Bình Định:

Cây duối được trả giá cả chục tỷ đồng, chủ chưa bán

Doãn Công

(Dân trí) - Cây duối ngàn năm tuổi của nghệ nhân ở Bình Định, dáng tựa tháp Chăm cổ, hút hồn người xem bởi hội tụ các yếu tố "cổ, kỳ, mỹ, văn".

Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên diễn ra tại TP Quy Nhơn (Bình Định) quy tụ 3.000 tác phẩm, sản phẩm sinh vật cảnh độc đáo, đặc biệt có tác phẩm được định giá cả triệu USD.

Cây duối được trả giá cả chục tỷ đồng, chủ chưa bán - 1

Triển lãm và Hội thi Sinh vật cảnh khu vực miền Trung - Tây Nguyên đang diễn ra tại TP Quy Nhơn (Ảnh: Dũng Nhân).

Theo ban tổ chức, triển lãm lần này kéo dài đến hết ngày 25/8, có số lượng sinh vật cảnh giá trị cao nhiều nhất từ trước đến nay. Các cây cảnh, bonsai với dáng thế độc đáo, tuổi đời cả trăm năm, giá trị hàng chục tỷ đồng làm người xem trầm trồ.

Vượt chặng đường hơn 1.200km, nghệ nhân Lê Văn Dũng (tỉnh Thái Nguyên) mang đến triển lãm 18 tác phẩm, gồm nhiều loại sinh vật cảnh rất đặc biệt và đẳng cấp trong nước và thế giới.

Độc đáo nhất là tuyệt phẩm tùng kim cương được đặt tên "Vũ điệu thiên nga", được xác lập kỷ lục Việt Nam năm 2022. Theo ông Dũng, cây tùng lá kim này được ông mua đấu giá từ cuộc triển lãm sinh vật cảnh châu Á - Thái Bình Dương, tổ chức tại Đài Loan năm 2016. 

Cây duối được trả giá cả chục tỷ đồng, chủ chưa bán - 2

Tác phẩm "Vũ điệu thiên nga" được giới yêu chuộng cây cảnh đánh giá rất cao (Ảnh: Doãn Công).

Để sở hữu "Vũ điệu thiên nga", chủ nhân đã chi gần 10 tỷ đồng để đưa cây về Việt Nam. Tại triển lãm này, giới cây cảnh đánh giá đây là tác phẩm độc đáo nhất, được định giá trên 15 tỷ đồng.

Ngoài ra, ông Dũng còn mang nhiều tác phẩm đặc biệt đến triển lãm như cây si Đài Loan, sơ ri Đài Loan, thông đen của Nhật Bản, tùng Đà Lạt, nguyệt quế Đồng Tháp, tùng la hán Nam Định… để công chúng thưởng lãm.

Tại triển lãm lần này, người xem đặc biệt chú ý tuyệt phẩm duối cổ thụ tuổi đời cả ngàn năm, dáng tựa như tháp Chăm cổ Dương Long (huyện Tây Sơn, Bình Định).

Chủ nhân cây duối này là nghệ nhân Nguyễn Duy Toàn (TP Quy Nhơn). Theo anh Toàn, cây duối này mọc và sinh tồn lâu đời ngoài tự nhiên, sau đó được người dân đào về và chăm sóc được 5 năm.

"Tôi mua về rồi tiếp tục chăm sóc thêm 4 năm nữa thì mới được hình dáng như thế này. Tôi yêu cây duối này vì nhìn dáng của nó vững chãi, uy nghiêm như tháp cổ Dương Long", anh Toàn kể.

Cây duối được trả giá cả chục tỷ đồng, chủ chưa bán - 3

Cây duối có 2 thân liền nhau rất hiếm (Ảnh: Doãn Công).

Cây duối được trả giá cả chục tỷ đồng, chủ chưa bán - 4

Phần tán trên cây duối đều, đẹp (Ảnh: Doãn Công).

Theo anh Toàn, năm ngoái, đã có người trả anh 23 tỷ đồng nhưng anh không bán. "Ngay tối qua 21/8, có người trả giá 10-15 tỷ đồng, chuyển khoản luôn nhưng tôi chưa có ý định bán. Đây là một tác phẩm vô giá, sau này ai có duyên thì sở hữu", anh Toàn nói.

Cây duối được trả giá cả chục tỷ đồng, chủ chưa bán - 5

Rất nhiều người dân, du khách thưởng lãm chụp hình với "cụ" duối rồi đăng lên mạng xã hội khoe (Ảnh: Doãn Công).

Ông Nguyễn Tuấn Thanh - Phó chủ tịch thường trực UBND tỉnh Bình Định - cho biết triển lãm là dịp để các nhà vườn, nghệ nhân hội sinh vật cảnh trong tỉnh và cả nước giao lưu, trao đổi kinh nghiệm, nâng cao trình độ.

"Đây là một sự kiện thú vị, người yêu sinh vật cảnh được chiêm ngưỡng những cây cảnh, bonsai "có một không hai" từ nhiều miền đất nước hội tụ về đây. Đặc biệt, góp phần quảng bá, giới thiệu về tiềm năng thế mạnh, phát triển kinh tế sinh vật cảnh, tạo động lực để ngành du lịch tỉnh Bình Định phát triển mạnh mẽ hơn", ông Thanh nói.