Bóc mẽ những chiêu trốn thuế
Ngành thuế gần đây trực tiếp bóc mẽ hàng loạt chiêu trò gian lận mới, thu về cả chục ngàn tỷ đồng suýt thất thoát.
Đầu năm 2015, nguyên Giám đốc Cty Cổ phần Cồn Rượu Hà Nội (Halico) Hồ Văn Hải bị phát hiện hành vi trốn thuế và bị truy tố hình sự. Theo đó, vị giám đốc này đã thông đồng với đại lý để bán rượu xuất khẩu ra thị trường trong nước. Với 46.000 thùng rượu Vodka các loại tuồn ra thị trường sau khi làm giả giấy tờ xuất khẩu, Hồ Văn Hải và đồng bọn đã chiếm đoạt hơn 13 tỷ đồng tiền thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) và thuế giá trị gia tăng (GTGT).
Mới đây, tại tỉnh Gia Lai, cơ quan pháp luật phát hiện vụ gian lận tiền hoàn thuế GTGT của một số cá nhân khi cả nhóm này đã ranh mãnh thành lập hàng loạt doanh nghiệp “ma” rút ruột cả trăm tỷ đồng tiền hoàn thuế. Cụ thể, 12 cá nhân đã chiếm đoạt hơn 143 tỷ đồng tiền hoàn thuế GTGT.
Trao đổi với PV Tiền phong về các mánh khóe trốn thuế của doanh nghiệp (DN), đại diện Tổng cục Thuế nhận xét các hình thức, chiêu trò trốn thuế ngày càng tinh vi. Đầu năm 2014, lợi dụng chính sách hoàn thuế GTGT tại Tây Nguyên, một số cá nhân đã thành lập chuỗi DN thu mua cà phê nguyên liệu sau đó sử dụng hình thức mua bán hóa đơn GTGT hợp thức hóa đầu vào mua hàng nông sản (cà phê, hồ tiêu), nhằm kê khai đầu vào xuất khẩu, chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT. “Chuỗi DN này đã qua mặt được sự kiểm tra, kiểm soát của các cơ quan, đồng thời giúp các DN “đen” thao túng thị trường cà phê, tạo nên sự bất ổn trong kinh doanh, xuất khẩu cà phê tại Tây Nguyên, gây thất thu ngân sách nhà nước và thất thoát tiền hoàn thuế GTGT”, lãnh đạo Vụ Thanh tra ngành thuế khẳng định.
“Một số DN không mở sổ sách kế toán hoặc mở 2 hệ thống sổ sách kế toán, phản ánh các nghiệp vụ kinh tế phát sinh không đúng làm sai lệch thông tin trên sổ sách kế toán nhằm gian lận thuế, trốn thuế (xảy ra ở các DN nhỏ, DN tư nhân…)”. Ông Nguyễn Hữu Ánh, Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế). |
“Tất cả các cách đó nhằm hợp thức hoá đầu vào để lập hồ sơ xuất khẩu khống một phần hoặc toàn bộ hàng hóa nhằm chiếm đoạt tiền hoàn thuế GTGT của ngân sách nhà nước”, ông Nguyễn Hữu Ánh, Vụ trưởng Vụ Thanh tra (Tổng cục Thuế), tiết lộ.
Sẽ xác định giao dịch đáng ngờ
Một cán bộ thanh tra thuế kể với PV về sự kiên nhẫn, vất vả khi phải âm thầm điều tra DN có vốn đầu tư nước ngoài trốn thuế. Theo ông, chiêu phổ biến nhất của họ là thông qua việc thực hiện chuyển giá để tránh thuế, trốn thuế. Các DN này thường ký hợp đồng mua bán từ các Cty mẹ, Cty có quan hệ liên kết thông qua việc đầu tư mua sắm tài sản cố định, nguyên vật liệu, vay vốn, chuyển giao công nghệ, phí bản quyền… với giá rất cao. “Muốn điều tra được tận gốc, có khi phải sang tận nước sở tại, nhưng điều đó không thể. Và họ càng có cơ hội khai lỗ liên tục và không có sự đóng góp thuế TNDN cho nhà nước Việt Nam”, vị cán bộ nói.
Theo đại diện Vụ Thanh tra Tổng cục Thuế, tới đây, bộ phận thanh tra sẽ phối hợp phân loại giám sát các đối tượng có dấu hiệu mua bán hoá đơn bất hợp pháp, trốn thuế, chiếm đoạt tiền hoàn thuế, đồng thời có giải pháp ngăn chặn kịp thời các hành vi vi phạm về thuế. Ngoài ra, sẽ tăng cường phối hợp cơ quan an ninh điều tra, cơ quan cảnh sát phòng chống tội phạm về kinh tế để điều tra, xác minh một số đường dây sử dụng hóa đơn bất hợp pháp chiếm đoạt tiền thuế của Nhà nước. “Chúng tôi cũng sẽ phối hợp với Ngân hàng Nhà nước để xác định các DN có giao dịch đáng ngờ, từ đó tăng cường thanh tra, xử lý về thuế có liên quan”, ông Ánh cho biết.
Theo Khánh Huyền – Tuấn Đức