Bộ trưởng Công Thương nói về đường xuất ngoại của trái cây Việt

(Dân trí) - Đến nay, thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng, vải và nhãn của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường Hoa Kỳ. Các sản phẩm xoài, vú sữa … đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để cấp phép nhập khẩu.

Chiều nay 11/6, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng là thành viên Chính phủ thứ hai đăng đàn trả lời chất vấn của các đại biểu Quốc hội về giải pháp phát triển thị trường trong và ngoài nước; trách nhiệm và giải pháp xử lý tình trạng dư thừa sản phẩm, giảm sút kim ngạch xuất khẩu giảm sút kim ngạch xuất khẩu nhóm hàng hóa nông, lâm, thủy sản; đẩy mạnh lưu thông hàng hóa do Việt Nam sản xuất, đặc biệt là hàng nông sản.

Ngoài ra, Bộ trưởng Công Thương còn nói về thực trạng và giải pháp phát triển mạng lưới điện cho khu vực nông thôn cũng như trách nhiệm quản lý nhà nước về giá điện gắn với bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

Vải thiều Việt Nam vừa
Vải thiều Việt Nam vừa mở thêm các kênh xuất khẩu mới như Hoa Kỳ, Australia và Pháp…

Trước phiên chất vấn, Bộ trưởng Công Thương đã có báo cáo trả lời chất vấn của đại biểu Quốc hội. Trong đó, Bộ trưởng Hoàng đã đề cập tới vấn đề đẩy mạnh lưu thông một số nông sản gặp khó khăn trong tiêu thụ khi vào vụ thu hoạch thời gian qua như: dưa hấu, hành tím, vải thiều.

Đối với mặt hàng dưa hấu, thông tin do Bộ trưởng Hoàng cung cấp cho hay: Hàng năm, Việt Nam sản xuất khoảng hơn 1,5 triệu tấn dưa hấu, trong đó, chủ yếu là tiêu thụ trong nước (xuất khẩu khoảng 20%). Riêng Vụ Đông Xuân năm nay có sản lượng khoảng 550.000 tấn (trong đó có vùng dưa Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định và Phú Yên với sản lượng khoảng trên 100.000 tấn).

“Thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc và trong một thời gian ngắn nên có xảy ra ùn ứ cục bộ tại khu vực cửa khẩu do hạ tầng ở đây (cả ở phía Việt Nam và Trung Quốc) bị quá tải”, Bộ trưởng Hoàng lý giải.

Để xử lý tình trạng này, Bộ Công Thương và các Bộ, ngành, địa phương liên quan đã tập trung thực hiện các biện pháp chủ yếu là: tăng thời gian phục vụ tại cửa khẩu; mở rộng hạ tầng bến bãi; thông báo, phối hợp với các địa phương vùng sản xuất để điều tiết thời gian chuyển hàng lên cửa khẩu…

Kết quả là sau gần 1 tháng triển khai các biện pháp nêu trên, lượng dưa hấu xuất khẩu qua của khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) đã đạt khoảng 50.000 tấn; 5 tháng đầu năm đạt 145.000 tấn, chiếm 26% trong tổng số 550.000 tấn, góp phần tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.

Đối với mặt hàng hành tím: Hàng năm, sản lượng hành tím bình quân của Việt Nam khoảng trên 100.000 tấn. Trong đó, tiêu thụ trong nước 20%, xuất khẩu khoảng 80% (chủ yếu là Indonesia).

Năm 2015, sản lượng hành tím không tăng đột biến nhưng bị dư thừa nhiều do Indonesia đột ngột đưa ra chính sách hạn chế nhập của Việt Nam (theo họ, lý do là vì đã tự trồng được hành tím trong nước).

Đối với mặt hàng vải thiều, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho rằng, hiện mặt hàng này đang vào vụ thu hoạch. Sản lượng dự báo cũng tương tự như hàng năm, ước đạt khoảng 200.000 tấn. Trong đó, trước năm 2013 xuất khẩu khoảng 60%, tiêu thụ trong nước khoảng 40%, nhưng mùa vụ 2014 nhờ triển khai nhiều giải pháp, tỷ lệ này đã thay đổi tương ứng là 40% và 60%.

Hiện nay các địa phương sản xuất cùng Bộ Công Thương, Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn đã và đang chủ động tổ chức triển khai nhiều hoạt động kết nối cung cầu (tại Bắc Giang, Hải Dương, Hà Nội,TPHCM); làm việc với cơ quan chức năng, doanh nghiệp của 2 phía tại các cửa khẩu thuộc tỉnh Lào Cai, Lạng Sơn; mở thêm các kênh xuất khẩu mới như Hoa Kỳ, Australia và mới đây xuất khẩu thử sang Pháp…

“Với các biện pháp tổ chức tương đối đồng bộ này và trên cơ sở kinh nghiệm tổ chức tiêu thụ năm 2014, dự kiến tiêu thụ vải thiều năm nay sẽ đạt kết quả tích cực”, Bộ trưởng nhấn mạnh.

Về việc đưa trái cây Việt thâm nhập các thị trường khó tính, điển hình là Hoa Kỳ, Việt Nam đã gửi danh sách 11 loại trái cây có tiềm năng xuất khẩu của Việt Nam cho Cơ quan Kiểm dịch động thực vật Hoa Kỳ (APHIS). Đến nay, thanh long ruột đỏ và thanh long ruột trắng, vải và nhãn của Việt Nam đã được cấp phép nhập khẩu vào thị trường này. Các sản phẩm xoài, vú sữa … đang trong quá trình hoàn tất các thủ tục để cấp phép nhập khẩu.

Thị trường Hàn Quốc hiện đã cho phép nhập khẩu thanh long (ruột đỏ và ruột trắng) của Việt Nam; hiện đang hoàn tất thủ tục cấp phép nhập khẩu cho mặt hàng xoài và tiến hành mở cửa cho mặt hàng vú sữa.

Thị trường Australia đã cho phép nhập khẩu quả vải và nhãn. Các cơ quan chức năng của Việt Nam đang xúc tiến làm việc với các đối tác để sớm được cấp phép nhập khẩu quả xoài và thanh long tại thị trường này. Thị trường New Zealand đã mở cửa cho mặt hàng xoài và thanh long (cả ruột đỏ và ruột trắng) của Việt Nam và đang tiến hành các thủ tục cấp phép nhập khẩu cho mặt hàng chôm chôm…

 Nguyễn Hiền


Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”