1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Xác định thủ phạm “thổi” giá ô tô tại Việt Nam lên cao

(Dân trí) - Giá thành ô tô ở Việt Nam cao so với các nước. Cấu thành nên giá ô tô có 2 yếu tố rất quan trọng là sản xuất và thuế, phí, trong đó thuế phí chiếm tỷ lệ lớn. Vật liệu cơ bản để sản xuất ô tô tại Việt Nam chủ yếu phải nhập khẩu đã “đẩy” giá ô tô lên cao.

Thông tin trên được ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương - đưa ra tại cuộc họp báo thường kỳ Chính phủ, chiều 2/12. Ông cho biết với bất kỳ quốc gia nào, nhất là đất nước có 100 triệu dân như Việt Nam thì ngành công nghiệp ô tô rất quan trọng.

“Chúng ta phải thừa nhận thực tế là giá thành ô tô ở Việt Nam đang cao so với các nước. Cấu thành nên giá ô tô có 2 yếu tố rất quan trọng là sản xuất và thuế, phí, trong đó thuế phí chiếm tỷ lệ lớn.” - ông Hải nói và cho biết có nhiều nguyên nhân dẫn tới thực trạng này.

Xác định thủ phạm “thổi” giá ô tô tại Việt Nam lên cao - 1

Ông Đỗ Thắng Hải - Thứ trưởng Bộ Công Thương (ảnh: Nhật Bắc)

Theo Thứ trưởng Bộ Công Thương, giá sản xuất lắp ráp ở trong nước cao so với các quốc gia khác do dung lượng thị trường của Việt Nam còn nhỏ, ngành công nghiệp ô tô của Việt Nam chưa đủ các điều kiện về thị trường cũng như các yếu tố khác để phát triển như các nước trong khu vực và trên thế giới, trong khi Việt Nam lại phải chịu sự cạnh tranh rất mạnh của các đối thủ từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Ấn Độ và cả trong khu vực ASEAN.

“Việt Nam phát triển sau các nước nhưng chúng ta đã hội nhập rất sâu rộng vào nền kinh tế thế giới và đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do, đã ký kết thì cũng phải thực hiện các cam kết trong hiệp định. Do đó, dư địa để can thiệp bằng chính sách vào phát triển các ngành công nghiệp, trong đó có công nghiệp ô tô thì phải tuân thủ các cam kết quốc tế, không phải muốn làm gì thì làm.” - ông Hải cho hay.

Cũng theo ông Hải, hiện Việt Nam chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ khu vực và thế giới trong lĩnh vực công nghiệp ô tô, chúng ta chỉ có thể tính trên đầu ngón tay một số doanh nghiệp nhưng cần thời gian để phát triển. “Chúng ta không có đầu tàu. Đầu tàu không có thì rất khó để kéo các toa tàu đó chính là ngành sản xuất công nghiệp hỗ trợ” - ông Hải nói.

Xác định thủ phạm “thổi” giá ô tô tại Việt Nam lên cao - 2

Họp báo Chính phủ chiều 2/12 (ảnh: Nhật Bắc)

Một vấn đề khác được ông Hải đề cập là tập quán kinh doanh, doanh nghiệp nước ngoài vào Việt Nam nhưng họ sử dụng công nghiệp hỗ trợ của chính nước họ, đây là sự cản trở sản xuất trong nước, việc kết nối giữa doanh nghiệp có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và doanh nghiệp nội địa rất hạn chế.

Đặc biệt, Việt Nam đang rất thiếu vật liệu cơ bản để sản xuất ngành công nghiệp ô tô, kể cả ngành công nghiệp hỗ trợ phục vụ sản xuất ô tô như thép chế tạo, cao su, nhựa, chất dẻo... chủ yếu phải nhập khẩu, do đó thành giá sản phẩm cao và cấu thành nên giá ô tô cũng cao.

Tại cuộc họp báo, trả lời về vấn đề thuế phí đối với sản xuất ô tô, bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính - thông tin: Từ 1/1/2018, thực hiện các hiệp định về thuế quan trong các nước ASEAN thì thuế nhập khẩu ô tô về 0% do đó việc cạnh tranh giữa ô tô sản xuất trong nước và ô tô nhập khẩu là rất gay gắt. Đối với các thị trường khác, thuế nhập khẩu ô tô tùy theo từng chủng loại có mức từ 10 - 60% và thị trường cao nhất là 70%.

Xác định thủ phạm “thổi” giá ô tô tại Việt Nam lên cao - 3

Bà Vũ Thị Mai - Thứ trưởng Bộ Tài chính (ảnh: Mạnh Thắng)

Bà Mai cho biết, Bộ Tài chính đã trình Chính phủ ban hành Nghị định 125, có hiệu lực từ ngày 1/1/2018, giúp việc sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước vẫn có thể cạnh tranh được. Dự kiến trong tháng 12/2019, Bộ Tài chính sẽ trình Chính phủ Nghị định 125 sửa đổi, trong đó bổ sung nội dung quy định thuế suất 0% về nhập khẩu nguyên vật liệu để sản xuất linh kiện và phụ tùng ô tô.

Châu Như Quỳnh

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm