Bốn năm làm Tổng thống, đế chế kinh doanh của ông Trump lỗ - lãi "khủng"

Diên Vỹ

(Dân trí) - Tại thời điểm rời Nhà Trắng, tổng giá trị tài sản ròng của ông Trump ước tính 2,5 tỷ USD, tức là thấp hơn 500 triệu USD so với thời điểm ông Trump bắt đầu bước chân vào Nhà Trắng năm 2017.

Thất thu do dịch Covid-19

Theo báo cáo tài chính công khai tính trong năm 2020 và 20 ngày đầu năm 2021, ông Trump đang chuẩn bị tiếp quản trở lại đế chế kinh doanh của mình trong bối cảnh tình hình tài chính không lạc quan cho lắm.

Doanh thu khu nghỉ dưỡng Doral Golf Resort ở Miami đã giảm mạnh 40% từ 77 triệu USD xuống chỉ còn 44 triệu USD trong thời gian thống kê của báo cáo. Khách sạn Trump ở Washington, nơi chỉ cách Nhà Trắng vài dãy phố, cũng chứng kiến doanh thu giảm mạnh từ mức 40,5 triệu USD năm 2019 xuống còn 15,1 triệu USD trong cùng kỳ. Một khách sạn khác ở Las Vegas cũng báo cáo doanh thu tụt dốc từ 23,3 triệu USD xuống 9,2 triệu USD. Hàng loạt khu nghỉ dưỡng và sân golf mà Trump sở hữu ở Vương quốc Anh và Ireland cũng ghi nhận doanh thu giảm khoảng 67%.

Bốn năm làm Tổng thống, đế chế kinh doanh của ông Trump lỗ - lãi khủng - 1

Khu nghỉ dưỡng Doral (ảnh: AP)

Nhìn chung, báo cáo tài chính công khai ước tính rằng cuộc khủng hoảng đại dịch Covid-19 kéo dài trong phần lớn năm qua đã gây áp lực lên hoạt động kinh doanh của Trump Organization, khiến doanh thu của tập đoàn này giảm mạnh xuống mức 273 - 308 triệu USD. Kết quả này thấp hơn ít nhất 38% so với doanh thu được báo cáo vào năm 2019.

So với báo cáo tài chính công khai đầu tiên vào năm 2017 - thời điểm ông Trump vừa nắm quyền tại Nhà Trắng, doanh thu của Trump Organization trong hơn 15 tháng (bao gồm năm 2016 và 3 tháng đầu nhậm chức) lên tới 528,9 triệu USD. 

Chỉ một số ít tài sản của Trump ít bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng đại dịch, bao gồm khu nghỉ dưỡng Mar-a-Lago ở Florida - nơi vừa được gia đình cựu Tổng thống chọn làm địa điểm định cư lâu dài sau khi mãn nhiệm. Doanh thu tại Mar-a-Lago đã tăng nhẹ từ mức 21,4 triệu USD năm 2019 lên 24,2 triệu USD trong năm 2020 và 20 ngày đầu tiên của năm 2021.

Doanh số các cửa hàng trực tuyến thuộc quản lý của Trump Organization cũng tăng hơn gấp đôi từ mức 930.869 USD lên 1,96 triệu USD, nhưng đồng thời doanh số bán trực tiếp tại cửa hàng trong tòa tháp Trump (New York) lại giảm mạnh từ 849.313 USD xuống 166.064 USD do các biện pháp đóng cửa kiểm soát dịch Covid-19.

Tính chung toàn báo cáo, tổng giá trị tài sản từ hoạt động kinh doanh thuộc đế chế Trump ước tính khoảng 1,3-1,7 tỷ USD.

Theo ước tính của Bloomberg, tại thời điểm rời Nhà Trắng, tổng giá trị tài sản ròng của ông Trump ước tính 2,5 tỷ USD, tức là thấp hơn 500 triệu USD so với thời điểm ông Trump bắt đầu bước chân vào Nhà Trắng năm 2017. Thêm vào đó, Trump Organization đang gánh khối nợ lên tới 1 tỷ USD đến từ các dự án xây dựng bất động sản. Phần lớn trong đó sẽ đến hạn thanh toán trong vòng 3 năm tiếp theo.

Trước dịch, Trump Organization kiếm bộn tiền nhờ Tổng thống "chống lưng"?

Trước khi đại dịch Covid-19 xảy đến, nhiều nghị sĩ đảng Dân chủ đã cáo buộc ông Trump tận dụng danh nghĩa Tổng thống Mỹ để "chống lưng" cho đế chế kinh doanh Trump Organization.

Bốn năm làm Tổng thống, đế chế kinh doanh của ông Trump lỗ - lãi khủng - 2

Ông Trump ở bên trong tòa tháp do chính mình sở hữu tại New York - Trump Tower (ảnh: Getty)

Nhiều nhà phê bình đã chỉ trích ông Trump không bỏ qua cơ hội nào để quảng bá sản nghiệp riêng trong thời gian đương nhiệm như việc đề cập trong các bài phát biểu chính thức ở khắp mọi nơi từ Liên Hợp Quốc cho đến Phòng Bầu dục, thậm chí là nhắc đến trong các tweet trên tài khoản Twitter hơn 60 triệu lượt theo dõi.

Ví dụ, có lần Trump từng tweet về tổ hợp sân golf Trump International Scotland, nhấn mạnh đây là "sân golf vĩ đại nhất thế giới". Hoặc Trump cũng từng tuyên bố kế hoạch tổ chức hội nghị thượng đỉnh các nhà lãnh đạo thế giới G7 năm 2020 tại khu nghỉ dưỡng Trump National Doral Miami vào thời điểm mà khu nghỉ dưỡng này đang đối mặt với nguy cơ tài chính lớn.

Việc ông Trump quyết định vừa điều hành Nhà Trắng vừa duy trì vai trò ở đế chế kinh doanh khổng lồ mà ông sở hữu (gần 500 cơ sở kinh doanh và sản nghiệp ở khoảng 20 quốc gia trên toàn cầu) cũng nhận về những chỉ trích nặng nề từ giới phê bình. Những người này cho rằng vị cựu Tổng thống Mỹ đã "lạm dụng quyền lực trắng trợn" và có nguy cơ tạo ra "những xung đột lợi ích tiềm ẩn" với sự toàn vẹn của nhiệm kỳ Tổng thống.

Ông Trump và gia đình được cho là đã thường xuyên chọn sản nghiệp gia đình làm điểm đến trong các chuyến công tác hoặc nghỉ dưỡng, buộc các cơ quan Mật vụ và cơ quan liên bang đi kèm phải chi tiền vào các sản nghiệp này.

Chính vì những thương vụ như vậy, ngay năm đầu tiên nắm quyền tại Nhà Trắng, vị Tổng thống thứ 45 của Mỹ đã phải đối mặt với một cuộc điều tra của Quốc hội liên quan đến cáo buộc lạm dụng quyền lực. Trong suốt 4 năm của nhiệm kỳ, Đảng Dân chủ không ít lần lần chỉ trích Trump trục lợi từ ghế Tổng thống.

Bốn năm làm Tổng thống, đế chế kinh doanh của ông Trump lỗ - lãi khủng - 3

Tổng thống mãn nhiệm Donald Trump có sản nghiệp kinh doanh ở khắp nơi (ảnh: Getty)

"Ông Trump đang công khai làm giàu cho bản thân bằng cách khuyến khích các tổ chức chính phủ chi tiền sử dụng dịch vụ của các doanh nghiệp mà ông ta sở hữu. Các tổ chức nước ngoài dường như cũng thường xuyên hợp tác với cơ sở kinh doanh của Trump để tạo thiện cảm với chính quyền Trump" - trích lời bà Carolyn Malone - Chủ tịch cơ quan Giám sát và Cải cách thuộc Hạ viện Mỹ vào năm 2019.

Đáp lại những lời chỉ trích, ông Trump nhiều lần phủ nhận đang lạm dụng quyền lực Tổng thống, đồng thời nhấn mạnh lý do người ta thường xuyên đến các khu nghỉ dưỡng này là vì dịch vụ "tốt nhất". "Các bạn đang làm quá vấn đề. Tất cả chúng ta đều biết tôi có sản nghiệp kinh doanh ở khắp nơi" - Trump tuyên bố.

Khi Trump Organization cạn tiền

Trở lại với công việc kinh doanh sau 4 năm giao quyền điều hành Trump Organization cho các con trai, ông Trump sẽ phải đối diện với tình hình tài chính căng thẳng do cuộc khủng hoảng dịch bệnh và nhiều doanh nghiệp quay lưng sau vụ bạo loạn ở Tòa nhà Quốc hội hôm 6/1. Nhưng ngay cả trước đó, Trump Organization đã đối mặt với nhiều vấn đề về dòng tiền.

Một bài viết trên Forbes hôm 19/1 chỉ ra rằng kể từ thời điểm ông Trump tuyên thệ nhậm chức hồi năm 2017, Trump Organization đã không ngừng bán tài sản. Vào năm 2017, tập đoàn này bán hàng loạt căn hộ và bất động sản trị giá 32 triệu USD dưới danh nghĩa Trump.

Vào năm 2018, Trump Organization tiếp tục bán các bất động sản trị giá 53 triệu USD. Đến năm 2019, đế chế kinh doanh của Trump lại thu về 32 triệu USD nhờ bán hàng loạt bất động sản nắm giữ. Nhưng năm 2020, một điều bất thường đã xảy ra: Trump Organization gần như không bán thêm được gì. Không có giao dịch bất động sản nào được thực hiện bởi tập đoàn của Trump từ Chicago, California cho đến New York. Điều này nghĩa là một trong những hoạt động mang về dòng tiền dồi dào nhất cho Tổng thống đã cạn kiệt.

Bốn năm làm Tổng thống, đế chế kinh doanh của ông Trump lỗ - lãi khủng - 4

Ông Trump được cho là sẽ phải đối diện với tình hình tài chính căng thẳng (ảnh: New York Times)

Hồi năm 2019, Forbes ước tính tổng tài sản trị giá 3,1 tỷ USD của ông Trump thời điểm đó chỉ bao gồm khoảng 160 triệu USD tiền mặt. Nhưng giá trị tài sản ròng của ông Trump đã giảm xuống còn 2,5 tỷ USD vào năm 2020, có nghĩa là nhiều khả năng lượng tiền mặt ông Trump hiện nắm giữ gần như không đáng kể.

Nhiều ý kiến cho rằng thay vì khai thác dòng tiền từ Trump Organization, ông Trump có nhiều cách khác để kiếm tiền sau khi rời Nhà Trắng. Chẳng hạn, các thời cựu Tổng thống như Bill Clinton hay Barack Obama đã kiếm hàng trăm triệu USD thông qua hoạt động bán sách và diễn thuyết sau nhiệm kỳ.