1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Cải cách kinh tế Việt Nam bị trì hoãn vì TPP không được thông qua

(Dân trí) - Việc Mỹ rút khỏi TPP khiến TPP khó trở thành hiện thực. Vì vậy, những áp lực gia tăng để thúc ép cải cách của Việt Nam không còn và những nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế thời gian vừa qua và cả trong tương lai có thể bị trì hoãn.

Đây là khẳng định trong báo cáo Kinh tế Việt Nam 2016, tái cơ cấu mô hình trăng trưởng vừa được Ban Kinh tế Trung ương, phối hợp với Đại học Kinh tế Quốc dân, Ủy ban Kinh tế Quốc hội công bố sáng nay (16/3) tại Hà Nội.

Cụ thể, Báo cáo "Kinh tế Việt Nam 2016" đưa ra những vấn đề của nền kinh tế đã và đang đặt ra cho Việt Nam trong những năm tiếp theo năm 2020 phải giải quyết, thay đổi. Dự báo của các chuyên gia kinh tế, từ nay đến năm 2018 nền kinh tế thế giới sẽ còn nhiều bất ổn và khó dự đoán. Xu hướng bảo hộ mậu dịch gia tăng, nguy cơ các cuộc chiến tranh thương mại tiềm ẩn, bất ổn từ chính sách của Tổng thống Mỹ Donal Trump gây nhiều biến động cho thế giới.


TPP không được thông qua sẽ làm trì hoãn cải cách trong nước (ảnh minh hoạ)

TPP không được thông qua sẽ làm trì hoãn cải cách trong nước (ảnh minh hoạ)

Mô hình tăng trưởng cũ chậm thay đổi

GS Ngô Thắng Lợi, Đại học Kinh tế Quốc dân (KTQD), đồng chủ biên "Báo cáo Việt Nam 2016" cho hay: Trong khi thế giới đang chứng kiến thay đổi chuyển mình của nhiều nền kinh tế thì Việt Nam vẫn còn những thách thức lớn chưa thể sửa đổi: Từ mô hình tăng trưởng cũ, dựa vào vốn, tài nguyên đến lao động giá rẻ, năng suất lao động thấp, đứng ngoài cách mạng công nghiệp lần thứ 4 của thế giới. Đây chính là những nguyên nhân khiến Việt Nam khó đạt, duy trì tốc độ tăng trưởng nhanh và bền vững.

Theo GS Lợi, hiện Việt Nam đang tham gia nhiều Hiệp định Thương mại tự do song và đa phương (FTA) thế hệ mới, trong đó có TPP (Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương) được kỳ vọng tạo xung lực, sức ép lớn cải cách trong nước. Tuy nhiên, việc Mỹ rút khỏi TPP khiến TPP khó trở thành hiện thực. Vì vậy, những áp lực gia tăng để thúc ép cải cách của Việt Nam không còn và những nỗ lực cải thiện thể chế kinh tế thời gian vừa qua và cả trong tương lai có thể bị trì hoãn.

Theo nhóm nghiên cứu đến từ Đại học Kinh tế Quốc dân, Ban Kinh tế Trung ương và Ủy ban Kinh tế Quốc hội, trong năm 2017 Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dự đoán sẽ tăng liên tiếp lãi suất đồng USD, điều này khiến khó có thể giảm mạnh lãi suất tiền đồng vì phải duy trì ổn định tỷ giá, xu hướng chung lãi suất.

TS Cấn Văn Lực, chuyên gia Tài chính - Ngân hàng cho rằng, những yếu tố nội lực của Việt Nam chưa được giải quyết thì những yếu tố ngoại lực đã và đang tác động làm chúng ta phải xử lý kép hai tình huống trong 1 chính sách.

"Nếu FED tăng lãi suất, tác động tới tỷ giá và lãi suất tiền đồng, điều này là hiển nhiên. Nhưng, một nguyên nhân lâu dài, quan trọng hơn là các tập đoàn, doanh nghiệp đa quốc gia sẽ về Mỹ sản xuất để hưởng lợi chính sách. Đây là nỗi lo dài hạn của các nước đang phát triển, tăng trưởng thâm dụng vốn FDI mà Việt Nam là một thành viên", TS Lực nói.

Hậu Formosa, bàn cách đánh giá toàn diện FDI

Ngoài những điểm nghẽn về nội lực và tác động quốc tế mạnh mẽ, các chuyên gia dự báo thời gian tới kinh tế Việt Nam sẽ gặp "hệ quả" do doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) mang lại như: công nghệ thấp, nhập khẩu cao, thâm dụng tài nguyên và đặc biệt là tác nhân ô nhiễm môi trường lớn.

Cụ thể, sau nhiều năm các doanh nghiệp FDI vẫn chủ yếu tập trung vào ngành khai thác tài nguyên, gia công, tận dụng lao động giá rẻ, tạo giá trị gia tăng thấp cho nền kinh tế, chưa có những đóng góp tích cực cho cải thiện tiến bộ khoa học công nghệ. Chính vì vậy, Báo cáo Kinh tế Việt Nam 2016 đề xuất đến lúc phải đánh giá toàn diện hiệu quả của FDI từ chi phí cơ hội, hiệu quả tương đồng và chính sách thời gian tới.

Báo cáo dẫn chứng sự kết nối giữa các doanh nghiệp FDI và doanh nghiệp trong nước còn lỏng lẻo, trong khi đó lại gia tăng nhập khẩu, tạo giá trị gia tăng thấp khiến Việt Nam trở thành nơi có lợi thế thị trường thay vì lợi thế so sánh so với các quốc gia khác.

Đặc biệt, hiện doanh nghiệp FDI là một trong những tác nhân quan trọng gây ô nhiễm môi trường. Một bộ phận nhà đầu tư nước ngoài đã lợi dụng những quy định về môi trường lỏng lẻo để di dời các ngành công nghiệp gây ô nhiễm môi trường đến Việt Nam.

Cụ thể, sau vụ gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng của Formosa, dù Chính phủ đã có những thay đổi nhất định về tư duy và có những quy định khắt khe hơn trong thu hút FDI, để hướng FDI vào những ngành tạo giá trị gia tăng cao, ít gây ô nhiễm môi trường, phục vụ phát triển kinh tế bền vững. Tuy nhiên, trong thời gian tới các vấn đề liên quan đến môi trường sẽ được tính toán và cân nhắc cẩn trọng hơn khi quyết định phê duyệt dự án đầu tư FDI.

Nguyễn Tuyền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm