1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Căng thẳng Nga - Ukraine sẽ đẩy giá khí đốt tăng cao hơn nữa

Nhật Linh

(Dân trí) - Dẫn nhận định của các nhà phân tích, CNBC cho biết căng thẳng gia tăng giữa Nga và Ukraine đã phủ bóng đen lên thị trường năng lượng và chắc chắn giá khí đốt cao sẽ còn kéo dài.

Căng thẳng Nga - Ukraine sẽ đẩy giá khí đốt tăng cao hơn nữa - 1

Nếu cuộc khủng hoảng leo thang, giá khí đốt ở châu Âu, vốn đang ở mức cao vào năm ngoái, có thể còn tăng cao hơn nữa (Ảnh: Reuters).

"Thị trường khí đốt đang rất căng thẳng và không còn nghi ngờ rằng cuộc khủng hoảng giữa Nga và Ukraine sẽ tác động đến thị trường, bởi Nga cung cấp khoảng 35% khí đốt cho châu Âu", chuyên gia năng lượng Dan Yergin từ IHS Market nói với CNBC.

Nghiên cứu mới đây của Capital Economics cũng cho biết, nếu cuộc khủng hoảng leo thang, giá khí đốt ở châu Âu, vốn đang ở mức cao vào năm ngoái, có thể còn tăng cao hơn nữa.

Ông William Jackson, nhà kinh tế trưởng về thị trường mới nổi ở Capital Economics cũng chỉ ra rằng ngoài việc châu Âu phụ thuộc vào khí đốt của Nga, nguồn dự trữ khí đốt ở khu vực này cũng đang ở mức thấp.

"Nếu các biện pháp trừng phạt được áp dụng đối với xuất khẩu năng lượng của Nga hoặc Nga sử dụng khí đốt như một công cụ để tạo đòn bẩy thì giá khí đốt tự nhiên ở châu Âu sẽ tăng vọt", ông nói.

Căng thẳng giữa Nga và Ukraine đã gia tăng trong những tháng gần đây trong bối cảnh nhiều thông tin cho rằng quân đội Nga đã tập trung tại biên giới Ukraine. Các cuộc đàm phán nhằm xoa dịu cuộc khủng hoảng đã kết thúc tuần trước mà không đạt được bước đột phá nào.

Cuộc khủng hoảng sẽ trầm trọng hơn nếu Mỹ áp các lệnh trừng phạt kinh tế với Nga. Nếu điều đó xảy ra, Capital Economics cho rằng, giá khí đốt ở châu Âu sẽ vượt mức đỉnh 180 bảng Anh/MWh đạt được vào cuối năm ngoái.

Quý III năm ngoái, một đợt khủng hoảng khí đốt trên diện rộng ở châu Âu đã khiến giá điện ở khu vực này tăng vọt lên mức cao nhất trong nhiều năm.

Hiện nguồn cung khí đốt từ Nga đã thấp hơn bình thường. Theo số liệu của ngân hàng đầu tư Mỹ, nhập khẩu khí đốt từ Nga và Tây Bắc Âu từ tháng 8 đến tháng 12 đã giảm 38% so với cùng kỳ năm 2018. Trong khi đó, dự trữ khí đốt ở châu Âu cũng thấp hơn mức trung bình. Tính đến ngày 12/1 dự trữ khí đốt của khu vực này giảm 21% so với mức trung bình trong 5 năm.

Theo CNBC