Chỉ số mua hàng Việt Nam "đạt đỉnh" 22 tháng liên tiếp, vượt nhiều nước ASEAN

(Dân trí) - Lượng đơn đặt hàng mới tăng, số lượng mua hàng của các doanh nghiệp (DN) ngày càng lớn khiến lĩnh vực sản xuất của Việt Nam kết thúc quý I/2017 với một kết quả tích cực.

Báo cáo mới nhất của Nikkei (Nhật Bản) vừa công bố cho thấy, chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) tháng 3 và quý I/2017 của Việt Nam đã tăng liên tiếp cho thấy sự cải thiện mạnh mẽ của lĩnh vực sản xuất tại Việt Nam. Đây là tháng thứ 22 kể từ tháng 5/2015 chỉ số này tăng điểm. Điều này cho thấy, các điều kiện kinh doanh đã được cải thiện ở mức đáng kể.

Sản xuất tại Việt Nam đã tăng nhanh vì nền kinh tế phục hồi và hội nhập mạnh mẽ (ảnh minh hoạ)
Sản xuất tại Việt Nam đã tăng nhanh vì nền kinh tế phục hồi và hội nhập mạnh mẽ (ảnh minh hoạ)

Theo đó, PMI – một chỉ số tổng hợp về kết quả hoạt động của ngành sản xuất - của Việt Nam đã tăng từ mức 54,2 điểm của tháng 2 lên 54,6 điểm trong tháng 3, vượt qua các nước láng giềng như Thái Lan (50,2 điểm), Philippines (53,8 điểm) hay Malaysia 49,5 điểm.

Cũng vì số lượng đơn đặt hàng mới tăng, các công ty đã tăng sản xuất tháng thứ 5 liên tiếp. Các công ty đã tuyển dụng thêm nhân công để tăng sản xuất trong tháng 3. Số lượng nhân công đã tăng đáng kể, và với một tốc độ nhanh nhất kể từ tháng 9 năm ngoái.

Theo khảo sát của Nikkei, các nhà sản xuất tại Việt Nam vẫn rất tự tin rằng sản lượng sẽ tăng trong 12 tháng tới, với gần 63% số thành viên nhóm khảo sát dự báo tăng. Những dự báo số lượng đơn đặt hàng mới tăng, cùng với các kế hoạch mở rộng kinh doanh đang là những nhân tố tích cực của nền kinh tế Việt Nam.

Trước đó, trong quý I/2017, vốn đầu tư nước ngoài (FDI) vào Việt Nam tăng rất mạnh khoảng 77% so với cùng kỳ năm trước, đạt 7,7 tỷ USD, với 52 tỉnh thành phố đã thu hút được vốn FDI, tăng thêm 3 tỉnh so với cả năm 2016. Lĩnh vực đầu tư có triển vọng nhất là công nghiệp chế biến, chế tạo, nơi sản xuất hàng hoá trực tiếp đã thu hút được 6,5 tỷ USD, chiếm hơn 84% tổng lượng vốn đăng ký.

Theo đánh giá của Cục Đầu tư Nước ngoài, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dù Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) bị trì hoãn, song do Việt Nam đã và đang tham gia nhiều sân chơi mới nên các nhà đầu tư vẫn tin tưởng vào tăng trưởng sản xuất và xuất khẩu để đổ vốn đầu tư.

Nguyễn Tuyền