Chân dung đại gia vỡ nợ chấn động Thái Bình

Đại gia Vũ Văn Diệp, giám đốc công ty Trường Phong hiện bị công an bắt giữ đang tạo ra một “cơn bão” khủng hoảng tín dụng ở thành phố Thái Bình. Đại gia này từng tụt quần đứng giữa đường chửi cả làng Tiền Phong.

Đại gia “quái tướng” từng làm Chí Phèo

 

Người Thái Bình quen gọi Vũ Văn Diệp bằng cái tên Vũ Văn Phong - cái tên gắn liền với công ty Trường Phong. Ngay cả tên giao dịch, Diệp cũng đổi thành Vũ Văn Phong. Về phường Tiền Phong (TP. Thái Bình) không ai là không biết đến Phong. Sự nổi tiếng của Phong có từ lâu, cách đây chừng chục năm.

 

Chân dung đại gia vỡ nợ chấn động Thái Bình  - 1
Cty bề thế của Phong tại Thái Bình. 

 

Ở Thái Bình, Tiền Phong là một phường nổi tiếng về “độ nóng” an ninh trật tự có nhiều thành phần bất hảo. Vào một buổi chiều, tại khu công nghiệp Tiền Phong, Vũ Văn Phong đã ngang nhiên tụt quần đứng giữa đường chửi cả làng Tiền Phong vì dân ở đây phản đối việc xây dựng khu công nghiệp, trong đó có nhà xưởng của Phong. 

 

Vũ Văn Phong sinh năm 1970, tuổi Canh Tuất, tại xã Hồng Lý, huyện Vũ Thư, Thái Bình. Phong khởi nghiệp bằng nghề sắt thép, sau đó thuê đất xây dựng nhà xưởng cơ khí tại khu công nghiệp Tiền Phong. Giai đoạn này, sự nghiệp kinh doanh của Phong bình thường nhưng lại có tiếng về độ ăn chơi. Một người kinh doanh cơ khí tại khu công nghiệp này kể, Phong là một người nổi tiếng về “đỏ đen”. Vị này cũng cảm thấy bất ngờ vì chỉ trong một thời gian ngắn Phong đã trở thành đại gia.

 

Theo một  đại gia kinh doanh vàng bạc ở Thái Bình, Phong từng mở những tiếng bạc lên tới cả tỷ đồng mà không cảm thấy ghê tay. Để giữ tiếng, giám đốc đại gia này thường sang Nam Định, Ninh Bình để chơi bạc. Phong có một gương mặt quái tướng, tóc dài, đi xe gần 5 tỷ đồng nên luôn tạo ấn tượng mạnh mẽ với người xung quanh. Dư luận ở Thái Bình cũng cho thấy Phong là một kẻ rất ham mê cá độ bóng đá.

 

Nhiều người ở Thái Bình cũng tỏ ra khá hâm mộ Phong bởi đi lên từ tay trắng, không bằng cấp. Phong lấy vợ khá sớm và có một gia đình êm ấm với hai con trai, một con gái, con cả năm nay đã học năm thứ hai  đại học. Khi Phong bị công an bắt, vợ Phong không có mặt tại địa phương.

 

Bắt nợ đại gia bằng bò và xe SH

 

Chân dung đại gia vỡ nợ chấn động Thái Bình  - 2
Chi nhánh ngân hàng Đông Á cho công ty Phong vay 99 tỷ đồng

 

Hiện có rất nhiều thông tin về nợ nần của Vũ Văn Phong. Theo dư luận ở Thái Bình, hàng chục người đã bị Phong vay tiền lên tới hơn 200 tỷ đồng. Phong đã chuẩn bị từ trước cho ngày bị bắt giam. Thông tin chính thức từ Công an Thái Bình là Phong bị bắt vì có dấu hiệu bỏ trốn nhưng dư luận lại cho rằng Phong bị các chủ nợ, trong đó có cả xã hội đen truy sát nên phải ra công an đầu thú để bảo toàn tính mạng.

 

Để hiểu thêm về Vũ Văn Phong, chúng tôi đã tìm về xã Đông Xuân, huyện Đông Hưng, Thái Bình – nơi đặt đại bản doanh của Phong. Lãnh đạo xã Đông Xuân cho hay, Phong ít quan hệ với xã, chỉ thi thoảng ngày lễ tết có đến tặng vài trăm nghìn cho các cháu thiếu niên nhi đồng, nạn nhân chất độc da cam.

 

Công ty Trường Phong của vũ Văn Phong nằm tại khu công nghiệp Gia Lễ, sát cạnh đường 10. Sự hoành tráng của công ty này thể hiện ngay từ bên ngoài với cổng vào lớn và hai con sư tử đá sừng sững đứng canh. Nhà xưởng bên trong rộng vài nghìn mét vuông với các loại cẩu hiện đại bậc nhất ở Thái Bình. Đối diện nhà xưởng là khu nhà điều hành 5 tầng rộng vài trăm mét vuông, riêng tiền công xây dựng gần 1 tỷ đồng, nội thất bên trong rất cao cấp, nền và tường nhà được ốp gỗ thơm.

 

Cả nhà Phong hàng ngày sinh sống luôn tại đây. Trong khu nhà này còn có cả ao nuôi cá, vườn nuôi bò, dê và hàng trăm cây cảnh đắt tiền.

 

Một điều rất đặc biệt là kể từ ngày đầu tư quy mô vào nhà xưởng này với số tiền khoảng vài chục tỷ đồng,  công ty Trường Phong chưa một ngày đi vào sản xuất.

 

Được biết, trong lúc túng quẫn, Phong đã huy động cả tiền của nhân viên trong công ty, người  1-2 cây vàng, người  vài trăm triệu đồng. Anh Luyện, nhân viên bảo vệ của công ty Trường Phong cho biết, anh nhanh tay dắt được con bò và chiếc xe máy SH của Phong để trừ vào khoản nợ 200 triệu đồng mà Phong vay của vợ chồng anh. Con bò anh Luyện bán được 8,5 triệu đồng còn xe SH bán được 135 triệu đồng, tính ra Phong còn thiếu vợ chồng anh khoảng 70 triệu đồng. 

 

Đây là khoản tiền vợ chồng anh Luyện bán đất 5% cho khu công nghiệp Gia Lễ. Anh Luyện kể, cách đây vài tháng, Phong đặt vấn đề đang có dự án nhà xưởng hơn 10 tỷ đồng nhưng thiếu một ít vốn, ai có tiền thì cho Phong vay để cùng hưởng lợi nhuận. Trước khi Phong bị công an bắt, anh Luyện có gọi điện hỏi thì được Phong trả lời: “Chú cứ yên tâm, khi về anh sẽ trả chú đầy đủ!”. Chính vì vậy, anh Luyện vẫn tin là Phong sẽ trả cho mình khoản thiếu nợ nên không đi trình báo công an  chỉ có điều không biết ngày nào Phong được trở về?

 

Được biết, ngay sau khi Phong bị công an bắt giam để phục vụ điều tra, tài sản của Phong cũng như công ty Trường Phong đã bị phía Ngân hàng phong tỏa. Hiện, một số xe ô- tô đắt tiền và xe cẩu của Phong đã bị ngân hàng Ngoại thương giữ còn nhà xưởng do Ngân hàng Đông Á niêm phong, trông coi. Khoản nợ Ngân hàng Đông Á 99 tỷ đồng và hơn chục tỷ đồng của Ngân hàng Ngoại thương vẫn chưa đến kỳ hạn thanh toán, tiền lãi tháng 7/2011 Phong đã đóng đủ. Phong cũng chủ động bàn giao tài sản cho phía ngân hàng.

 

Ngày 22/8, đại diện công an tỉnh Thái Bình cho PV VTC News biết, hiện vẫn chưa có thêm nạn nhân đến tố cáo Phong. Phong bị bắt vì tội làm giả giấy tờ, tài liệu, cụ thể là hóa đơn, chứng từ. Trước khi bị bắt, Phong có dấu hiệu bỏ trốn. Từng là một đại gia nhưng khi bị bắt, Phong không còn một xu trong túi nên tiền ăn tối cũng do cơ quan công an lo cho.

 

Công an Thái Bình nhận định đây là vụ vỡ nợ lớn nhất từ trước đến nay ở địa phương, có liên quan đến nhiều cá nhân tổ chức. Quan điểm của cơ quan công an là điều tra làm rõ những hành vi phạm tội của Phong, nếu có đủ chứng cứ sẽ khởi tố thêm một số tội danh khác. Cơ quan công an cũng điều tra để làm rõ việc các ngân hàng có sai phạm hay không trong quá trình giải ngân cho công ty Trường Phong đồng thời tiếp tục điều tra để làm rõ có hay không  đường dây “tín dụng đen” ở Thái Bình xung quanh vụ Trường Phong.

 

Về vụ Trường Phong, trao đổi với PV VTC News, một giám đốc Chi nhánh Ngân hàng lớn ở Thái Bình phân tích: Vấn đề chính ở đây là năng lực tài chính thực sự của doanh nghiệp. Một dự án vay ngân hàng 100 tỷ đồng thì doanh nghiệp phải có khoảng 200-300 tỷ đồng vốn lưu động, chưa kể đến dự án đó phải đảm bảo tính khả thi.

 

Trong khi đó, biểu hiện của công ty Trường Phong là không có vốn lưu động, phải đi huy động vốn bên ngoài với lãi suất cao, gặp giai đoạn kinh tế khó khăn, tín dụng bị thắt chặt nên việc đổ vỡ là tất yếu. Năm 2009, ngân hàng của ông cũng vướng một khoản vay 3 tỷ đồng của công ty Trường Phong nhưng rất may là đến đầu năm 2010 đã xử lý xong. Về khoản vay 99 tỷ đồng của ngân hàng Đông Á được Ngân hàng Phát triển Việt Nam (chi nhánh Thái Bình) bảo lãnh. Tuy nhiên, tiếng là bảo lãnh tín dụng nhưng Ngân hàng Đông Á vẫn chịu trách nhiệm chính.

 

Hiện, tâm lý của người dân, đặc biệt là giới tài chính ở Thái Bình đang khá bất ổn. Đang có hiệu ứng đổ vỡ “đô-mi-nô” ngày một loang rộng ở thành phố Thái Bình. Sau khi Trường Phong chính thức sụp đổ, công ty Hường Đông (khu công nghiệp Tiền Phong, TP Thái Bình) và một cửa hàng mỹ phẩm lớn trên đường Lý Bôn cũng đóng cửa, chủ bỏ trốn vì vỡ nợ. Hai đơn vị này được cho là có quan hệ tín dụng với Trường Phong.

 

Doanh nghiệp kinh doanh vàng bạc Phượng Sơn uy tín bậc nhất ở Thái Bình cũng đang gây xôn xao dư luận. Nhiều nguồn tin cho rằng hiệu vàng Phượng Sơn vỡ nợ vì có liên hệ với Trường Phong. Trong những ngày qua, rất đông người dân kéo đến trụ sở doanh nghiệp này (trên đường lê Lợi, TP Thái Bình) để đòi rút tiền đã cho vay nhưng công ty không có khả năng thanh toán.

 

Theo Dương Vĩnh Tuấn
VTC News