Cần Thơ khẳng định bánh mì là thực phẩm thiết yếu

Hoàng Tùng

(Dân trí) - Ngành chức năng TP Cần Thơ vừa có bảng phân loại các mặt hàng thiết yếu và khẳng định bánh mì nằm trong nhóm hàng hóa thiết yếu khi thực hiện cách ly xã hội theo Chỉ thị 16.

Cần Thơ khẳng định bánh mì là thực phẩm thiết yếu - 1

Sở Công Thương Cần Thơ khẳng định bánh mì nằm trong nhóm thực phẩm thiết yếu (Ảnh minh họa).

Sau thông tin Phó Chủ tịch phường Vĩnh Hòa (Khánh Hòa) phát ngôn "bánh mì không phải là lương thực", Sở Công Thương TP Cần Thơ đã ban hành văn bản gửi các đơn vị có liên quan về việc hướng dẫn nhóm hàng thiết yếu khi thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16 của Thủ tướng Chính phủ.

Theo Sở Công Thương Cần Thơ, nhóm thứ nhất, nhóm thực phẩm gồm: Thịt gia súc, gia cầm (các sản phẩm từ thịt gia súc, gia cầm), thủy sản các loại (các sản phẩm từ thủy sản), rau củ quả các loại (các sản phẩm từ rau, củ, quả), trái cây các loại (các sản phẩm từ trái cây), trứng gia cầm (các sản phẩm từ trứng).

Gạo các loại, nếp, đậu, ngô (bắp), khoai, sắn, bột các loại, tinh bột; các sản phẩm chế biến từ bột, tinh bột (bánh mì, bánh bao, bún, hủ tiếu, mì...); Bánh, kẹo, muối, bột nêm, gia vị, nước mắm, nước tương, đường, dầu thực vật, mì gói và một số mặt hàng lương thực, thực phẩm qua sơ chế, chế biến (đồ đóng lon, đóng hộp...).

Thứ hai, nhóm hàng hóa phòng chống dịch - thiết bị y tế, thuốc chữa bệnh, dược liệu... gồm có khẩu trang, cồn, găng tay, đồ bảo hộ, các sản phẩm sát khuẩn..., các sản phẩm hàng hóa phục vụ công tác phòng chống dịch.

Thứ ba, nhóm hàng hóa tiêu dùng là các sản phẩm tiêu dùng để tắm, giặt, gội, xả, tẩy, rửa; nước kháng khuẩn, các sản phẩm dùng cho vệ sinh cá nhân; xăng, dầu, gas, khí đốt...

Nhóm thứ tư là hàng hóa nguyên liệu, vật liệu, phụ liệu phục vụ sản xuất, nuôi trồng và dịch vụ.

Đại diện lãnh đạo Sở Công Thương TP Cần Thơ cho biết việc phân loại các nhóm hàng hóa thiết yếu là để lực lượng làm nhiệm vụ chống dịch có cơ sở để phân biệt rõ mặt hàng nào thiết yếu, hàng nào không.

Cần Thơ khẳng định bánh mì là thực phẩm thiết yếu - 2

Mô hình đưa chợ ra phố ở đường Trần Văn Hoài (Ninh Kiều, Cần Thơ).

Ngày 20/7, Sở Công Thương TP Cần Thơ cũng thí điểm mô hình tổ chức "đưa chợ ra phố và kết hợp bán hàng bình ổn giá" tại thị trấn Phong Điền, huyện Phong Điền; Đình thần Bình Thủy, quận Bình Thủy; Trung tâm Hội chợ triển lãm và Xúc tiến thương mại trên đường Lê Lợi, phường Cái Khế; đường Trần Văn Hoài (Ninh Kiều).

Cụ thể, tại đường Trần Văn Hoài, 16 gian hàng được bố trí cách nhau khoảng 10m, đều niêm yết giá bán công khai, giăng dây. Trước các gian hàng đều vẽ ô, cách nhau 2m để người dân đến xem và chọn mua thực phẩm.

Hàng hóa sau khi được cân cho vào một cái rổ để người mua nhận lấy và trả tiền vào chiếc rổ liền kề. Tại các điểm bán hàng đều có cán bộ khu vực túc trực để nhắc nhở người dân đảm bảo khoảng cách, đeo khẩu trang và giữ gìn an ninh trật tự.

Trước đó, từ 0h ngày 12/7, quận Ninh Kiều và Cái Răng, thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16, sau khi phát hiện ca F0 tại chợ đầu mối Tân An. Sau đó, quận Bình Thủy cũng giãn cách theo Chỉ thị 16, các quận huyện còn lại thực hiện theo Chỉ thị số 15. Các chợ đầu mối, chợ truyền thống trên địa bàn thành phố đều tạm dừng hoạt động.

Đến 0h ngày 19/7, 9 quận, huyện ở Cần Thơ, đều giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16. Chủ tịch UBND TP Cần Thơ yêu cầu tiếp tục tạm dừng chợ đầu mối, chợ truyền thống, chợ dân sinh, chợ tự phát tại các quận, huyện; chuyển đổi phương thức mua bán, cung cấp thực phẩm, hàng hóa thiết yếu theo hình thức phân tán, lưu động đến cho người dân.