Chiến lược nguồn lực trong thời đại 4.0: Là bứt phá, hoặc là không gì cả!
Đó chính là ý kiến chung của các diễn giả vốn là những CEO, lãnh đạo doanh nghiệp của các công ty hàng đầu Việt Nam, tại tòa đàm cấp cao Vietnam HR Awards Forum 2017 vừa diễn ra vào ngày 11/8 vừa qua.
Quy tụ gần 400 chuyên gia nhân sự và các lãnh đạo doanh nghiệp (DN), tọa đàm đã gợi mở những ý tưởng thú vị và thực tế trong việc xây dựng chiến lược nhân tài và phát triển năng lực lãnh đạo tại các DN ở Việt Nam.
Chân dung nhân tài tương lai: Thích chuyển dịch, chú trọng giá trị
Sự thay đổi quá nhanh của công nghệ đang mang đến nhiều thách thức cho các nhà quản trị nhân sự, đồng thời đỏi hỏi lãnh đạo các DN phải “bắt tay làm ngay” việc nhận diện, thu hút và đặc biệt là giữ chân nhân tài. Lý giải thêm cho thực tế này, bà Nguyễn Thị Bích Vân, chủ tịch Unilever Việt Nam chia sẻ: “Việc công nghệ đang tạo ra vô vàn những thay đổi lên đời sống con người cũng như các tổ chức kinh doanh là một thực tế không cần bàn cãi. Công nghệ đang và sẽ tiếp tục mở lối cho một thị trường lao động mở hơn, nhưng cũng đồng thời cạnh tranh hơn về mọi mặt. Do đó, nếu “chậm chân” trong chiến lược nhân tài, một DN sẽ khó có thể nghĩ tới việc phát triển lâu dài và bền vững.”
Dựa vào số liệu tuyển dụng của hơn 100.000 ứng viên cấp quản lý của Talentnet cũng như kết quả khảo sát công ty thu thập được , bà Tiêu Yến Trinh, Tổng Giám đốc công ty Talentnet cũng đưa ra khái quát thực tế tại các DN. Cụ thể, dưới góc nhìn của các “nhân tài hạt giống” tham gia khảo sát, các DN đang đứng trước sự thiếu hụt nguồn lực có các kỹ năng như (1) chăm sóc khách hàng, (2) hiểu biết về luật và an ninh, (3) tư duy chiến lược và hiện thực hóa ý tưởng.
Cũng theo khảo sát, cùng với tầm ảnh hưởng của công nghệ, đội ngũ quản lý tại Việt Nam đang sở hữu những “đặc tính” mới như đề cao những giá trị bản thân, sở hữu tầm nhìn xa, mong muốn môi trường làm việc chuyên nghiệp, tập trung vào phát triển sự nghiệp nhưng cũng đồng thời đặt sự gắn kết gia đình là yếu tố nền tảng. Vì vậy, đối với cấp quản lý Việt Nam, một doanh nghiệp có trách nhiệm xã hội với các hoạt động vì cộng đồng, phù hợp với giá trị cá nhân sẽ là yếu tố dễ thu hút nhất khi tuyển dụng họ và cũng là yếu tố khiến họ sẽ phải quyết định rời bỏ công ty ngay lập tức nếu công ty không có những trách nhiệm với cộng đồng.
Thêm vào đó, trong khi ở các quốc gia phương Tây, yếu tố cân bằng giữa công việc và cuộc sống luôn được coi trọng, thì ở Việt Nam, cấp quản lý vẫn rất tập trung vào công việc. Họ vẫn khát khao làm việc trong một môi trường chuyên nghiệp, cơ hội rộng mở cùng những đường hướng phát triển giúp nâng cao giá trị trong thị trường lao động. Đây là đặc tính rất khác biệt giữa thị trường mới nổi so với các nước phát triển khi cơ hội nghề nghiệp cũng như sự cạnh tranh dường như có vẻ gay gắt hơn và hấp dẫn hơn.
Lãnh đạo doanh nghiệp: tạo đột phá từ tư duy công nghệ
Ông Hoàng Nam Tiến, Chủ tịch FPT Software, một trong những công ty hàng đầu về phát triển công nghệ khẳng định để cùng công nghệ tạo nên những đột phá, các cấp lãnh đạo và quản lý tại DN cũng cần “công nghệ hóa” chiến lược phát triển đội ngũ của mình, bắt đầu bằng việc tạo ra hệ thống công nghệ giúp đánh giá, ghi nhận năng lực và thành tích một cách khép kín, công khai, minh bạch và dễ dàng truy cập.
Theo đó, ông Lee Murphy, Giám đốc nhân sự cấp cao khu vực Châu Á Thái Bình Dương của Microsoft cũng chia sẻ những “thói quen mới” mà công nghệ đã hỗ trợ tạo ra cho các nhân viên tại Microsoft trong nhiều năm nay. Đó chính là một vòng tròn liên tục hỗ trợ việc đánh giá, khai thác ý kiến đóng góp của nhân viên và phân tích các dữ liệu thu thập được để liên tục cải tiến.
Tuy nhiên, để quá trình công nghệ hóa diễn ra thành công cùng với chiến lược quản trị nguồn nhân lực, các DN cần “cài cắm” những kiến thức về cải tiến công nghệ vào công việc hàng này, liên tục thu nhận phản hồi từ nhân viên trong quá trình làm quen với những công cụ mới, cho đến khi tạo được tiếng nói chung với nhân viên các cấp.
Sự kiện cũng ghi nhận hợp tác chiến lược giữa Talentnet và Singapore Management University – SMU Academy. Theo đó, Talentnet sẽ tổ chức các buổi hội thảo và tọa đàm chuyên đề về Quản trị Nguồn nhân lực dành cho Cấp lãnh đạo với sự hướng dẫn của giảng viên từ SMU Academy.
Tiến sĩ Lim Lai Cheng, Giám đốc điều hành của SMU cũng bày tỏ: “Chúng tôi rất vinh dự được cộng tác với Talentnet trong hoạt động ý nghĩa này, cùng chung tay phát triển một nguồn lực ngày càng ưu tú hơn tại Việt Nam. Chúng tôi hy vọng có thể song hành cùng đội ngũ lãnh đạo tại các doanh nghiệp Việt trong việc nâng cao chuyên môn và kỹ năng quản lý HR, năng lực lãnh đạo cũng như quản lý nguồn lực”.