Cây mía Việt Nam – Vươn mình qua thách thức

Trường Thịnh

(Dân trí) - Không chịu lép vế trước “mía ngoại” và các loại cây trồng ngắn ngày trong nước, cây mía Việt Nam với giá trị kinh tế cao và bền vững đang trên đà phát triển để khẳng định vị thế “chủ lực” trong nền nông nghiệp nước nhà.

Kỳ công từ cây mía đến hạt đường

Tại Việt Nam, mía là cây công nghiệp quan trọng để sản xuất đường – mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đồng thời là nguyên liệu cho ngành công nghiệp thực phẩm, đồ uống với mức tiêu thụ ấn tượng hơn 50% sản lượng đường thành phẩm, gián tiếp đóng góp 15% GDP cho kinh tế nước nhà (1).

Để tạo ra những hạt đường ngọt vị và giá trị là cả một quy trình kỳ công với sự tổng hoà nỗ lực của nhiều bên. Từ khâu gieo trồng đến sản xuất, từ công chăm sóc của nhà nông trên những cánh đồng, đến công tinh chế của công nhân tại nhà máy. Cụ thể, vào tháng 12 đến tháng 1 hằng năm, mía sẽ được thu hoạch và tiến hành ép, luyện đường trong vòng 4 đến 5 tháng. Trải qua nhiều công đoạn, từ ép mía để lấy nước, lắng lọc và ly tâm, nhà máy mới thu được hạt đường thành phẩm.

Cây mía Việt Nam – Vươn mình qua thách thức - 1

Mía là cây công nghiệp quan trọng, cung cấp nguyên liệu trực tiếp và gián tiếp cho các ngành công nghiệp đường, công nghiệp thực phẩm và đồ uống.

Các nhà máy đường Việt Nam hiện đang sản xuất được khoảng 1,5 triệu tấn đường mỗi năm, đứng thứ 4 trong khối ASEAN về sản lượng, nhưng chỉ đứng thứ 2 về hiệu quả sản xuất do đa số đều gặp vấn đề về trang thiết bị cũ kỹ, công nghệ lạc hậu. Giá thành sản xuất cao khiến đường Việt Nam vốn đang gặp bất lợi trong cuộc cạnh tranh giá “kém lành mạnh” với đường ngoại nhập lậu, nay lại càng thêm áp lực khi trực tiếp đương đầu với đường ngoại giá rẻ “thông” qua cổng Thương mại hàng hoá ASEAN (ATIGA) chính thức có hiệu lực từ đầu năm nay.

Trong bối cảnh đó, nhiều nông dân từ chỗ ổn định cuộc sống trên những mảnh đất cằn cỗi nhờ cây mía, nay phải ngậm ngùi “phơi” đất ruộng hoặc chật vật chuyển đổi sang những cây trồng khác. Theo số liệu của Hiệp hội Mía đường Việt Nam, tổng diện tích mía nguyên liệu đã giảm khoảng 30% - 60% so với các năm trước. Nhiều diện tích mía nguyên liệu bị phế canh, chuyển đổi sang trồng các loại cây hoa màu, cây ngắn ngày hoặc cây ăn quả có múi do lợi ích trước mắt về thu nhập.

Bật dậy mạnh mẽ nhờ năng lực cạnh tranh “lõi”

Theo GS.TS. Võ Tòng Xuân, năng lực cạnh tranh “lõi” của cây mía không thua kém bất kỳ cây trồng nào khác trong nền nông nghiệp nước nhà. “Bản chất cây mía là cây trồng có nhiều lợi thế và giá trị kinh tế cao. Song song đó, nhà nước, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp đã và đang tạo điều kiện cho sự phát triển của cây mía nói riêng và ngành mía đường nói chung. Nếu nông dân sớm thay đổi tư duy để trồng mía đúng quy trình kỹ thuật thì sẽ sớm làm giàu và sống khoẻ với cây mía”, ông nhận định.

Thực tế chứng minh, thời gian qua tại các vùng chuyên canh mía được nhà nước và doanh nghiệp đầu tư bài bản từ khâu giống, phân bón, canh tác, thu hoạch… thì năng suất mía đã được nâng lên 80-90 tấn/ha, thậm chí là 100-120 tấn/ha, lấy năng suất bù diện tích. Trong khi đó, nông dân áp dụng cơ giới hóa giúp giảm đến 30-40% chi phí canh tác và chủ động hơn trong khâu thu hoạch.

Cây mía Việt Nam – Vươn mình qua thách thức - 2

Mặt khác, cây mía được xem là cây năng lượng của tương lai. Bên cạnh chính phẩm đường, các phụ phẩm từ mía và phế phụ phẩm trong sản xuất đường khá đa dạng, không chỉ mang lại giá trị kinh tế cao mà còn góp phần bảo vệ cân bằng môi trường.

Đơn cử, mật mía có thể được sử dụng để sản xuất cồn pha vào xăng sinh học (E5RON92) với giá xăng trong nước hiện nay khoảng 14.409 đồng/lít. Trong khi đó, nhu cầu quốc tế đối với nhiên liệu sinh học ethanol không ngừng tăng cao do nguồn nhiên liệu lỏng ngày càng cạn kiệt. Song song đó, một tấn mật rỉ còn có thể cho ra một tấn men khô hoặc các loại axit axetic, hay có thể sản xuất được 300 lít tinh dầu và 3.800 lít rượu.

Tiếp theo, bã mía có thể làm bột giấy, ép thành ván dùng trong kiến trúc, cao hơn là làm ra Furfural – nguyên liệu cho ngành sợi tổng hợp. Đây là những vật liệu thân thiện với môi trường nên rất được ưa chuộng. Đáng chú ý nhất là bã mía còn làm chất đốt tạo năng lượng sinh khối, có thể phát điện lên điện lưới quốc gia với giá mua hiện nay là 7.03 cent/KW.

Đặc biệt, bã bùn mặc dù chỉ chiếm 1,5-3% trọng lượng cây mía đem ép, nhưng có thể rút ra sáp mía để sản xuất nhựa xêrin làm sơn, xi đánh giầy… hoặc làm phân vi sinh với giá bán trung bình 2,000-4,000/kg.

Sau cùng, phấn mía tưởng chừng là phế phẩm vô giá trị nhưng đã trở thành công cụ làm giàu của nông dân Việt lập nghiệp trên đất Mỹ. Hiểu rằng những gì liên quan đến thuốc men đều mang lại lợi nhuận gấp 30 lần nên ông Thomas Chín Đàm (chủ nhân Long An Farms) đã mạnh dạn đầu tư đồng mía 5 mẫu tại California để lấy phấn bán cho các công ty làm thuốc giảm cân. Phần mía sau khi lấy phấn cũng được ông “biến thành tiền” bằng cách dập lấy nước làm “ethanol” để bán cho công ty dầu khí Shell.(2)

Như vậy, theo ước tính tổng giá trị các sản phẩm phụ phẩm có thể cao hơn 2-3 lần chính phẩm đường. Với giá trị kinh tế cao và bền vững, cây mía đã và đang được đầu tư để “hồi sinh” sẽ sớm mang đến vị ngọt hơn cho người nông dân và ngành mía đường trong thời gian tới.