Cảnh báo "nền kinh tế gia công" đang chuyển sang nông nghiệp

(Dân trí) - Nền kinh tế gia công đang có xu hướng chuyển từ công nghiệp sang nông nghiệp, bằng chứng là nguyên liệu đầu vào và giá trị đầu ra của Việt Nam phụ thuộc khá lớn vào nhập khẩu, giá trị gia tăng ngành này đang giảm sút nghiêm trọng, mất đi lợi thế vốn có.

Trong Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 2016" của Ban Kinh tế Trung ương, phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy ban Kinh tế Quốc hội đưa ra mới đây, các chuyên gia, học giả kinh tế nhận định: Xu hướng nền "kinh tế gia công" đang chuyển mô hình từ ngành công nghiệp sang nông nghiệp.


Xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Việt Nam năm 2016 khốn khó vì giá giảm, Trung Quốc ngừng nhập

Xuất khẩu lợn sang Trung Quốc, sản phẩm chăn nuôi chủ lực của Việt Nam năm 2016 khốn khó vì giá giảm, Trung Quốc ngừng nhập

Minh chứng cho thấy sản xuất nông nghiệp và gia tăng giá trị xuất khẩu nông nghiệp của Việt Nam đang nặng về nhập khẩu đầu vào như phân bón, thuốc trừ sâu, giống cây trồng, vật nuôi... Xu hướng này đã và đang khiến nền nông nghiệp Việt Nam phát triển theo chiều rộng, theo quy mô, không theo chiều sâu và chuỗi giá trị gia tăng. Đây là nguyên nhân khiến hiệu quả ngành nông nghiệp ngày càng giảm sút, nhiều ngành rơi vào khủng hoảng cục bộ về nguyên liệu, giá và thị trường.

Một ví dụ sinh động là Việt Nam hiện nhập khẩu nhiều phân bón cho cây trồng từ Trung Quốc, lượng lớn thức ăn chăn nuôi cho ngành chăn nuôi cũng từ Trung Quốc, trong khi đó Việt Nam chưa chủ động được giống cây trồng, vật nuôi... Nền kinh tế nông nghiệp đang giảm hiệu quả sản xuất, giảm năng suất cho dù tăng quy mô.

Về thị trường, Việt Nam phụ thuộc nặng nề vào một hoặc một nhóm thị trường, khiến dễ bị tổn thương bởi thời vụ và chính sách cục bộ. Trong khi đó, nhiều sản phẩm xuất khẩu chủ lực của Việt Nam hiện bị cạnh tranh gay gắt tại thị trường quốc tế như gạo, cà phê, chè, thủy hải sản... Nền nông nghiệp gia công, đang là yếu tố làm cho "nội hàm" ngành nông nghiệp suy giảm về hiệu quả và ảnh hưởng đến toàn bộ nền kinh tế.

Ông Ngô Quốc Dũng, Trường Đại học Kinh tế Quốc dân: Hiệu quả tăng trưởng kinh tế được đánh giá trên 3 tiêu chí: chênh lệch tốc độ tăng trưởng giá trị sản xuất (GO) với tốc độ tăng trưởng GDP, năng suất lao động - NSLĐ (hiệu quả sử dụng lao động) và suất đầu tư tăng trưởng (hiệu quả sử dụng vốn).

"Chênh lệch giữa tốc độ tăng trưởng GO và GDP năm 2016 là 2,89 điểm phần trăm, giảm đi so với các năm trước của giai đoạn 2011-2015 nhưng nhìn chung, tốc độ tăng trưởng GDP vẫn thấp hơn khá nhiều so với tốc độ tăng trưởng GO”, ông Dũng nói.

Ông này phân tích, tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn nhiều so với tốc độ tăng trưởng GDP phản ánh một nền kinh tế tăng trưởng “nhờ vào gia công”, chủ yếu dựa trên lợi thế về lao động rẻ. "Nếu ví nền kinh tế như “một dòng sông chảy” thì tốc độ tăng trưởng GO lớn hơn GDP đã phản ánh một hiện tượng đang “không bình thường” trong nền kinh tế Việt Nam, theo đó “thượng nguồn” đang bị “khô” còn “hạ nguồn” thì lại “ngập”", ông Dũng nói.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, về cơ cấu nhập khẩu, hiện nhóm hàng tư liệu sản xuất công nghiệp - nông nghiệp đang chiếm 91,1% tổng kim ngạch nhập khẩu hàng hóa cả nước, trong đó máy móc thiết bị chiếm 41,4%; nhóm hàng tiêu dùng 9%.

Số liệu thống kê của Tổng cục Hải quan cũng chỉ ra, hết 2 tháng đầu năm 2017, Việt Nam phải chi hơn 600 triệu USD nhập thức ăn chăn nuôi, tăng hơn 48% so với cùng kỳ. Nhập khẩu phân bón cũng đạt hơn 200 triệu USD, tăng hơn 38% so với cùng kỳ.

Trong năm 2016, nhập thức ăn chăn nuôi của Việt Nam cũng rất lớn, cả nước phải chi hơn 3,4 tỷ USD nhập khẩu thức ăn chăn nuôi thành phẩm. Ngoài ra, nhập các sản phẩm phục vụ chế biến thức ăn chăn nuôi rất lớn, như nhập Ngô đạt 1,6 tỷ USD, nhập đậu tương 660 triệu USD. Thức ăn chăn nuôi được "liệt" vào danh sách nhập khẩu lớn nhất của ngành nông nghiệp.

Trong khi đó, xuất khẩu nhiều mặt hàng nông nghiệp như gạo, cà phê, hoa quả của Việt Nam giảm về lượng và giá trị do hàng hóa ở dạng thô sơ, chưa có chỉ dẫn địa lý, xuất khẩu vẫn dựa theo đường tiểu ngạch, không bao bì, nhãn mác…. Đây là lý do khiến giá trị sản phẩm Việt mất cạnh tranh với các sản phẩm cùng loại của nước khác.

Bên cạnh đó, nông nghiệp Việt Nam đang đối mặt với hiểm họa môi trường, sinh thái do công nghiệp hóa đem lại. Quá trình biến đổi khí hậu, hiện tượng nóng lên của trái đất đã và đang tác động mạnh mẽ làm giảm sản lượng, giảm giá trị sản xuất.

Nguyễn Tuyền