Bộ trưởng Tài chính hé lộ phương án xử lý xe máy "2 giá"

Nhóm phóng viên

(Dân trí) - Có đến 79 đại biểu Quốc hội đăng ký chất vấn Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 8/6. Vấn đề được quan tâm nhiều là giá xăng, giá sách giáo khoa, thị trường chứng khoán, trái phiếu, xe máy "2 giá"...

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc đang đăng đàn trả lời chất vấn, sau khi kết thúc phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn.

Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ trực tiếp chủ trì điều hành chất vấn.

 Một trong các nhóm nội dung quan trọng Bộ trưởng Tài chính sẽ làm rõ khi ngồi "ghế nóng" là hoạt động thị trường vốn, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp thời gian qua.

Theo số liệu từ Bộ Tài chính, thị trường vốn có tốc độ tăng trưởng bình quân trên 28,5%/năm giai đoạn 2016-2021, riêng năm 2021 là 33,2%. Tính đến cuối quý I năm nay, quy mô thị trường vốn đạt 134,5% GDP năm 2021. Trong đó, vốn hóa thị trường cổ phiếu đạt 93,8% GDP, quy mô thị trường trái phiếu Chính phủ là 22,7% GDP, quy mô thị trường trái phiếu doanh nghiệp đạt 16,4% GDP.

Tuy nhiên, thực tế hoạt động phát hành trái phiếu, chứng khoán thời gian qua bộc lộ rất nhiều vấn đề bất cập, tăng trưởng nóng. Bộ trưởng Bộ Tài chính sẽ làm rõ thêm về giải pháp chấn chỉnh và xử lý các hành vi vi phạm, đặc biệt là tình trạng thao túng, làm giá, đưa thông tin xuyên tạc, thiếu kiểm chứng, không chính xác ảnh hưởng đến thị trường. Đồng thời là phải đưa ra giải pháp về xây dựng, phát triển thị trường tài chính lành mạnh, bảo đảm an toàn, bền vững trong thời gian tới.

Trong báo cáo gửi tới đại biểu Quốc hội trước chất vấn, Bộ Tài chính thừa nhận trên thị trường cổ phiếu, thị trường chứng khoán phái sinh xuất hiện các hiện tượng thao túng giá, làm giá ngày càng tinh vi, nhiều mã chứng khoán được đẩy giá lên cao không gắn với tình hình hoạt động kinh doanh, nghĩa vụ công bố thông tin của một số doanh nghiệp đại chúng, công ty niêm yết, nhà đầu tư còn chưa đảm bảo chất lượng...

Nhóm vấn đề thứ hai cũng được quan tâm, đó là các biện pháp chống thất thu thuế, nhất là trong hoạt động kinh doanh, chuyển nhượng bất động sản. Việc quản lý thuế đối với các hoạt động kinh doanh trên nền tảng số.

Khi thảo luận ở hội trường về kinh tế - xã hội năm 2021 và những tháng đầu năm nay, có đại biểu Quốc hội còn băn khoăn việc siết thu thuế chuyển nhượng bất động sản sẽ tạo điều kiện cho cơ quan thuế "nhũng nhiễu, phiền hà".

Trong khi đó, Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc siết thu thuế thời gian qua đã có những kết quả tích cực. Có trường hợp chỉ kê khai thuế với giá trị 500 triệu đồng, sau đó phải kê khai lại 10 tỷ đồng, gấp đến 20 lần, có trường hợp còn gấp 40 lần.

Bộ trưởng nhấn mạnh sẽ xử lý nghiêm nếu phát hiện tình trạng cán bộ nhận "lót tay, trục lợi, hối lộ".

Ngoài hai nhóm vấn đề "nóng" nêu trên, tư lệnh ngành tài chính cũng sẽ làm rõ các chất vấn của đại biểu về tình hình triển khai và giải pháp đẩy nhanh việc thực hiện Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Tài chính.

Việc quản lý giá, mua sắm công và kiểm soát lạm phát theo Nghị quyết của Quốc hội; thực trạng, nguyên nhân và giải pháp tháo gỡ các điểm nghẽn, nút thắt, thúc đẩy cổ phần hóa, thoái vốn nhà nước tại doanh nghiệp và chuyển đơn vị sự nghiệp công lập thành công ty cổ phần… cũng là nhóm vấn đề được chất vấn.

Tại phiên chất vấn của Bộ trưởng Bộ Tài chính, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ trưởng Bộ Công Thương, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Xây dựng, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ trưởng Bộ Công an; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam; Tổng Thanh tra Chính phủ; Tổng Kiểm toán nhà nước sẽ cùng tham gia trả lời chất vấn, giải trình về những vấn đề có liên quan.