Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải vì sao các đơn vị không dám định giá đất

Mộc An

(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết doanh nghiệp thẩm định giá sợ rủi ro về pháp lý khi tính giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Trong phiên chất vấn Bộ trưởng Bộ Tài chính Hồ Đức Phớc sáng 18/3, một số đại biểu quan tâm đến vấn đề thanh tra, chất lượng của hoạt động thẩm định giá.

Đại biểu Lã Thanh Tân (đoàn TP Hải Phòng) đặt câu hỏi về quan điểm và hướng giải quyết của Bộ trưởng trước tình trạng hiện nay nhiều doanh nghiệp thẩm định giá từ chối thẩm định giá đấu thầu mua sắm trang thiết bị cho hoạt động thường xuyên của cơ quan Nhà nước và tính giá đất để xác định nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước.

Bộ trưởng Bộ Tài chính cho biết việc thẩm định giá đất đai cũng như các sản phẩm do Nhà nước định giá được quy định cụ thể ở Luật giá và các luật chuyên ngành. 

Theo quy định của Luật Giá, giá chuyên ngành được giao về cho các Bộ ngành quản lý. Ví dụ đối với giá đất, những vấn đề pháp luật về định giá đất cũng như hướng dẫn xây dựng định giá đất, kiểm tra giá đất do Bộ Tài nguyên và Môi trường quyết định. Giá thiết bị y tế, thuốc do Bộ Y tế quyết định.

Đối với những sản phẩm do Nhà nước bỏ ngân sách trung ương ra mua thì Bộ Tài chính sẽ phối hợp cùng Bộ Y tế để xác định giá tối đa, giá cụ thể do Bộ Y tế quyết định. Tương tự, giá điện do Bộ Công thương quyết định.

Vì vậy chức năng, nhiệm vụ, phạm vi công tác định giá do các Bộ kiểm tra và xử lý. Bộ Tài chính chịu trách nhiệm hướng dẫn chung về chuẩn mực về giá, cách xác định giá.

Bộ trưởng Bộ Tài chính lý giải vì sao các đơn vị không dám định giá đất - 1

Doanh nghiệp từ chối thẩm định giá đất do sợ rủi ro về pháp lý (Ảnh: IT).

Về việc doanh nghiệp không chịu thẩm định giá, Bộ trưởng cho biết có nhiều nguyên nhân. Nguyên nhân thứ nhất có thể do công việc của các doanh nghiệp nhiều nên không thể nhận thêm.

Nguyên nhân thứ hai là doanh nghiệp sợ rủi ro về pháp lý. Rủi ro pháp lý có nhiều nguyên nhân như năng lực kém, quy định pháp luật có nhiều cách hiểu khác nhau sau này sẽ xảy ra vấn đề sai phạm và một số nguyên nhân khác nữa.

Bộ trưởng lấy ví dụ về xác định giá đất. Hiện nay, quy định pháp luật đưa ra 4 phương pháp tuy nhiên chủ yếu sử dụng phương pháp thặng dư. Đây là phương pháp ước tính hay còn gọi là phương pháp giả định với giả định đầu vào, đầu ra, chi phí, doanh thu. Việc giả định đưa ra nhiều tham số khác nhau thì dễ dẫn đến sai phạm. Cho nên các cơ quan thẩm định đưa ra ý kiến về mặt tư vấn nhưng sau này sai phạm thì cũng phải chịu trách nhiệm.

"Ví dụ căn nhà khi đưa ra thẩm định giá là tài sản hình thành trong tương lai nên được ước tính bán ra 20 triệu đồng/m2, tuy nhiên khi bán thật lại là 25 triệu đồng/m2. Việc chênh lệch 5 triệu đồng/m2 khiến kết quả định giá bị sai và cơ quan định giá phải chịu trách nhiệm", Bộ trưởng phân tích. 

Người đứng đầu Bộ Tài chính cho biết nay việc thẩm định giá cũng còn nhiều cách hiểu khác nhau. Có quan điểm xác định giá khởi điểm bằng lấy giá xuất nhập khẩu, cộng với chi phí trung gian. Nhưng cũng quan điểm cho rằng lấy báo giá của doanh nghiệp bán hàng để xác định giá khởi điểm. Do đó cần tuyên truyền và thống nhất về cách xác định giá. 

Ngoài ra, Bộ trưởng cho biết thực tế không loại trừ một số công ty cấu kết với doanh nghiệp để nâng khống giá, sau đó bị đưa ra xét xử. Điều này cũng mang đến tâm lý e ngại cho các doanh nghiệp thẩm định giá khác.

Về việc cấu kết của các doanh nghiệp định giá, Bộ trưởng Hồ Đức Phớc cho biết Luật Giá 2023 đã khắc phục những vấn đề còn tồn tại hạn chế của Luật Giá 2012 và bổ sung nhiều giải pháp để ngăn chặn.

"Trong thời gian tới, chúng tôi sẽ triển khai những vấn đề cạnh tranh không lành mạnh trong công tác giá hay vấn đề kê khai giá không chính xác để xử lý và xử phạt. Vấn đề phát hành chứng thư thẩm định giá khống, thẩm định viên cấu kết với các đơn vị đối tác để nâng giá lên phải được xử lý nghiêm minh", Bộ trưởng nhấn mạnh.