Eximbank và Sacombank sáp nhập: Đúng kịch bản?
(Dân trí) - Nói về định hướng sáp nhập giữa Eximbank và Sacombank trong tương lai mà hai bên vừa công bố vào ngày 29/1, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank cho biết tất cả đang diễn ra đúng kịch bản, đúng lộ trình mà Eximbank đề ra từ trước.
Mọi chuyện đang diễn ra đúng kịch bản
Ngày 29/1, tại buổi lễ ký kết thỏa thuận hợp tác, đại diện hai ngân hàng Sacombank và Eximbank đã chính thức công bố cùng báo chí về chủ trương sẽ hợp nhất và sáp nhập hai ngân hàng này trong thời gian tới. Tới lúc này, ông Phạm Hữu Phú, Chủ tịch HĐQT Sacombank đồng thời là đại diện vốn góp của Eximbank tại Sacombank chính thức thừa nhận tất cả mọi chuyện đều nằm trong kịch bản từ trước của Eximbank.
Ông Phú cho biết: “Tháng 6/2006, khi Việt Nam chuẩn bị gia nhập WTO thì lãnh đạo 3 ngân hàng ACB, Eximbank và Sacombank đã ngồi với nhau tính xem có nên hợp nhất hay không. Vì sau đó Nhà nước sẽ cho phép ngân hàng nước ngoài vào Việt Nam hoạt động, tình hình lúc đó buộc các ngân hàng phải cùng nhau để tồn tại. Ý tưởng này được lập lại khi mà HĐQT của Eximbank họp tại Đà Lạt (tháng 7/2011)”.
Và trong hội nghị này, các thành viên HĐQT Eximbank đã bàn với nhau và đi đến thống nhất việc mua 9,73% cổ phần của ngân hàng ANZ tại Sacombank. Ông Phú cho biết: “Trong việc quyết định mua lại 9,73% cồ phần của Sacombank thì anh Lê Hùng Dũng kết luận 2 vấn đề: Một là việc mua này là dùng để đầu tư, để tái cơ cấu danh mục đầu tư của Eximbank; Hai là nếu tình hình thuận tiện thì hai ngân hàng có thể hợp nhất. Và như chúng ta thấy việc này hoàn toàn diễn ra đúng theo kịch bản, đúng lộ trình”.
Kịch bản đó diễn ra khá thuận lợi khi Eximbank nhanh chóng tập hợp được số cổ đông đủ để chiếm quyền tuyệt đối tại Sacombank và làm cuộc “đổi chủ” thành công tại ngân hàng giàu truyền thống này vào năm 2012. Cổ đông sáng lập Đặng Văn Thành phải ra đi, nhường chỗ cho bộ sậu mới; trong đó, ông Phạm Hữu Phú, người đại diện cho vốn sở hữu của Eximbank tại Sacombank trở thành Chủ tịch HĐQT Sacombank.
Đến hôm nay, sau khi mọi sự đã thuận lợi, tiếng nói cấp cao ở cả 2 ngân hàng đã “đồng thanh”, định hướng sáp nhập đã được hai bên chính thức công bố trên tất cả các phương tiện truyền thông chứ không còn “đồn đoán” như cuối năm 2011 hay “mờ mờ, ảo ảo” như trong năm 2012.
Trong ngày ký kết thỏa thuận hợp tác giữa hai ngân hàng, nói về diễn tiến này, ông Lê Hùng Dũng, Chủ tịch HĐQT Eximbank cũng đã tự hào cho rằng: “Việc ký kết này là màn chào sân đầy ấn tượng của Eximbank và Sacombank đầu năm 2013 và có thể là vài năm tiếp theo. Đầu năm 2012 thì cũng có 1 màn rất ấn tượng của Eximbank và Sacombank với sự kiện Eximbank mua 9,73% của ANZ, sau đó trở thành đối tác lớn nhất của Sacombank. Và sau đó, ngày 20/2 (năm 2012 – PV), Eximbank đã có văn bản đề nghị có đại hội sớm dẫn đến thay đổi cơ bản thành phần HĐQT cho đến ngày hôm nay. Rồi từ đó dẫn đến sự kiện ngày hôm nay”.
Lộ trình sáp nhập còn dài
Tuy nhiên, việc hợp nhất và sáp nhập 2 định chế tài chính khổng lồ như Eximbank và Sacombank tại Việt Nam là không hề đơn giản, không phải chuyện ngày một ngày hai vì còn rất nhiều vấn đề liên quan đến quyền lợi, cơ chế hoạt động, tỷ lệ vốn góp… cần phải giải quyết.
Ông Lê Hùng Dũng cho biết: “Hai bên sẽ thuê một tổ chức tư vấn quốc tế độc lập làm luận chứng kinh tế kỹ thuật tiền khả thi. Sau khi có luận chứng kinh tế tiền khả thi sẽ đưa ra đại hội cổ đông hai bên để lấy ý kiến, hai bên sẽ có bổ sung, sửa đổi cho phù hợp. Nếu luận chứng này có tính khả thi thì hai bên sẽ đồng ý tiếp tục thuê tổ chức tư vấn độc lập đó làm luận chứng khả thi. Sau khi có luận chứng khả thi đó, chúng tôi sẽ thảo luận 1 lần nữa rồi trình cho các cơ quan chức năng là Ngân hàng Nhà nước chi nhánh TPHCM, nếu thuận lợi xong xuôi sẽ trình cho Ngân hàng Nhà nước. Nếu sau khi được cơ quan nhà nước chấp thuận thì vấn đề hết sức quan trọng của hai bên là phải trình cho đại hội cổ đông các nội dung chi tiết, các đề án, phương án… về lộ trình sáp nhập phải có. Đó là thời gian tương đối dài”.
Ông Lê Hùng Dũng cũng cho biết quá trình này sẽ gặp rất nhiều khó khăn, nhiều vấn đề mà hai bên phải tìm tiếng nói chung. Chẳng hạn như sau khi hợp nhất sẽ dùng tên nào, tỷ lệ chuyển đổi thế nào, số lượng cổ đông có đồng ý hay không theo quy định của điều lệ từng bên và quy định chung của nhà nước...
Ông khẳng định: “Đó là những khó khăn chung mà trong quá trình lập luận chứng kinh tế tiền khả thi chúng tôi phải giải quyết. Nhưng chúng tôi tin rằng, nếu chúng ta có quyết tâm chính trị để sáp nhập thì quyền lợi của từng bên và vì quyền lợi của hai bên thì tôi nghĩ rằng vấn đề này sẽ giải quyết được”.
Tuy thế, ông Dũng cũng thận trọng cho rằng: “Đây là vấn đề nhạy cảm, nhiều vấn đề phức tạp nên chúng tôi cần thời gian từ 3 – 5 năm để có thể nghiên cứu việc hợp nhất và sáp nhập này”.
Cũng trong ngày 29/1, ông Lê Hùng Dũng khẳng định mọi chuyện liên quan đến Eximbank và Sacombank diễn ra từ năm 2011 đến nay đều rất công khai, minh bạch. Ngay như sự kiện Eximbank mua 9,73% cổ phần của ANZ tại Sacombank cũng phải được quan nhà nước chấp thuận bằng văn bản thì Eximbank mới tiến hành.
Còn về vấn đề ngân hàng Phương Nam có tham gia xu thế sáp nhập này hay không, ông Phạm Hữu Phú cho biết: “Hiện nay chưa có chương trình nghị sự để Phương Nam nhập vào Sacombank hay Phương Nam nhập vào Sacombank và Eximbank, hiện chúng tôi chưa có kế hoạch này”.
Tùng Nguyên