1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Chứng khoán đồng loạt giảm điểm, cổ phiếu nào chống đỡ VN-Index?

Mai Chi

(Dân trí) - Phần lớn cổ phiếu trên thị trường đang chịu áp lực bán ra và giảm giá. Nhờ có những mã lớn trong ngành ngân hàng và bán lẻ giữ được trạng thái tăng nên VN-Index vẫn tạm dừng trên 1.270 điểm.

Nhú tăng đầu phiên sáng nay (19/7) nhưng các chỉ số trên thị trường đang cho thấy sự đuối sức khi đồng loạt quay đầu và ghi nhận giảm điểm lúc tạm đóng cửa nghỉ trưa.

VN-Index tạm đánh rơi 4,07 điểm tương ứng 0,32% còn 1.270,37 điểm trong khi HNX-Index giảm 1,58 điểm tương ứng 0,65% và UPCoM-Index giảm 0,74 điểm tương ứng 0,76%.

Thanh khoản cải thiện so với sáng qua. Khối lượng giao dịch trên HoSE đạt 339,03 triệu cổ phiếu tương ứng 8.156,21 tỷ đồng; trên HNX là 25,17 triệu cổ phiếu tương ứng 436,82 tỷ đồng và trên UPCoM là 24,45 triệu cổ phiếu tương ứng 273 tỷ đồng.

Chứng khoán đồng loạt giảm điểm, cổ phiếu nào chống đỡ VN-Index? - 1

Hầu hết các nhóm ngành trên thị trường bị điều chỉnh trong phiên sáng nay, ngoại trừ ngân hàng và bán lẻ (Nguồn: VNDS).

Phần lớn cổ phiếu trên thị trường đối diện với áp lực bán mạnh và giảm giá. Riêng sàn HoSE có 282 mã giảm, 119 mã tăng; HNX có 95 mã giảm, 41 mã tăng.

QCG vẫn là cổ phiếu giảm sàn duy nhất trên HoSE. Lúc này, khớp lệnh tại QCG chưa cải thiện nhiều, vẫn chỉ đạt 1,56 triệu đơn vị, dư mua giá sàn lên tới 2,75 triệu cổ phiếu. Một số cổ phiếu bất động sản khác cũng giảm sâu như LHG giảm 4%; DXG giảm 3,2%; CCL giảm 2,8%; HPX giảm 2,7%; TEG giảm 2,7%; HDG giảm 2,4%.

Chiều ngược lại, VHM và VIC cùng tăng 0,5%; SJS tăng 1,8%; NVT tăng 2,6%. Nhìn chung, số lượng cổ phiếu bất động sản tăng giá tương đối khiêm tốn trong khi đà giảm đang lan trên diện rộng.

Chứng khoán đồng loạt giảm điểm, cổ phiếu nào chống đỡ VN-Index? - 2

Top cổ phiếu ảnh hưởng đến VN-Index (Nguồn: DNSE).

Nhóm cổ phiếu ngành dịch vụ tài chính đa số đều bị bán mạnh. Trong đó, VIX có thời điểm giảm sàn trước khi ghi nhận mất 5,6% trong đợt giao dịch buổi sáng, khớp lệnh 26,4 triệu đơn vị. FTS giảm 2,5%; CTS giảm 2,1%; APG giảm 2%; BSI giảm 1,9%.

Cổ phiếu y dược bị bán ra khá mạnh và đồng loạt giảm giá. Nhìn chung nhà đầu tư hầu như đã gặt hái được lợi nhuận ở nhóm này và muốn bảo toàn thành quả đầu tư. OPC giảm 3,6%; IMP giảm 3,5%; DCL giảm 3,4%; DMC giảm 2,8%; VDP giảm 2,4%; DBD giảm 2,2%; VMD, DHG và TRA cũng suy giảm.

Nhìn chung phần lớn nhóm ngành ghi nhận trạng thái giảm điểm trong sáng nay. Ngược chiều thị trường chỉ có cổ phiếu ngành bán lẻ và cổ phiếu ngân hàng.

Theo đó, ngành bán lẻ có DGW tăng 2,3%; SBV tăng 1,4%; MWG tăng 1,1%; CMV, PET và FRT cùng tăng 0,1%. Tại ngành ngân hàng, cổ phiếu TPB tăng 1,9%; OCB tăng 1,4%; MBB tăng 1,2%, MSB, LPB, ACB, VIB và VCB tăng giá. Riêng TPB khớp lệnh 33,4 triệu đơn vị và MBB khớp 21,2 triệu đơn vị.

Tuy vậy, trong nhóm "cổ phiếu vua" vẫn có những mã quay đầu giảm như HDB giảm 1,4%; TCB giảm 1,3%; STB, VPB, SHB, CTG giảm nhẹ.

Với mức giảm 2,8%, GVR là mã có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index trong phiên sáng. Ngược lại, VCB, MBB, SAB, MWG, ACB… là những mã có ảnh hưởng tích cực đến chỉ số.

Dữ liệu cũng cho thấy sau 2 phiên mua ròng thì sáng nay khối ngoại đã quay trở lại với trạng thái bán ròng. Giá trị bán ròng trên toàn thị trường của khối nhà đầu tư này trong phiên sáng nay ở mức 353,4 tỷ đồng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm