Chỉ nửa năm, gần 8.000 nhân viên Vinasun nghỉ việc

(Dân trí) - Theo thuyết minh của công ty mẹ, tính đến ngày 30/6/2017, Vinasun có 8.291 nhân viên, giảm tới 7.946 người so với thời điểm đầu năm. Hay nói cách khác, trong vòng nửa năm, số lượng nhân viên của công ty này đã giảm gần một nửa.

Công ty cổ phần Ánh Dương Việt Nam (Vinasun) hôm nay (21/7) vừa công bố báo cáo tài chính 6 tháng đầu năm 2017 của công ty mẹ.

Theo đó, trong nửa đầu năm nay, Vinasun đạt doanh thu 1.783,1 tỷ đồng, giảm 17,3% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận kế toán trước thuế đạt 113 tỷ đồng, chỉ bằng 63,2% so với cùng kỳ. Lãi sau thuế đạt gần 90 tỷ đồng, giảm 37% so với cùng kỳ 6 tháng năm 2016.

Trong cơ cấu doanh thu cung cấp dịch vụ của Vinasun chủ yếu là doanh thu cung cấp dịch vụ vận tải hành khách bằng taxi (đạt 1.622,9 tỷ đồng, giảm gần 23% so với cùng kỳ 2016).

Vinasun chịu áp lực lớn do cạnh tranh gay gắt với Uber, Grab.
Vinasun chịu áp lực lớn do cạnh tranh gay gắt với Uber, Grab.

Đáng chú ý, theo thuyết minh của công ty mẹ, tính đến ngày 30/6/2017, Vinasun có 8.291 nhân viên, giảm tới 7.946 người so với thời điểm đầu năm. Hay nói cách khác, trong vòng nửa năm, số lượng nhân viên của công ty này đã giảm gần một nửa.

Số lượng nhân viên của Vinasun sụt giảm mạnh một phần xuất phát từ quyết định chuyển hướng kinh doanh theo hình thức tự doanh sang hình thức nhượng quyền, hợp tác kinh doanh để chủ động về cơ chế giá.

Năm 2017, công ty này lên kế hoạch rất thận trọng với mục tiêu doanh thu (bao gồm cả phần lợi nhuận từ thanh lý xe) giảm 11% so với năm 2016. Lợi nhuận ròng mục tiêu cũng lùi về con số 205 tỷ đồng.

Theo nhìn nhận của lãnh đạo Vinasun thì doanh nghiệp này đang gặp phải sự cạnh tranh khốc liệt từ các công ty nước ngoài xâm nhập vào thị trường taxi TPHCM với số lượng hơn 18.000 chiếc.

Phía Vinasun đánh giá, những loại hình kinh doanh taxi này áp dụng các chiêu thức cạnh tranh không lành mạnh như hạ giá và nâng giá một cách phi lý, dùng tiền để hỗ trợ lái xe, bù lỗ cho chủ xe, trì hoãn các nghĩa vụ thế nhằm giành giật thị trường của các công ty taxi truyền thống.

Tại đại hội đồng cổ đông vừa rồi, ông Đặng Phước Thành – Chủ tịch HĐQT Vinasun thậm chí còn tuyên bố, doanh nghiệp này sẽ khởi kiện Grab và Uber trước những hành vi cạnh tranh không lành mạnh kể trên.

Mới đây, trong một văn bản gửi Văn phòng Chính phủ và các cơ quan chức năng, doanh nghiệp này cho rằng, núp dưới danh nghĩa hợp đồng điện tử (là phương thức tính tiền và thanh toán thay đồng hồ tính tiền), Uber và Grab đã né tránh các nghĩa vụ về thuế, phí và hầu như không chịu bất kỳ chi phí phát sinh nào trong khi hoạt động taxi phải đáp ứng tối thiểu 13 điều kiện như kiểm định đồng hồ tính tiền, đầu tư máy in, thiết bị định vị...

Đồng thời, cũng theo cáo buộc từ Vinasun thì Uber và Grab đã và đang tùy tiện thực hiện các chương trình khuyến mãi tùy tiện, trái luật (không đăng ký, không được bất kỳ sự cho phép nào của cơ quan quản lý), hoạt động cạnh tranh không lành mạnh chiếm lĩnh thị trường; gây rối hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp taxi khác qua hành động kêu gọi các lái xe tham gia sử dụng phương thức kinh doanh của họ mà không cần ký kết với các DN taxi khác.

Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VNS của Vinasun đã có 6 phiên liên tiếp không tăng giá. Đóng cửa phiên 21/7, mã này giảm thêm 1% còn 19.600 đồng/cổ phiếu. Với mức giá này, cổ phiếu VNS đã giảm gần 18% trong vòng 1 tháng qua và giảm hơn 30% so với thời điểm 1 năm trước.

Bích Diệp