1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Bộ Xây dựng: Chưa nghiệm thu Nhà máy nước mặt sông Đuống

(Dân trí) - Cục Giám định Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Bộ Xây dựng) cho biết, chủ đầu tư Nhà máy nước mặt sông Đuống chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước

Bộ Xây dựng: Chưa nghiệm thu Nhà máy nước mặt sông Đuống - 1

Nhà máy nước sông Đuống có vốn đầu tư 5.000 tỷ đồng.

Cục Giám định nhà nước về chất lượng công trình xây dựng (Cục Giám định) vừa cung cấp thông tin liên quan đến việc kiểm tra công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I.

Theo quy định của Luật Xây dựng, Nghị định số 46/2015/NĐ-CP và các pháp luật có liên quan thì Chủ đầu tư chịu trách nhiệm về việc tổ chức thi công xây dựng công trình, tổ chức quản lý chất lượng công trình và nghiệm thu hoàn thành thi công xây dựng công trình.

Cơ quan chuyên môn về xây dựng (trong trường hợp này là Cục Giám định) thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu của chủ đầu tư.

Đối với công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I, Cục Giám định cho biết đã tiến hành một số lần kiểm tra công tác quản lý chất lượng và kiểm tra công tác nghiệm thu công trình Nhà máy nước mặt sông Đuống - giai đoạn I (bao gồm IA và IB) và đã thông báo kết quả kiểm tra gửi Chủ đầu tư. Hiện tại, công trình đang được vận hành bình thường.

Tuy nhiên, theo cơ quan này, qua một số lần kiểm tra chủ đầu tư chưa cung cấp đầy đủ các số liệu liên quan đến việc đảm bảo an toàn đường ống qua đường, chỉ tiêu cơ lý của đường ống cấp nước, thử áp tuyến ống,…

"Chủ đầu tư đang tập hợp, hoàn thiện hồ sơ có liên quan, do vậy Cục Giám định chưa có văn bản cuối cùng chấp thuận kết quả nghiệm thu của chủ đầu tư", Cục Giám định cho hay.

Về việc lựa chọn vật liệu ống cho công trình, theo báo cáo, với dự án này, có 3 loại ống cấp nước là ống gang dẻo, ống thép và ống HDPE. Việc lựa chọn cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng, cụ thể trong trường hợp này là vật liệu ống cấp nước thuộc trách nhiệm của chủ đầu tư và các nhà thầu có liên quan.

Các cấu kiện, sản phẩm, vật liệu xây dựng đưa vào sử dụng trong công trình phải đảm bảo các các yêu cầu kỹ thuật theo các quy chuẩn, tiêu chuẩn áp dụng, hồ sơ thiết kế đã được thẩm định, phê duyệt và các quy định pháp luật có liên quan.

"Do Chủ đầu tư đang hoàn thiện hồ sơ quản lý chất lượng như đã nêu trên, trong đó có các tài liệu liên quan tới đường ống cấp nước (gang dẻo), nên Cục Giám định sẽ có ý kiến sau khi nhận được đầy đủ các hồ sơ của chủ đầu tư", Cục Giám định thông tin.

Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống khánh thành giai đoạn 1 hôm 5/9 với tổng công suất 300.000 m3/ngày đêm. Nhà máy có quy mô gần 65 ha tại khu vực xã Phù Đổng và xã Trung Mầu (huyện Gia Lâm). Dự kiến đến năm 2023 sẽ đạt công suất 600.000 m3/ ngày đêm, đến năm 2030 đạt 900.000 m3/ ngày đêm, và sau năm 2030 đạt 1,2 triệu m3/ngày đêm. Dự án được đầu tư với số vốn lên tới 5.000 tỷ đồng.
 
Dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Dự án được phê duyệt đầu tư theo quyết định số 499/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 21/03/2013 và quyết định chủ trương đầu tư số 2869/QĐ-UBND của UBND thành phố Hà Nội ngày 3/6/2016.
 

Trao đổi về chất lượng đường ống trước đó, Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty nước mặt Sông Đuống, bà Đỗ Liên cho biết, toàn bộ hệ thống đường ống này được thiết kế phù hợp với địa hình từng khu vực, có khi là ống gang, có khi ống thép nhập từ Thái Lan, UAE và một số nước châu Á, có cả Trung Quốc. Hệ thống đường ống khổng lồ có đường kính rộng tới 1,8 mét.

"Việc kết nối các lòng sông chúng tôi còn đảm bảo hệ thống ống an toàn gấp hai lần. Điều này gây phát sinh chi phí rất lớn cho doanh nghiệp. Trong khi đó, có tới 60% nguồn vốn được sử dụng là vốn huy động, do đó, doanh nghiệp thực sự cũng đang phải “gồng mình”, bà Liên cho biết thêm.

Phương Dung