Đại gia đi xe xịn và vụ vỡ nợ chấn động Thái Bình

Vũ Văn Điệp, Giám đốc công ty Trường Phong vay nợ lên tới hàng trăm tỷ đồng. Đại gia thay xe như thay áo này đã bị khởi tố vì “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả".

Đại gia đi xe xịn và vụ vỡ nợ chấn động Thái Bình  - 1
Cơ ngơi rộng hơn 50.000 m2 của đại gia Điệp.

 

Ngày 9/8, Cơ quan cảnh sát điều tra công an tỉnh Thái Bình đã thi hành lệnh khởi tố, bắt tạm giam thời hạn 4 tháng ông Vũ Văn Điệp (tức Vũ Văn Phong) vì “Làm, tàng trữ, vận chuyển, lưu hành giấy tờ có giá giả” theo điều 181 Bộ luật Hình sự.

 

Ông Điệp vốn là Giám đốc Công ty TNHH cơ khí, xây dựng, thương mại dịch vụ Trường Phong. Giám đốc Vũ Văn Điệp những năm qua nổi lên ở thành phố Thái Bình như một đại gia, có mối quan hệ làm ăn rất rộng rãi. Ấn tượng nhất ở Điệp là thay xe như thay áo với các loại xe đời mới đắt tiền.

 

Tuy nhiên, vấn đề khiến dư luận ở vùng quê lúa hết sức quan tâm lại là số nợ khổng lồ không có khả năng chi trả của công ty Trường Phong và cá nhân giám đốc Điệp.

 

Theo thông tin từ cơ quan điều tra, tính đến thời điểm hiện tại, số nợ của công ty Trường Phong đã lên tới vài trăm tỷ đồng. Hiện, cơ quan điều tra đang thu thập các chứng cứ để làm rõ số nợ của công ty Trường Phong có liên quan đến hoạt động “tín dụng đen” hay không?

 

Theo tìm hiểu của PV, trên địa bàn thành phố Thái Bình có rất nhiều người cho Vũ Văn Điệp, Giám đốc công ty Trường Phong vay tiền từ vài trăm triệu đồng đến hàng chục tỷ đồng. Tuy nhiên, hiện các nạn nhân này đều né tránh tiếp xúc với báo chí cũng như trình báo cơ quan công an.

 

Dư luận ở Thái Bình đang cho rằng, số nợ mà Vũ Văn Điệp đang mắc phải liên quan đến đường dây “tín dụng đen”, cho vay nặng lãi trên địa bàn. Việc Vũ Văn Điệp bị bắt giữ như một phản ứng dây chuyền đang kéo theo những đổ vỡ ghê gớm đồng nghĩa với nhiều cá nhân, gia đình rơi vào cảnh phá sản.

 

Điển hình là nạn nhân Trần Thị Vượng, ngày 16/8, khi được mời lên trụ sở Phòng CSĐT tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ (PC 46) công an  tỉnh Thái Bình để khai báo về khoản tiền 7 tỷ đồng cho Vũ Văn Điệp vay đã không làm chủ được bản thân nên nhảy lầu tự tử.

 

Không chỉ có các cá nhân, một loạt ngân hàng ở Thái Bình cũng trở thành nạn nhân của Vũ Văn Điệp và công ty Trường Phong. Đại tá Nguyễn Đình Trung, Phó giám đốc công an tỉnh Thái Bình cho biết đến thời điểm hiện tại  mới xác định được số nợ của Công ty Trường Phong với các ngân hàng vào khoảng trên 100 tỷ đồng. Trong đó riêng số nợ ngân hàng Đông Á chi nhánh Thái Bình là 99 tỷ đồng (trong đó nợ dài hạn 80 tỷ đồng, nợ ngắn hạn là 19 tỷ đồng). Số nợ ngân hàng Ngoại thương chi nhánh Thái Bình là 13 tỷ đồng.

 

Ông Vũ Hồng Lĩnh, Giám đốc chi nhánh ngân hàng Đông Á Thái Bình xác nhận hiện Công ty Trường Phong đang nợ ngân hàng Đông Á là 99 tỷ đồng, nhưng số nợ đó vẫn chưa đến hạn phải trả.

 

Được biết, Công ty Trường Phong nằm tại xã Đông Xuân (Đông Hưng, Thái Bình). Bề ngoài Trường Phong khá bề thế, có diện tích nhà xưởng, đất đai rộng hơn 50.000 m2. Trường Phong chuyên về lĩnh vực cơ khí với sản phẩm chủ yếu là sản xuất khu nhà lắp ghép.

 

Vụ công ty Trường Phong vỡ nợ cũng đang đặt ra lo ngại về nhiều doanh nghiệp có tài chính không lành mạnh, đi lên chủ yếu bằng tiền vay, chẳng hạn như một số doanh nghiệp đóng tàu.

 

Một giám đốc ở Thái Bình tâm sự: Khi chính sách tiền tệ được thắt chặt mới biết doanh nghiệp nào sống bằng thực lực, doanh nghiệp nào sống bằng cái vỏ bề ngoài kèm theo những dự án nghe hoành tráng nhưng tính khả thi lại không cao.

 

Việc một số ngân hàng trở thành nạn nhân của Trường Phong cũng đặt ra câu hỏi liệu thủ tục giải ngân có đúng quy định?

 

Theo Vĩnh Tuấn
VTCNews

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm