Bộ trưởng Tài chính:

Sau cổ phần hóa không phải là giải tán DN, sa thải, bán máy "lấy tiền"

Nguyễn Mạnh

(Dân trí) - Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho rằng việc sắp xếp nhà đất và việc phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong quá trình cổ phần hóa. Vừa rồi cổ phần hóa chậm là từ khâu này.

"Nút thắt" trong cổ phần hóa

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Tài chính sáng nay (8/6), đại biểu Nguyễn Thị Lệ (Đoàn TPHCM) đặt vấn đề, việc rà soát xử lý nhà đất, phương án sử dụng đất của doanh nghiệp, thực hiện cổ phần hóa vừa qua còn khó khăn, kéo dài do pháp lý đất đai phức tạp, đặc biệt là việc xác định lợi thế quyền sử dụng đất. Thêm nữa vấn đề giá khởi điểm khi thoái vốn nhưng còn nhiều cách hiểu khác nhau, còn lúng túng khi thực hiện, Bộ trưởng sẽ xử lý như thế nào về vấn đề này?

Vấn đề thứ hai, đại biểu đặt câu hỏi: Nhiều doanh nghiệp (DN) thoái vốn chưa triệt để, công tác cổ phần hóa thoái vốn của một số bộ ngành địa phương còn hạn chế, đặc biệt liên quan đến vấn đề đất đai, dẫn đến thất thoát vốn tài sản của Nhà nước. Quan điểm của Bộ Tài chính như thế nào, thời gian tới Bộ sẽ tham mưu cho Chính phủ ra sao?

Sau cổ phần hóa không phải là giải tán DN, sa thải, bán máy lấy tiền - 1

Bộ trưởng Tài chính Hồ Đức Phớc cho biết việc sắp xếp nhà đất và việc phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong quá trình cổ phần hóa (Ảnh: Quốc Chính).

Trả lời đại biểu Nguyễn Thị Lệ, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết việc sắp xếp nhà đất và việc phê duyệt phương án sử dụng đất là nút thắt trong quá trình cổ phần hóa. "Vừa rồi cổ phần hóa chậm là từ khâu này. Khi trình phương án sắp xếp tài sản công, UBND tỉnh được giao toàn quyền phê duyệt, nhưng việc phê duyệt rất chậm", Bộ trưởng nói.

Theo Bộ trưởng Tài chính, năm 2021 chỉ bán vốn được 18 DN, cổ phần hóa được 4 DN, tổng thu ngân sách là 4.402 tỷ đồng. Đây là một vấn đề về mặt luật pháp cần được hoàn thiện. Việc sắp xếp nhà đất với cổ phần hóa, theo Nghị định của Chính phủ, tài sản của DN nếu thuê đất hàng năm thì không tính vào giá trị DN, còn nếu nộp một lần thì tính vào giá trị DN.

"Đây cũng là lỗ hổng cần phải được kiến tạo, để làm sao cổ phần hóa nhưng đất đai không bị thất thoát", Bộ trưởng cho biết.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Thành Công (tỉnh Ninh Bình) cũng cho rằng tình hình cổ phần hóa, thoái vốn thời gian qua cho thấy công tác xử lý về đất đai gặp nhiều vướng mắc, trong đó có việc xác định thẩm quyền và phương án phê duyệt sử dụng đất, sắp xếp lại xử lý nhà đất.

Đại biểu Công đề nghị Bộ trưởng Bộ Tài chính báo cáo giải trình tính hợp lý của việc gắn phương án xử lý, sắp xếp nhà đất vào quy trình cổ phần hóa, thoái vốn. Liệu đây có phải là một trong những nguyên nhân chính gây vướng mắc trong quá trình cổ phần hóa, thoái vốn hay không? Giải pháp cho vấn đề này là gì?

Trả lời vấn đề này, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc thừa nhận, vừa qua, chúng ta thất thoát nhiều qua cổ phần hóa doanh nghiệp nhà nước (DNNN) chủ yếu vì đất. Qua các vụ án vừa qua, chủ yếu liên quan tới đất đai. Trong đó, cốt lõi vẫn là việc chuyển mục đích sử dụng đất. Khi UBND tỉnh phê duyệt đất là đất thuê, doanh nghiệp nộp tiền sử dụng đất một lần là 50 năm, nhưng chuyển qua doanh nghiệp cổ phần (DNCP) thì doanh nghiệp đó lại xin UBND cấp tỉnh, thành phố phê duyệt để chuyển đổi mục đích sử dụng đất.

Khi chuyển đổi như vậy, theo Bộ trưởng, dễ dẫn đến tình trạng không sát giá thị trường, tạo ra thất thoát khi tài sản nhà nước chuyển qua tài sản tư nhân. "Đây cũng là vấn đề, nút thắt lớn. Vừa rồi, chúng tôi rồi tổ chức hội thảo, nếu đại biểu Quốc hội thấy đúng, thì chúng ta có thể sửa lại để đảm bảo phát triển bền vững lâu dài", Bộ trưởng nhấn mạnh.

DNNN cũng như DNCP đều sử dụng đất là đất đai sở hữu toàn dân, khi DNNN có đất thuê với mục đích thuê là sản xuất kinh doanh thì khi chuyển qua DNCP sẽ thực hiện đúng mục đích đó, đúng mục tiêu. Còn nếu DNCP không có nhu cầu sử dụng thì trả lại cho Nhà nước, Nhà nước sẽ thanh toán tiền tài sản trên đất lại cho DN và sau đó tổ chức đấu giá, thu về ngân sách. Làm như vậy, Bộ trưởng cho rằng, chênh lệch địa tô sẽ không chảy vào túi DN, cái này sẽ do Nhà nước điều tiết.

Cũng theo Bộ trưởng, đề xuất này nếu thực hiện sẽ có lợi là thúc đẩy nền kinh tế. Vì cổ phần hóa DNNN để nâng cao năng lực sản xuất, kinh doanh. Không phải sau cổ phần hóa để giải tán doanh nghiệp, sa thải công nhân, để bán máy móc, lấy địa tô chênh lệch khi chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Nếu chúng ta làm được điều đó thì chắc chắn năng lực nền kinh tế, đặc biệt sức mạnh DN sẽ nâng lên. Đồng thời không khuyến khích DN nhìn khu đất có lợi thế thương mại sau đó tổ chức cổ phần hóa.

Sẽ trình sửa đổi Nghị định 32

Liên quan đến Nghị định 32, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết, đối với việc Nghị định xác định vấn đề là lợi thế thương mại và đưa tiền thuê đất một lần vào giá trị của doanh nghiệp, qua các hội thảo, nhiều chuyên gia đánh giá là chưa hợp lý.

Bởi đó cũng là đánh giá lợi thế thương mại và theo ước chừng chứ không có tiêu chí chính xác để đánh giá giá trị lợi thế thương mại. Khi đưa vào giá trị của doanh nghiệp, thì hôm nay giá đất cao thì ngày mai sẽ rẻ. Do đó, với Nghị định 32 này, Bộ trưởng nêu rõ sẽ phối hợp với Bộ Tài nguyên và Môi trường, Bộ Kế hoạch và Đầu tư và các bộ, ngành liên quan để trình Chính phủ sửa đổi. 

Tuy nhiên, cũng theo Bộ trưởng, việc chuyển mục đích sử dụng đất, như Nghị quyết 60 năm 2018 không cho doanh nghiệp có nguồn gốc Nhà nước sau khi cổ phần hóa không được chuyển mục đích sử dụng đất. Nếu không sử dụng cho sản xuất kinh doanh và không có nhu cầu nữa thì trả cho Nhà nước. Khi đó, Nhà nước sẽ đấu giá để thu tiền sử dụng đất hoặc chuyển khu đất đó cho doanh nghiệp khác, cơ quan khác sử dụng. 

Về vấn đề gắn việc sắp xếp nhà đất vào cổ phần hóa, Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết, nhà đất là tài sản của Nhà nước. Trước đây theo Nghị định 167, bây giờ là Nghị định 67, đương nhiên trước khi chuyển sang phải có sự sắp xếp, phần nào giữ lại, phần nào trả về cho Nhà nước và phần nào đưa vào giá trị cổ phần hóa hoặc để chuyển giao cho doanh nghiệp cổ phần hóa. Bộ trưởng cho rằng, trước khi cổ phần hóa phải sắp xếp để xác định tính hợp lý sử dụng.