Các "đại gia" trong HĐQT Sacombank đang nắm bao nhiêu vốn?

(Dân trí) - Trong số các thành viên thuộc HĐQT Sacombank, gia đình ông Trầm Bê đang nắm nhiều vốn nhất. Tuy nhiên, tại kế hoạch sáp nhập Sacombank - Eximbank, vai trò của NH Phương Nam vẫn đang còn bỏ ngỏ.

Theo số liệu được đưa ra tại Báo cáo tình hình quản trị công ty năm 2012 của Ngân hàng thương mại cổ phần Sài Gòn Thương Tín (Sacombank - mã STB), hiện gia đình ông Trầm Bê đang nắm nhiều cổ phần nhất trong số các thành viên HĐQT Sacombank.

Cụ thể, ông Trầm Trọng Ngân, con trai lớn của ông Trầm Bê, đang sở hữu 48 triệu cổ phiếu, chiếm tỷ lệ 4,47% vốn ngân hàng. Thời gian gần đây, ông Ngân liên tục đăng ký thoái toàn bộ hoặc một phần vốn lớn tại Sacombank song không thành công. Sắp tới, ông Ngân dự kiến thoái tiếp 30 triệu cổ phiếu STB để giảm tỷ lệ nắm giữ xuống còn 1,84%.

Thâu tóm Sacombank - 1 ván cờ phức tạp và gay cấn.
"Thâu tóm" Sacombank - 1 ván cờ phức tạp và gay cấn.

Ngoài ra, bà Trầm Thuyết Kiều, con gái ông Trầm Bê cũng đang sở hữu 3,15 triệu cổ phiếu STB, chiếm tỷ lệ 0,29% vốn. Ông Trầm Bê, Phó Chủ tịch ngân hàng này, song chỉ nắm giữ 115 nghìn cổ phiếu STB tương ứng 0,01% vốn.

Trong số các thành viên của gia đình này, duy có ông Trầm Khải Hòa cũng đóng vai trò là Thành viên HĐQT Sacombank. Ông Hòa nổi lên trong giới tài chính với khối tài sản tại Sacombank cũng như về độ tuổi hiện đang còn rất trẻ - 25 tuổi (sinh năm 1988).

Trong khi đó, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch Hội đồng quản trị ngân hàng này và các thành viên trong gia đình hoàn toàn không sở hữu cổ phiếu STB nào.

Ông Phú tham gia làm thành viên HĐQT Sacombank từ ngày 26/52012 và lên thay vị trí Chủ tịch HĐQT ngân hàng sau khi người sáng lập là ông Đặng Văn Thành viết đơn từ nhiệm, được HĐQT đồng ý.

Điều đặc biệt là, trước khi tham gia làm thành viên HĐQT Sacombank, giai đoạn từ năm 2004 - tháng 5/2012, ông Phú từng là Phó Chủ tịch HĐQT CTCP Chứng khoán Rồng Việt, Phó Chủ tịch Eximbank, Chủ tịch Hội đồng quản trị CTCP Đầu tư tài chính Sài Gòn Á Châu; Chủ tịch HĐQT CTCP Bất động sản Eximland.

Liên quan đến ông Phú, duy có CTCP Đầu tư tài chính Sài Gòn - Á Châu là đang nắm giữ 25,91 triệu cổ phiếu của ngân hàng này, chiếm tỷ lệ 2,32% vốn.

Tương tự, ông Kiều Hữu Dũng cùng các thành viên trong gia đình cũng chỉ nắm vỏn vẹn... 5 cổ phiếu STB.

Một số thành viên khác như ông Phan Huy Khang, Thành viên HĐQT kiêm TGĐ ngân hàng sở hữu 13,97 triệu cổ phiếu STB, chiếm tỷ lệ 1,3% vốn.  Bà Dương Hoàng Quỳnh Như, Thành viên HĐQT kiêm Phó TGĐ năm 6,1 triệu cổ phiếu STB, chiếm 0,57% vốn. Ông Nguyễn Miên Tuấn, Thành viên HĐQT nắm vỏn vẹn 682 cổ phiếu STB.

Điểm đáng lưu ý là, trong HĐQT của Sacombank, ngoại trừ gia đình ông Trầm Bê thì các thành viên trong gia đình của các nhân vật khác không hề là cổ đông của ngân hàng này.

"Ván bài thâu tóm" Sacombank tưởng chừng được "lật ngửa" tại Đại hội đồng cổ đông thường niên diễn ra giữa năm ngoái khi gia đình ông Trầm Bê cùng các thành viên đến từ NH Phương Nam chiếm đến phân nửa bộ máy quản trị ngân hàng.

Tuy nhiên, sau những diễn biến phức tạp cho tới thời điểm hiện tại, chiều 29/1, người lộ diện có lẽ là cuối cùng lại là Eximbank - từng là bên đầu tiên làm dấy lên những tranh cãi về cuộc "thôn tính" đối với Sacombank - một ngân hàng bề dày 20 năm, khối tài sản lên đến 147 nghìn tỷ đồng, ngang ngửa với tài sản của Eximbank.

Eximbank và Sacombank đã ký kết một thỏa thuận hợp tác chiến lược dài hạn, trong đó nội dung quan trọng là cả hai bên sẽ trình ĐHĐCĐ và cơ quan nhà nước về việc sáp nhập trong vòng 3 đến 5 năm tới.

Còn trong "cuộc chơi" này, sự hiện diện của Phương Nam thời gian tới sẽ như thế nào chỉ được ông Phạm Hữu Phú cho hay, "hiện chưa có chương trình nghị sự để Phương Nam nhập vào Sacombank hay Phương Nam nhập vào Sacombank và Eximbank, hiện chúng tôi chưa có kế hoạch này".

Vấn đề cuối cùng liên quan đến Sacombank tới hiện tại, là kết quả thanh tra của Ngân hàng Nhà nước đối với ngân hàng cũng như đối với các công ty con chưa được công bố, điều mà nhẽ ra đã có câu trả lời từ cuối tháng 8/2012.

Mai Chi