Bỏ thuế linh kiện, "cơ hội vàng" cho xe Việt giá rẻ?
(Dân trí) - Tuần qua, thông tin thị trường xe hơi rất đáng chú ý khi Bộ Tài chính cho biết đang đề xuất ưu đãi thuế nhập linh kiện cho xe lắp ráp trong nước. Đây được xem là cơ hội cuối cùng để lấy lại hình ảnh và niềm tin của người tiêu dùng trước khi Việt Nam mở "bung cửa" nhập xe thời gian tới.
Thuế phí khiến giá ô tô Việt Nam bị đẩy lên cao
Giá thành ô tô ở Việt Nam cao so với các nước, cấu thành nên giá ô tô có 2 yếu tố rất quan trọng là sản xuất và thuế, phí, trong đó thuế phí chiếm tỷ lệ lớn. Vật liệu cơ bản để sản xuất ô tô tại Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu đã “đẩy” giá ô tô lên cao.
Đây là thông tin được ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - đưa ra tại buổi Họp báo thường kỳ Chính phủ mới đây. Theo ông Hải: “Giá thành ô tô ở Việt Nam đang cao so với các nước. Cấu thành nên giá ô tô có 2 yếu tố rất quan trọng là sản xuất và thuế, phí, trong đó thuế phí chiếm tỷ lệ lớn”.
Muốn có xe rẻ phải sửa đổi thuế phí
Tại Diễn đàn công nghiệp hỗ trợ 2019, rất nhiều đại diện doanh nghiệp như Toyota, Thaco đều cho biết cần sửa đổi bổ sung các chính sách về thuế phí sao cho có lợi cho thị trường, tăng khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước và hỗ trợ doanh nghiệp hỗ trợ.
Các doanh nghiệp đề xuất bãi bỏ thuế nhập khẩu linh kiện để doanh nghiệp Việt giảm giá thành sản xuất, hạ giá bán đồng thời cần loại bỏ thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe hơi, mặt hàng không còn là hàng hạn chế tiêu dùng.
Ông Phạm Văn Tài - Tổng Giám đốc cả Thaco-Trường Hải - cho rằng nên áp dụng chính sách miễn thuế nhập khẩu linh kiện ô tô để sản xuất trong nước. Vì khi thuế nhập khẩu ô tô nguyên chiếc bằng 0% từ năm 2018, nếu vẫn áp dụng chính sách thuế đối với linh kiện thì sẽ khó giảm giá thành xe sản xuất trong nước.
Đưa ô tô nhập vào diện kiểm soát
Theo Bộ Công Thương, 11 tháng đầu năm 2019, kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát tăng 15% so với cùng kỳ năm trước, trong đó có mặt hàng ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng tới 115,7%.
Bộ Công Thương cho biết kim ngạch nhập khẩu nhóm hàng cần kiểm soát tăng 15% so với cùng kỳ năm 2018, đạt 16,65 tỷ USD.
Những mặt hàng có sự tăng trưởng cao trong nhóm hàng này có thể kể tới như: Ô tô nguyên chiếc dưới 9 chỗ tăng tới 115,7%, xe máy và linh kiện, phụ tùng xe gắn máy tăng 27,7%, linh kiện phụ tùng ô tô tăng 15,3%... so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu là do nhập khẩu phục vụ nhu cầu cuối năm.
Vì sao Indonesia sản xuất được xe 200 triệu đồng, Việt Nam thì không?
Những chiếc ô tô Indonesia, Thái Lan đã tràn ngập thị trường Việt Nam, áp đảo xe sản xuất trong nước nhờ giá rẻ hơn.
Theo nhiều doanh nghiệp xe hơi, nguyên nhân do chính sách thuế, phí tại Việt Nam quá nhiều và quá cao. Chẳng hạn, tại Indonesia, ô tô chịu thuế hàng xa xỉ tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt của Việt Nam. Loại thuế này tại Indonesia tính theo dung tích động cơ ô tô, thường dao động 30%-75%.
Xe dưới 500 triệu đồng ồ ạt vào Việt Nam
Theo con số thống kê của hải quan, tính đến hết tháng 11/2019, cả nước đã nhập hơn 135.000 chiếc xe các loại, có mức giá dưới 500 triệu đồng , tăng hơn 101% về lượng và 93% về giá trị so với cùng kỳ năm trước.
Hiện, các dòng xe giá bình dân ngoại nhập rất được chào đón ở Việt Nam như Toyota có Wigo, Avanza, Honda có HRV, Brio, Mitsubishi có Xpander, Mirage, Attrage… cũng đều có doanh số không tệ ở Việt Nam, thậm chí nhiều mẫu trở thành “hiện tượng” ở thị trường xe hơi Việt. Điều này cho thấy, nhu cầu về xe giá bình dân, phù hợp với sức mua của người Việt đang có dư địa rất lớn.
Bỏ thuế linh kiện, "cơ hội vàng" cho xe Việt giá rẻ?
Bỏ thuế nhập khẩu xe nguyên chiếc, và sắp tới là bỏ thuế nhập khẩu linh kiện hoặc thuế tiêu thụ đặc biệt đối với linh kiện xe hơi trong nước sản xuất hoặc linh kiện nhập khẩu… là những phương án đã, đang được tính đến để giá xe Việt rẻ hơn trong thời gian tới.
Nếu các chính sách ưu đãi được thực hiện, ngành ô tô Việt Nam sẽ tiếp tục có ưu đãi lớn, trọng tâm. Tuy nhiên, để ưu đãi này khiến giá xe thực sự rẻ, phù hợp với túi tiền người Việt, Bộ Tài chính rất cần ưu đãi tập trung vào từng nhóm doanh nghiệp; ưu đãi đi kèm với điều kiện sản lượng, giá dòng xe chiến lược theo lộ trình và cam kết tỷ lệ nội địa hoá…
Đây có lẽ là các cơ sở để đảm bảo cho việc ưu đãi chính sách giúp cả Nhà nước, doanh nghiệp và người tiêu dùng cuối cùng (người dân) được hưởng lợi.
Xe cũ ồ ạt giảm giá vì sợ “gánh thêm tuổi”
Càng về cuối năm, các loại xe hơi cũ đều được các đại lý giảm giá mạnh để đẩy hàng . Nhiều đại lý cho biết, họ không đặt mục tiêu giá cao mà quan trọng là giảm giá để đẩy xe đi, tránh việc năm sau xe phải "gánh" thêm tuổi, càng mất giá.
Rất nhiều mẫu xe như phân khúc B, A có tuổi đời chỉ gần 10 năm trở lại đây đã và đang xuống giá dưới 400 triệu đồng như KIa Caren đời 2013 có giá 343 triệu đồng; Toyota Vios đời 2015 có giá 382 triệu đồng, Toyota Innova đời 2008 có giá 280 triệu đồng…
An Linh
(Tổng hợp)