CEO Quốc Cường Gia Lai còn bao nhiêu tài sản?

Mai Chi

(Dân trí) - Trong khi Quốc Cường Gia Lai ghi nhận có gần 30 tỷ đồng tiền mặt vào cuối quý I thì giá trị tài sản trên sàn của bà Nguyễn Thị Như Loan lúc này ước tính hơn 800 tỷ đồng.

Nhiều nhà đầu tư bị "nhốt sàn"

Lực mua đối với QCG vào sáng nay (23/7) đã cải thiện đáng kể so với hôm qua. Ở mức giá sàn, khối lượng khớp lệnh QCG tới thời điểm hiện tại đã đạt 316.000 cổ phiếu dù vậy chưa thể giúp cổ phiếu thoát sàn.

Dư bán giá sàn vẫn còn rất lớn, lệnh bán sàn chất đống lên tới 6,8 triệu cổ phiếu. Điều này có nghĩa là rất nhiều người muốn bán ra cổ phiếu nhưng vẫn bị mắc kẹt, chưa thể thoát hàng, hay là bị "nhốt sàn".

Thị giá QCG đến phiên hôm nay còn 7.850 đồng. Và rõ ràng là dù muốn bán ra bằng mọi giá, chấp nhận cắt lỗ sâu, nhưng không nhiều cơ hội cho những người nắm giữ QCG có thể hạ bớt tỷ trọng.

CEO Quốc Cường Gia Lai còn bao nhiêu tài sản? - 1

QCG giảm sàn ngay từ khi mở cửa, lượng khớp lệnh có cải thiện song dư bán sàn vẫn rất lớn (Nguồn: VDSC).

Giá trị tài sản của cổ đông Quốc Cường Gia Lai và những nhà đầu tư nắm giữ QCG theo đó đang bị bào mòn theo từng phiên, mức độ suy giảm nhanh và mạnh (mỗi phiên cổ phiếu giảm sàn lại giảm 7%).

Theo đó, chỉ trong một tuần qua, cổ phiếu này đã bị "thổi bay" 28,6% thị giá và sụt giảm hơn 42% kể từ đầu tháng 7.

Với khối lượng nắm giữ lớn, lên tới 102 triệu cổ phiếu (tương đương 37% vốn điều lệ công ty), giá trị tài sản trên sàn của bà Nguyễn Thị Như Loan - CEO Quốc Cường Gia Lai - kể từ đầu tháng 7 tới nay đã giảm hơn 581 tỷ đồng. Hiện tại, khối tài sản trên sàn của bà Loan ghi nhận mức 800,7 tỷ đồng.

Về phần Quốc Cường Gia Lai, tại thời điểm cuối quý I, doanh nghiệp này có 9.515,7 tỷ đồng tổng tài sản, giảm hơn 51 tỷ đồng so với đầu năm. Trong đó, giá trị tài sản ngắn hạn là 7.632,9 tỷ đồng, cải thiện hơn 102 tỷ đồng so với thời điểm 31/12/2023.

Tiền và các khoản tương đương tiền cải thiện nhưng vẫn khiêm tốn ở mức 29,7 tỷ đồng. Cùng thời điểm trên, công ty còn khoản phải trả 2.882,8 tỷ đồng cho đối tác Sunny liên quan dự án Phước Kiển.

Áp lực bán thuyên giảm, VN-Index điều chỉnh nhẹ

Thị trường chung trong sáng nay rung lắc mạnh. Với sự dẫn dắt của cổ phiếu lớn, VN30-Index đạt trạng thái tăng nhẹ 0,32 điểm tương ứng 0,03% còn VN-Index giảm nhẹ 0,72 điểm tương ứng 0,06% còn 1.253,92 điểm. HNX-Index cũng điều chỉnh 0,72 điểm tương ứng 0,3%; UPCoM-Index giảm 0,32 điểm tương ứng 0,34%.

Thanh khoản thị trường đạt 208,41 triệu cổ phiếu tương ứng 5.245,81 tỷ đồng trên HoSE và 13,97 triệu cổ phiếu tương ứng 270,4 tỷ đồng trên HNX. Sàn UPCoM có 13,71 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 216,6 tỷ đồng.

Tuy vậy, độ rộng thị trường vẫn đang nghiêng mạnh về phía các mã giảm giá. Trên sàn HoSE có 228 mã giảm so với 154 mã tăng; mức độ chênh lệch trên HNX là 85 mã giảm, 48 mã tăng; trên UPCoM là 114 mã giảm, 104 mã tăng.

Các "ông lớn" ngành ngân hàng như VCB, BID tuy chỉ tăng nhẹ nhưng lại có ảnh hưởng đáng kể đến VN-Index do vốn hóa lớn. Một số mã ngân hàng khác cũng "nhú xanh" là SSB, EIB, VPB, LPB, STB.

Cổ phiếu ngành chứng khoán ghi nhận sắc xanh xuất hiện tại AGR, APG, ORS, VCI song mức tăng tại các mã này đều chưa tới 1%. Ngược lại, TVS vẫn giảm sâu 5%; CTS giảm 2,6%; VDS giảm 1,9%.

Cổ phiếu bất động sản ngoại trừ QCG bị bán tháo thì lực bán tại các mã khác cũng đã yếu dần. HPX giảm 2,9%; FIR giảm 2,1%; NTL giảm 1,9%; một loạt mã tăng là NLG, DXS, HDC, HQC, NVL, AGG, VRE, NVT.