơn 10 năm qua đã tạo bước chuyển mình mạnh mẽ trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, quản lý kinh tế - xã hội đã làm thay đổi bộ mặt thành thị, nông thôn.

Tuy nhiên, theo ông Nam, nền kinh tế của Cần Thơ đang phải đối mặt với nhiều thách thức, nguồn lực phục vụ phát triển và nâng cao năng lực cạnh tranh; công nghiệp, nông nghiệp, thương mại dịch vụ đều chậm phát triển, xuất khẩu giảm; hạ tầng đô thị chưa đáp ứng các tiêu chí đô thị thịnh vượng, văn minh; vai trò trung tâm vùng chưa được phát huy.

Ông Nam cũng cho biết, những năm gần đây có rất nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến Cần Thơ tham quan, nghiên cứu, tìm hiểu nhưng cuối cùng thì rất ít doanh nghiệp đậu lại. “Qua diễn đàn này, UBND TP Cần Thơ mong muốn tham vấn ý kiến chuyên gia để hoạch định chính sách, xây dựng giải pháp điều hành phát triển kinh tế của địa phương”, ông Nam cho biết.

Ông Nguyễn Phương Lam – Phó Giám đốc Phòng thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) chi nhánh Cần Thơ cho biết, những hạn chế trong năng lực cạnh tranh (PCI) của Cần Thơ là dịch vụ hỗ trợ kinh doanh và đào tạo lao động. “Đây là hai chỉ số yếu nhất của Cần Thơ, không chỉ so với 5 thành phố trực thuộc trung ương mà so với các tỉnh, thành trong cả nước”, ông Lam nói.

Tại hội nghị, Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung - Viện Trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương cho rằng, tái cơ cấu kinh tế là vấn đề quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước. Thế nhưng, muốn thực hiện tái cơ cấu kinh tế thành công, thì nhà nước phải xóa cơ chế xin - cho.

Ông Cung cho rằng, hãy để thị trường tìm kiếm nhu cầu, chứ không nên phân bố theo cơ chế hành chính xin- cho như hiện nay. “Toàn bộ nguồn lực phân bố của chúng ta hiện nay là phân bố xin-cho hành chính. Mà hệ thống phải xin-cho hành chính như vậy, thì không thể gọi là tái cơ cấu kinh tế".

Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, muốn tái cơ cấu kinh tế thành công phải xóa bỏ cơ chế xin-cho
Tiến sĩ Nguyễn Đình Cung, muốn tái cơ cấu kinh tế thành công phải xóa bỏ cơ chế xin-cho

“Tái cơ cấu kinh tế, chúng tôi muốn là để cho thị trường phân bố nguồn lực, mà muốn thị trường phân bố nguồn lực, thì những thị trường về vốn, lao động, thị trường, quyền sử dụng đất..., phải phát triển và chỉ khi nào thị trường này phát triển, thì nó mới thay thế được hệ thống kia”, ông Cung khẳng định.

Cũng theo lời tiến sĩ Cung, cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta hay cho anh cái này cho anh cái kia, ưu đãi thuế…, tôi cho những cái đó không hiệu quả vì chúng ta cho đất, thì phải lấy của một ai đó để cho. Chúng ta phải lấy của nông dân cho doanh nghiệp, tại sao có một xã hội lấy của người này cho người khác thành ưu đãi được? không có chuyện này, theo tôi nên bỏ những cái đấy.

"Chỗ này, tôi thấy cải thiện môi trường kinh doanh, chúng ta phải làm cho doanh nghiệp tự do hơn, doanh nghiệp kinh doanh an toàn hơn, kết nối nhanh hơn, cảm nhận được an toàn trong kinh doanh, thì lúc đó người ta mới về đầu tư. Mà tính an toàn trong hoạt động kinh doanh của Việt Nam cực kỳ kém", TS Cung nhấn mạnh.

Theo ông Cung: Phải tìm kiếm doanh nghiệp, tập hợp họ và họ và có thể tìm doanh nghiệp đầu đàn, kể cả đầu tư nước ngoài. Tôi đang bó việc này bí việc kia, thì đi tìm kiếm chia sẽ, đừng ngồi tìm trong hệ thống hành chính có thể không ra. Nhưng hãy chia sẻ nhiều hơn với doanh nghiệp, hỗ trợ họ làm sao tạo niềm tin 2 bên. Đây là điều cần thiết cải thiện môi trường kinh doanh hơn là đi tìm kiếm ở chỗ ưu đãi này ưu đãi kia.

Phạm Tâm