Vì sao Indonesia làm được ô tô 200 triệu đồng, Việt Nam thì không?

Những chiếc ô tô Indonesia, Thái Lan đã tràn ngập thị trường Việt Nam, áp đảo xe sản xuất trong nước  nhờ giá rẻ hơn.

Những tháng cuối năm, lượng ô tô nhập khẩu vẫn tràn vào Việt Nam (VN), chủ yếu là xe từ Thái Lan và Indonesia. Xe nhập giá rẻ lại được hưởng thuế suất nhập khẩu 0% thực sự đang tạo áp lực cho các nhà sản xuất ô tô trong nước.

Giá xe Indonesia chỉ hơn 200 triệu đồng

Giới kinh doanh ô tô cho biết hiện nay mẫu xe cỡ nhỏ Toyota Wigo giá bán tại Indonesia chỉ tương đương 208-240 triệu đồng/chiếc, trong khi bán tại nước ta 345-405 triệu đồng tùy phiên bản. Tương tự, mẫu Honda Brio nhập nguyên chiếc từ Indonesia giá tương đương 226-308 triệu đồng/chiếc tùy phiên bản. Nhưng khi mẫu xe này về VN bán giá khá cao, 418-454 triệu đồng tùy phiên bản.

Anh Tuấn, chủ một đại lý ô tô ở TP.HCM, cho biết thêm: Một chiếc xe có dung tích 1,5-2 lít tại Thái Lan được bán với giá khoảng 400-450 triệu đồng. Nhưng cùng dung tích này bán tại VN 700-900 triệu đồng, nghĩa là cao hơn gấp đôi.

Vậy vì sao giá ô tô Indonesia, Thái Lan rẻ? Ông Bùi Xuân Trường, đại diện Công ty Ô tô Trường Thành, cho rằng nguyên nhân do chính sách thuế, phí tại VN quá nhiều và quá cao. Chẳng hạn, tại Indonesia, ô tô chịu thuế hàng xa xỉ tương tự như thuế tiêu thụ đặc biệt của VN. Loại thuế này tại Indonesia tính theo dung tích động cơ ô tô, thường dao động 30%-75%.

Nhưng nếu có tỉ lệ nội địa hóa cao trên 60% thì Indonesia giảm mức thuế này chỉ còn 10% trở xuống. Trong khi đó tại VN, thuế tiêu thụ đặc biệt áp dụng với dòng xe ở mức thấp nhất cũng 35%, nghĩa là cao hơn rất nhiều so với Indonesia.

Ngoài ra, từ lâu thuế nhập khẩu của đất nước này ở mức 40% dành cho xe nguyên chiếc, 10% cho xe lắp từ bộ linh kiện hoàn chỉnh và 7,5%-8% cho xe lắp từ bộ linh kiện không hoàn chỉnh. Trong khi đó, thuế nhập khẩu ở VN áp mức 68%-78% cho xe nguyên chiếc, trung bình 20% cho bộ linh kiện hoàn chỉnh. Vì vậy, tính một mẫu xe nếu cùng có những cơ chế nhập khẩu linh kiện, sản xuất như nhau… thì giá xe ở VN đã đắt gấp 1,5-1,7 lần so với giá tại Indonesia.

“Thêm vào đó, ngành công nghiệp hỗ trợ tại nước ta yếu. Ngoài ra, thị trường ô tô Indonesia hay Thái Lan đều trên 1 triệu xe/năm, VN chỉ hơn 200.000 xe. Như vậy, các nhà máy ô tô Indonesia sẽ sản xuất lượng xe lớn, chi phí sản xuất sẽ thấp hơn nhiều so với VN, giá rẻ hơn” - ông Trường nói thêm.

Đồng quan điểm, chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng chỉ ra ô tô sản xuất và lắp ráp tại nước ta khó rẻ được vì phải gánh quá nhiều loại thuế lẫn phí. Trong đó có ba loại thuế chính đánh vào giá xe là thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế giá trị gia tăng.

Vì sao Indonesia làm được ô tô 200 triệu đồng, Việt Nam thì không? - 1

Nhiều ý kiến cho rằng các cơ quan  chức năng cần phải sửa đổi chính sách thuế cho phù hợp nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô có thể cạnh tranh được. Ảnh: Q.HUY

Tiếp đó mỗi chiếc xe phải gánh hàng loạt loại phí. Điển hình như phí trước bạ 10%- 12%, phí cấp mới giấy đăng ký kèm biển số, phí đăng kiểm ô tô, phí cấp giấy chứng nhận đảm bảo an toàn kỹ thuật, phí bảo trì đường bộ, phí thử nghiệm khí thải, phí dán nhãn năng lượng... “Đây là những lý do khiến ô tô tại VN cao, không thể cạnh tranh lại ô tô các nước” - ông Đồng nhấn mạnh.

Tại cuộc họp báo Chính phủ diễn ra mới đây, Thứ trưởng Bộ Công Thương Đỗ Thắng Hải thừa nhận: “Đúng là giá thành ô tô ở VN hiện nay đang cao hơn so với các nước khác, kể cả những nước đang phát triển cũng như những nước xung quanh”. Ông Hải cũng cho rằng chính sách thuế đang ưu đãi hơn cho xe nguyên chiếc nhập khẩu so với linh kiện nhập khẩu. Chính sách này chưa thực sự tạo thuận lợi, khuyến khích cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô tại VN. Vì vậy, bộ đang phối hợp với các đơn vị liên quan để đề xuất sửa đổi và bổ sung một số quy định liên quan đến thuế, phí.

Chậm ngày nào thiệt hại ngày đó

Liên quan đến chính sách thuế đối với ô tô, Thứ trưởng Bộ Tài chính Vũ Thị Mai cho biết từ ngày 1-1-2018, thuế nhập khẩu ô tô từ các nước ASEAN về mức 0%. Chính vì vậy, việc cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước với ô tô nhập khẩu hết sức gay gắt.

Vì vậy, Bộ Tài chính dự kiến trong tháng 12 này sẽ trình Chính phủ Nghị định sửa đổi, bổ sung Nghị định 125/207 theo hướng tạo thuận lợi hơn với ô tô. Ví dụ, có chính sách hợp lý để phát triển ngành công nghiệp hỗ trợ, đặc biệt là ngành công nghiệp hỗ trợ đối với ô tô. “Chúng tôi dự kiến trong dự thảo nghị định này sẽ áp thuế suất 0% đối với nguyên liệu, vật tư để sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô” - bà Mai cho hay.

Nhiều chuyên gia và doanh nghiệp cho rằng đây là giải pháp cần thiết nên cần làm ngay, vì cứ để ngày nào thì nhà kinh doanh trong nước lẫn người tiêu dùng thiệt thòi ngày đó. Mặt khác, để có xe giá rẻ thì không chỉ mỗi yếu tố miễn giảm thuế, phí mà còn phải hỗ trợ ngành công nghiệp phụ trợ phát triển.

Chuyên gia ô tô Nguyễn Minh Đồng cho rằng khi các ngành phụ trợ phát triển, sản xuất được các linh kiện, phụ tùng chất lượng trong nước sẽ giảm được chi phí nhập khẩu và quan trọng nhất là tăng được tỉ lệ nội địa hóa. “Nếu VN chăm chăm miễn giảm thuế mà quên điều kiện đi kèm là tỉ lệ nội địa hóa thì rất có thể chỉ có lợi cho các doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài. Ví dụ, muốn được hưởng thuế tiêu thụ đặc biệt dưới 10% thì xe đó phải có tỉ lệ nội địa hóa trên 50% và tỉ lệ nội địa hóa đó được tạo ra từ những doanh nghiệp 100% VN” - ông Đồng gợi ý.

Dù lỗ vẫn nuôi giấc mơ ô tô Việt

Mới đây, bà Nguyễn Thị Vân Anh, Phó Tổng giám đốc VinFast, công bố giá thành sản xuất cho thấy: Để sở hữu một chiếc xe nội địa, người tiêu dùng vẫn phải gánh rất nhiều khoản thuế, phí đi kèm. Ví dụ, chiếc xe VinFast Lux A2.0 bản tiêu chuẩn ở thời điểm hiện tại là 980,6 triệu đồng. Trong đó, 783,7 triệu đồng là giá thành sản xuất, bao gồm các chi phí nguyên vật liệu, vận chuyển, thuế nhập khẩu, sản xuất, bảo hành, lưu kho, bán hàng, quản lý…

Phần tiếp theo là 412,1 triệu đồng tiền thuế nộp cho Nhà nước. Khoản này bao gồm 40% thuế tiêu thụ đặc biệt (285,5 triệu đồng) và 10% thuế VAT (126,6 triệu đồng).

“Với 412,1 triệu đồng tiền thuế phải gánh, giá bán chiếc Lux A2.0 lên mức 1,392 tỉ đồng. Và đây là mức hoàn toàn chưa tính chi phí khấu hao, chi phí tài chính và chi phí đầu tư, cũng như chưa hề có đồng lợi nhuận nào khi áp dụng chính sách ba không” - bà Vân Anh chia sẻ.

Phó tổng giám đốc VinFast cho biết hãng đang bán ra cho khách hàng chỉ 1,099 tỉ đồng/xe vì vẫn đang áp dụng chính sách ba không, cộng ưu đãi. Như vậy, VinFast đang chấp nhận lỗ gần 300 triệu đồng/xe. “Dù chịu lỗ tới 300 triệu đồng mỗi chiếc xe bán ra, VinFast vẫn tiếp tục theo đuổi khát vọng xây dựng một thương hiệu ô tô VN nổi tiếng thế giới” - bà Vân Anh nói. 

Theo Quang Huy

Pháp luật TPHCM

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm