1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Cách "móc túi" sang trọng ở sân bay quốc tế Cam Ranh

Những ngày này, nhiều hãng lữ hành như ngồi trên lửa, bởi liên tục nhận thông tin khách hủy hợp đồng chỉ vì lý do duy nhất là không mua được vé máy bay đến Nha Trang vào dịp lễ hội festival biển.

Thực ra, đó là chuyện thường ngày, đã gần 4  năm trôi qua, kể từ khi sân bay Cam Ranh trở thành cảng hàng không quốc tế, đến thời điểm này chỉ có duy nhất hãng hàng không quốc gia Việt Nam (Vietnam Airlines) mở đường bay thẳng từ Moscow - Nha Trang với tần suất 1 chuyến/tuần. Dù thế nào, ngành du lịch Khánh Hòa cũng chưa thể cất cánh và phát triển bền vững khi thiếu sự gắn kết đồng bộ với Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh.
 
Khách quốc tế đến sân bay Cam Ranh.
Khách quốc tế đến sân bay Cam Ranh.

 

Chất lượng dịch vụ chưa xứng tầm

 

Công bằng mà nói, kể từ khi sân bay Cam Ranh trở thành cảng hàng không quốc tế (CHKQT), chất lượng dịch vụ đã được cải thiện đáng kể; tuy nhiên vẫn còn rất nhiều điều đáng bàn. Hành khách thường xuyên phản ánh rằng, quá mệt mỏi vì khu vực “check in” của Cảng HKQT Cam Ranh không có ghế. Nếu muốn ngồi chờ, mọi người phải vào quán cà phê bên cạnh và đương nhiên phải trả tiền.

 

Ngoài ra, Cảng HKQT Cam Ranh thu phí đậu xe theo block thời gian 30 phút là chưa hợp lý, khi máy bay trễ giờ, khách hàng phải trả thêm tiền, thay vì nhận được lời xin lỗi.

 

Mới đây, du khách lại phàn nàn về giá dịch vụ đắt đỏ ở khu cách ly và căng tin của sân bay. Một tô mì gói có thêm cái trứng gà, giá bán 60 ngàn đồng; một que kem giá 35 ngàn đồng, kinh hoàng nhất là cái bánh ngọt nhỏ xíu giá 80 ngàn đồng và bánh hamburger lên đến 180 ngàn đồng/cái, không kèm theo nước uống. Khách quốc tế và Việt kiều nhận xét rằng giá hamburger ở CHKQT Cam Ranh đạt “kỷ lục” đắt nhất thế giới và không ai đồng tình với lối “móc túi” sang trọng này. Xin nói thêm, mặc dù lãnh đạo CHKQT Cam Ranh đã tổ chức đấu giá nhượng quyền khai thác dịch vụ taxi, nhưng vẫn ưu tiên dành riêng cho hãng taxi Airport lô số 1 (sát với cửa ra vào nhà ga).

 

Vẫn biết kinh doanh phải tính đến lợi nhuận, nhưng chỉ chú ý đến lợi nhuận thì sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến cách nhìn nhận về ngành hàng không Việt Nam cũng như hình ảnh du lịch Khánh Hòa. “Nhiều người cứ nghĩ chuyện giá cả ăn uống ở sân bay là những chuyện vụn vặt nhưng tâm lý của đại đa số hành khách, những “vụn vặt” đó làm người ta ấm ức, tạo ấn tượng mạnh và nhớ rất lâu. Khi ấn tượng ban đầu đã  không tốt thì thật khó để lấy lại…”, anh Nguyễn Duy Phúc một hướng dẫn viên du lịch thường xuyên cùng khách đi tour qua CHKQT Cam Ranh bày tỏ.

 

Trong thực tế, lãnh đạo tỉnh Khánh Hòa đã không ít lần đề nghị lãnh đạo sân bay Cam Ranh “hãy hành động vì lợi ích chung”. Còn nhớ, trong cuộc họp bàn về việc hàng không Vladivostok mở đường bay thẳng từ Nga đến sân bay Cam Ranh, ông Lê Xuân Thân – Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã phát biểu: “Các hãng hàng không quốc tế liệu có dám đưa khách đến Cảng HKQT Cam Ranh khi những vấn đề về taxi, giá cả dịch vụ ở đây không được giải quyết triệt để?”. 

 

“ Đói” đường bay quốc tế

 

Kể từ cuối năm 2011, sân bay Cam Ranh đã sôi động hơn nhờ có thêm nhiều chuyến bay (thuê bao) từ vùng Viễn Đông của nước Nga và Seoul (Hàn Quốc), nhưng sự tăng trưởng phụ thuộc hoàn toàn phía khách hàng. Các công ty du lịch kết hợp với một số hãng hàng không quốc tế  thuê máy bay đưa khách đến Khánh Hòa là một tín hiệu đáng mừng, song ngành du lịch không thể phát triển ổn định và bền vững khi chưa có nhiều đường bay quốc tế chính thức đến Cam Ranh. Nhiều người so sánh, lượng khách du lịch đến Khánh Hòa không thua kém Đà Nẵng, thế nhưng CHKQT Đà Nẵng hiện có 4 đường bay nội địa và 9 đường bay quốc tế kết nối với Hồng Kông, Singapore, Nhật, Trung Quốc, Đài Loan..., mới nhất là đường bay Hồng Kông – Đà Nẵng với tần suất 3 chuyến/tuần của hãng hàng không Dragonair.

 

Nhìn lại đường bay nội địa, hiện mỗi ngày có 7 chuyến bay của Vietnam Airlines đưa khách từ  Hà Nội, TP. HCM và Đà Nẵng đến Khánh Hòa; hãng VietJetAir đã mở đường bay từ Hà Nội và TP HCM đến Cam Ranh với tần suất 2 chuyến/ngày, nhưng bay theo mùa. Những tháng cao điểm hay dịp lễ, tết…hành khách ở 2 đầu đất nước đăng ký trước hàng tháng, vẫn không mua được vé đến Nha Trang, rất nhiều hãng lữ hành buộc phải hủy tour vì không có vé máy bay. Những ngày này, vào các diễn đàn trên mạng, sẽ bắt gặp rất nhiều lời than thở của du khách về sự khan hiếm, khó khăn khi đặt mua vé máy bay đến Nha Trang trong thời gian diễn ra lễ hội Festival biển.

 

Trao đổi với chúng tôi, ông Trương Đăng Tuyến - Giám đốc Sở VHTTDL, cho hay: “Từ tháng 5.2009 đến giữa năm 2010, UBND tỉnh Khánh Hòa đã 3 lần gửi công văn đến bộ Giao thông vận tải và các cơ quan ngành hàng không, đề nghị sớm nghiên cứu tăng chuyến bay nội địa. Thế nhưng, tình hình vẫn không được cải thiện. Năm 2012, du lịch Khánh Hòa đón đón 2,3 triệu lượt khách, trong đó có hơn 530.000 lượt khách quốc tế, điều đáng lưu ý là gần 90% khách du lịch quốc tế đến với Khánh Hòa bằng đường hàng không. Thiếu chuyến bay đến từ 2 trung tâm Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh không chỉ ảnh hướng đến tâm lý của du khách mà còn làm giảm sự hấp dẫn của du lịch Nha Trang-Khánh Hòa. Để có thể tăng chuyến bay đến Khánh Hòa vào mùa cao điểm, trước mắt, lãnh đạo tỉnh cần chủ động làm việc với Bộ giao thông, Cục hàng không Việt Nam, Vietnam Airlines và các hãng hàng không khác, nhằm tìm hướng giải quyết tình huống.”

 

 Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Giao thông Vận tải xem xét nâng cấp đường băng cũ hoặc xây dựng đường băng mới (đường băng số 2) tại sân bay Cam Ranh. Theo quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020,  sân bay Cam Ranh đáp ứng khả năng tiếp nhận các loại máy bay như ATR72, A320, A321, B747F... và tương đương. Sân bay sẽ được mở rộng để bảo đảm vào giờ cao điểm có 32 chỗ đỗ và tiếp nhận được 27 máy bay. Dự kiến, đến năm 2015 sân bay Cam Ranh sẽ tiếp nhận 1,5 triệu hành khách/năm và năm 2020 sẽ đón  khoảng 5,5 triệu hành khách; phấn đấu đến 2030, tiếp nhận vào giờ cao điểm khoảng 37 máy bay, 36 chỗ đỗ với 8 triệu lượt khách/năm  và 200.000 tấn hàng hóa/năm. 

 

Theo Thành Nguyễn

Lao động

Dòng sự kiện: Chặt chém ở sân bay