Bộ Tài chính lên phương án xử lý nghĩa vụ trả nợ cho Vinashin
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ Tài chính vừa giao Cục Tài chính doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá tổng thể, nghiên cứu phương án xử lý nghĩa vụ trả nợ cho SBIC (tiền thân là Vinashin), để từ đó có cơ sở trình Bộ Chính trị xem xét. Dự kiến nợ dự phòng ngân sách Nhà nước phải ứng trả thay trong 10 năm tới cho SBIC là 63.200 tỷ đồng.
Hồi đầu tháng 4, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng đã chủ trì cuộc họp giao ban đánh giá tình hình thực hiện chương trình công tác tháng 3 và quý I/2017 và giao Cục Tài chính doanh nghiệp phối hợp với các đơn vị có liên quan đánh giá tổng thể, nghiên cứu phương án xử lý nghĩa vụ trả nợ cho SBIC. Từ đó, trình Ban Cán sự Đảng Bộ xem xét, quyết định báo cáo Ban Cán sự Đảng Chính phủ trình Bộ Chính trị xem xét.
Trước đó, khi đề cập đến việc quản lý và sử dụng vốn vay ODA hiệu quả chưa cao, Ủy ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho biết, có một số dự án vay lại từ nguồn vốn vay ODA gặp khó khăn về tài chính, chuyển thành nghĩa vụ nợ trực tiếp của Chính phủ ở mức khá cao, tác động trực tiếp tới các chỉ tiêu giới hạn nợ công.
Trước khi tái cơ cấu, nợ của Vinashin cập nhật đến cuối năm 2010 lên đến 86.000 tỷ đồng (chưa tính lãi). Bao gồm: 600 triệu USD vay lại trái phiếu quốc tế của Chính phủ; nợ tín dụng trong nước (chiếm khoảng 37%); nợ của các đối tác nước ngoài và chủ tàu thông qua việc cung cấp vật tư, thiết bị và nợ phát sinh do hủy hợp đồng.
Sau khi được khoanh nợ, xóa và giảm trừ nghĩa vụ nợ thông qua việc chấm dứt hoạt động của Vinashin từ mô hình tập đoàn sang mô hình tổng công ty (SBIC) và đàm phán tái cơ cấu nợ với các chủ nợ cho cả 3 khoản vay nói trên. Đến năm 2013, SBIC đã giảm được 22.000 tỷ đồng nợ gốc và lãi. Trong đó, giảm 70% nghĩa vụ nợ trong nước (13.152 tỷ đồng - giai đoạn 1), giảm 52% nghĩa vụ nợ trái phiếu quốc tế (6.844 tỷ đồng) và giảm 2.000 tỷ đồng nợ của các đối tác, chủ tàu.
Trong năm 2013, Công ty Mua bán nợ và tài sản tồn đọng của doanh nghiệp (DATC - thuộc Bộ Tài chính) đã phát hành trái phiếu do Chính phủ bảo lãnh để hoán đổi trái phiếu Vinashin cho các chủ nợ. Trái phiếu mới có giá trị hơn 600 triệu USD với lãi suất 1%/năm, có kỳ hạn 12 năm và cả gốc và lãi sẽ được trả 1 lần vào năm 2025. Trong trường hợp, SBIC không trả được khoản nợ trái phiếu này thì Bộ Tài chính sẽ ứng tiền trả thay, khi SBIC có nguồn sẽ trả sau.
Năm 2016, tại một báo cáo của Ủy ban Tài chính ngân sách với Quốc hội, cơ quan này dự kiến nợ dự phòng ngân sách Nhà nước phải ứng trả thay trong 10 năm tới cho SBIC là 63.200 tỷ đồng.
Tại cuộc họp báo của Bộ Tài chính hồi tháng 3 vừa rồi, ông Nguyễn Hoàng Hải - Phó Cục trưởng Cục Quản lý nợ và tài chính đối ngoại (Bộ Tài chính) cho biết, nghĩa vụ nợ dự phòng của SBIC không chỉ bao gồm nợ được Chính phủ bảo lãnh, mà gồm cả nợ Chính phủ vay về cho vay lại với Vinashin.
Trong phiên làm việc sáng 20/3 khi cho ý kiến về dự án Luật quản lý nợ công (sửa đổi), Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa - Thanh thiếu niên và Nhi đồng Phan Thanh Bình đã đặt vấn đề, trong trường hợp Vinashin/SBIC phá sản thì khoản nợ vay ai sẽ phải trả, Chính phủ chịu trách nhiệm như thế nào?
Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng giải thích, khoản Chính phủ vay về cho doanh nghiệp Nhà nước vay lại thì đã tính trong nợ công, còn những khoản nợ khác của doanh nghiệp Nhà nước thì "doanh nghiệp tự vay, tự trả".
"Nếu cho Vinashin cho phá sản thì Chính phủ chỉ chịu phần Chính phủ bảo lãnh thôi. Còn các khoản vay khác không thể làm được, không chuyển nợ doanh nghiệp thành nợ Nhà nước".
Trong năm 2016, mặc dù hàng loạt hãng tàu lớn trên thế giới rơi vào tình trạng phá sản, giải thể, nhiều doanh nghiệp vận tải biển Việt Nam dừng hoạt động, tuy nhiên, theo báo cáo của SBIC, tổng công ty này vẫn lãi 150,2 tỷ đồng, đã thanh toán được tiền bảo hiểm, không nợ lương, thu nhập bình quân đạt 7,6 triệu đồng/người/tháng.
Tại cuộc họp vừa qua, Bộ trưởng Đinh Tiến Dũng cũng đã giao Cục Tài chính doanh nghiệp tiếp tục đốn đốc, kiểm tra tình hình thực hiện sắp xếp, cổ phần hóa các doanh nghiệp thuộc các bộ, ngành, địa phương thực hiện đúng kế hoạch đã được các cấp có thẩm quyền phê duyệt.
Trong đó lãnh đạo ngành tài chính lưu ý, cần đánh giá kỹ tình hình cổ phần hóa, thoái vốn của các doanh nghiệp sản xuất rượu, bia, nước giải khát và thực trạng chậm chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước về Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) theo quy định.
Trong tháng 3, tổng thu NSNN ước đạt 92.170 tỷ đồng, lũy kế 3 tháng đầu năm 2017 đạt 280.900 tỷ đồng, bằng 23,2% dự toán, tăng 15,2% so với cùng kỳ 2016. Trong khi đó, tổng chi tháng 3 là 110.200 tỷ đồng, lũy kế 3 tháng đạt 284.960 tỷ đồng, bằng 20,5% dự toán, tăng 7,8% so với cùng kỳ.
Bích Diệp