Chất vấn Bộ trưởng Tài chính: "Nóng" chuyện giá sách giáo khoa
(Dân trí) - Nhiều đại biểu quan tâm tới vấn đề định giá sách giáo khoa, kiến nghị đưa sách giáo khoa vào mặt hàng bình ổn giá trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 8/6.
Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính sáng nay (8/6), đại biểu Đinh Ngọc Dung (Hải Dương) hỏi việc kê khai giá sách giáo khoa và có đưa mặt hàng vào diện bình ổn giá hay không.
Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết, sách giáo khoa không phải là mặt hàng Nhà nước định giá mà thuộc danh mục kê khai giá. Quyền quyết định giá thuộc nhà xuất bản, nhà sản xuất sách giáo khoa. Trên cơ sở đó, người mua lựa chọn, mua chỗ nào chỗ lượng tốt nhất và chất lượng tốt nhất trên tinh thần minh bạch, niêm yết giá công khai.
Nhà nước thẩm định giá đối với những loại sách, sản phẩm mua bằng ngân sách Nhà nước. Ví dụ ngân sách địa phương là do Sở tài chính, Sở giáo dục, Ngân sách từ Sở giáo dục. Sở tài chính là do Bộ Giáo dục và Bộ tài chính và khi xuất cấp ngân sách thì phải thẩm định, mặt hàng, loại sản phẩm Nhà nước mua.
Trả lời đại biểu Châu Quỳnh Dao về việc đưa sách giáo khoa vào bình ổn giá, Luật Giá, Bộ trưởng cho rằng, việc có được đưa vào hay không thuộc thẩm quyền Quốc hội. Còn đề xuất là việc của các bộ tham mưu cho Chính phủ, Chính phủ sẽ tham mưu cho Quốc hội.
Quốc hội quyết định có đưa sách giáo khoa vào diện bình ổn giá hay không, có nghĩa là có đưa vào luật giá hay không. Hiện nay, luật giá đang sửa, theo lộ trình các kỳ họp tới sẽ bàn về luật giá.
Về phía Bộ Tài chính, Bộ Giáo dục đã buổi trao đổi và làm việc. Bộ sẽ thống nhất, báo cáo Thủ tướng Chính phủ và đưa đề xuất đưa sách giáo khoa vào luật giá. Còn được quyết định hay không là do Quốc hội.
Đại biểu Nguyễn Anh Trí, đoàn Hà Nội cho rằng, cần đưa sách giáo khoa vào loại hàng hóa đặc biệt và thẩm định giá. Đặc biệt, cần trợ giá sách giáo khoa cho học sinh có hoàn cảnh khó khăn, vùng sâu vùng xa.
Bộ trưởng Hồ Đức Phớc đánh giá ý kiến này rất hay nhưng Bộ trưởng cũng nhấn mạnh việc này chỉ có Quốc hội quyết định, các cơ quan dưới không thể quyết định. Nếu kỳ họp này, Quốc hội thống nhất, đưa vào nghị quyết thì Bộ Tài chính sẽ tranh thủ hướng dẫn và tiến hành triển khai ngay vì luật giá quy định chỉ kê khai và không có trong khung định giá. Nếu làm được như vậy sẽ đảm bảo tính hợp lý về giá cả, giảm khó khăn cho người dân, người nghèo, người yếu thế trong xã hội.
Trả lời thêm về vấn đề giá sách giáo khoa, Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn thông tin, tại phiên trao đổi, giải trình về các vấn đề kinh tế xã hội, Bộ đã trao đổi về vấn đề này.
Trong thời gian sắp tới, Bộ Giáo dục sẽ phối hợp với Bộ Tài chính làm các thủ tục cần thiết để trình Quốc hội và Chính phủ về giải pháp ổn định, lâu dài cho sách giáo khoa. Về vấn đề thuộc chức năng, quản lý Nhà nước của Bộ trưởng Giáo dục và Đào tạo, Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn nêu thêm, Bộ đang tích cực biên soạn thông tư mới về vấn đề quy cách. quy chuẩn của sách cho phù hợp với tình hình hiện nay.
Quy cách quy chuẩn này sẽ góp phần tác động vào giá sách. Việc yêu cầu doanh nghiệp tiết giảm chi phí, giảm khâu trung gian, giảm chi phí phát hành và thực hiện cạnh tranh lành mạnh, Bộ đã và đang làm. Tuy nhiên, Bộ sẽ thực hiện với nhà xuất bản giáo dục, một doanh nghiệp do Bộ làm cơ quan chủ quản. Theo Bộ trưởng, có 5 đơn vị hiện nay làm công việc biên soạn, phát hành sách giáo khoa. Còn đối với các đơn vị khách, tác động chỉ đạo có phần khó khăn hơn.