1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

"Búa hồng", mũ Blackpink loạn giá, khó phân biệt được hàng nhái, hàng thật

Ong Thùy Dương

(Dân trí) - Để hưởng ứng show diễn Born Pink của nhóm nhạc đình đám Blackpink tại Việt Nam, nhiều người bán chọn kinh doanh hàng nhái của những món đồ lưu niệm liên quan đến nhóm bởi biên lãi cao ngất ngưởng.

Sau hàng tháng trời người hâm mộ mong ngóng, cuối cùng, ngày tổ chức show diễn Born Pink của Blackpink tại Việt Nam đã tới. Dấu mốc này được coi là quan trọng đối với Blink (những người yêu thích Blackpink) bởi đây là lần đầu tiên 4 cô gái vàng của Kpop đặt chân tới mảnh đất hình chữ S.

Bên cạnh hàng nghìn bài rao bán vé với rất nhiều mức giá khác nhau, cộng đồng mạng còn bị "ngợp" bởi hàng trăm bài viết bán những món đồ lưu niệm liên quan đến Blackpink, điển hình như lightstick (gậy phát sáng), cốc uống nước, áo in hình hay mũ có in logo của nhóm.

Lightstick chính hãng dành cho Blink được sản xuất bởi YG Entertainment (công ty chủ quản của Blackpink). Hiện tại, giá bán cho một lightstick chính hãng dao động từ 900.000 đồng tới 1,05 triệu đồng. Tuy nhiên, có không ít người bán rao sản phẩm này là hàng Trung Quốc chỉ với giá 250.000 đồng.

Búa hồng, mũ Blackpink loạn giá, khó phân biệt được hàng nhái, hàng thật - 1

Lightstick nhái được rao bán tràn lan trên thị trường với mức giá rẻ chỉ bằng 1/4 hàng chính hãng. 

Ngoài lightstick, cốc uống nước mang thương hiệu "đen hồng" cũng được rao bán tràn lan. Có những chiếc cốc được quảng cáo chuẩn màu sắc Blackpink nhưng chỉ có giá 150.000 đồng. Trong khi đó, chiếc cốc chính hãng có giá lên tới gần 2 triệu đồng.

Phía dưới những bài đăng hàng nhái các món đồ lưu niệm về Blackpink có từ vài chục tới hàng trăm người để lại bình luận mua hàng.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, Nga Nguyễn (26 tuổi) cho biết vì những món đồ này chỉ được dùng một hoặc hai lần, mua để thỏa đam mê, chụp ảnh cho khí thế nên bạn chọn mua hàng nhái. Số tiền còn lại cô có thể dùng việc khác hợp lý hơn.

Đồng quan điểm với Nga Nguyễn, Đức Duy cho rằng việc bỏ ra cả triệu đồng để mua lightstick là không cần thiết. Vì thế, anh chỉ mua lightstick bản nhái có giá 200.000 đồng. "Đã bỏ ra vài triệu đồng mua vé đi xem Born Pink rồi. Tôi không muốn phải mua lightstick đắt đỏ nữa", Đức Duy bày tỏ.

Tuy nhiên, cũng có nhiều người cho rằng thị trường hàng nhái làm mất hứng của những người mua hàng chính hãng. Bởi lẽ, họ bỏ ra số tiền gấp 4, gấp 5 lần người khác nhưng nhận về một sản phẩm tương tự.

Người khác cho rằng mua một sản phẩm chủ yếu để thỏa mãn thú vui của bản thân, vì thế, không quan tâm hàng nhái được bán nhiều hay ít, quan trọng bản thân dùng hàng thật là được.

Búa hồng, mũ Blackpink loạn giá, khó phân biệt được hàng nhái, hàng thật - 2

Người mua lựa chọn mua hàng nhái vì chỉ dùng 1, 2 lần. 

Không chỉ tại sự kiện Born Pink lần này, ở Việt Nam, việc bán những sản phẩm nhái tràn lan ngày càng trở nên phổ biến. Thậm chí, nhiều người bán cho biết họ thích kinh doanh những sản phẩm nhái hơn chính hãng, bởi biên lãi của hàng nhái cao hơn nhiều lần và không có mức giá chuẩn cụ thể nào. Vì vậy, người bán có thể tùy cơ ứng biến mà đưa ra mức giá của riêng mình.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, chị Hương Nguyễn, người có hơn 10 năm kinh nghiệm buôn hàng Trung Quốc, cho hay: "Hàng fake (hàng nhái) có lợi nhuận cao và chủng loại đa dạng. Hàng fake cũng có nhiều loại hàng fake, người ta hay nói là super fake, fake 1, fake 2, fake 10. Giá sẽ tương xứng với chất lượng".

Tuy vậy, theo chị Hương, bán hàng fake có độ rủi ro khá cao. Thông thường, những người bán hàng fake chỉ bán trong một khoảng thời gian nhất định rồi sẽ "rửa tay gác kiếm". Bởi lẽ, càng ở lâu trên thị trường, càng nhiều người biết tới, những người bán hàng fake càng gặp rủi ro liên quan đến những quy định của pháp luật về việc kinh doanh hàng nhái, hàng kém chất lượng. 

Búa hồng, mũ Blackpink loạn giá, khó phân biệt được hàng nhái, hàng thật - 3

Kinh doanh hàng nhái lãi hơn nhiều so với kinh doanh hàng thật.

Chị Hương cho hay việc tìm được nguồn hàng nhái là không dễ dàng. Tại Trung Quốc, những nhà buôn hàng nhái thường không đăng sản phẩm của họ lên các trang thương mại điện tử mà chỉ đăng trên các nền tảng mạng xã hội. Người bán muốn nhập hàng sẽ phải trao đổi trực tiếp với họ thông qua kênh trung gian.

Ngoài ra, việc kiểm tra chất lượng hàng hóa cũng gặp nhiều khó khăn nếu người bán tại Việt Nam không thể có mặt ở Trung Quốc mà phải kiểm tra hàng qua mạng.

Đứng ở cương vị người bán hàng, chị Hương cho rằng bất kỳ người bán nào cũng muốn tìm được những sản phẩm đáp ứng nhu cầu khách hàng. 

"Tôi không quan trọng đó là hàng fake hay hàng thật. Quan trọng là tôi phải bán được hàng. Lý do càng ngày càng nhiều người bán chọn bán hàng fake là bởi nhu cầu của người mua. Họ không sẵn sàng hoặc không thể chi trả một khoản tiền lớn để sở hữu hàng thật nên thường tìm đến hàng nhái. Có cung thì có cầu", chị Hương nói.

Việc bất chấp pháp luật để kinh doanh những món đồ nhái, đồ kém chất lượng được coi là vấn đề cấp bách trong việc quản lý thị trường. Theo khảo sát, tại Việt Nam, người bán dường như ngày càng bình thản trước quy định, sẵn sàng bán hàng fake và quảng cáo tràn lan nhằm đạt được mục đích về lợi nhuận.

Ngoài ra, nhiều người bán có hành vi trộn hàng, lừa đảo người mua nhằm trục lợi. Đây là vấn đề cần được xử lý triệt để để đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng và "làm sạch" thị trường hàng nhái ở Việt Nam.

Mới đây, Cục Quản lý thị trường tỉnh Gia Lai đã ra quyết định xử phạt một cá nhân 25 triệu đồng vì đã có hành vi bán hàng hóa giả mạo nhãn hiệu.

Trước đó, sau thời gian theo dõi, Cục Quản lý thị trường tỉnh kiểm tra đột xuất cơ sở kinh doanh L.B (thị trấn Phú Thiện, huyện Phú Thiện); phát hiện bà L.T.M.D. sử dụng trang mạng xã hội Facebook có tên Lê Dung Store 2 để livestream bán hàng tại đây.

Đoàn kiểm tra tạm giữ 25 đôi giày giả mạo nhãn hiệu Nike, hoàn chỉnh hồ sơ để gửi lên cơ quan thẩm quyền xử phạt.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm