1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bộ ngành tiếp khách VIP: Ở khách sạn 5,5 triệu đồng/ngày, ăn 1,2 triệu đồng/ngày

Bộ Tài chính đang lấy ý kiến dự thảo Thông tư Quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam, chế độ hội nghị, hội thảo quốc tế tại Việt Nam và chế độ tiếp khách trong nước. Thông tư này quy định chế độ tiếp khách nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và tiếp khách trong nước.

Theo đó, về thuê chỗ ở cho các khách nước ngoài làm việc, dự thảo quy định: Với khách hạng đặc biệt, tiêu chuẩn thuê phòng ở khách sạn do thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ đón tiếp phê duyệt.

Còn với Trưởng đoàn là khách hạng A, thì mức tối đa thuê phòng khách sạn là 5,5 triệu đồng/người/ngày. Còn lại là Phó đoàn và đoàn viên thì từ 3,5-4,5 triệu đồng/ngày. Với đoàn khách hạng A, tiền ăn tối đa là 1,2 triệu đồng/ngày/người.


Hàng năm Việt Nam đón nhiều đoàn khách quốc tế đến làm việc.

Hàng năm Việt Nam đón nhiều đoàn khách quốc tế đến làm việc.

Với đoàn là khách hạng B, thì Trưởng đoàn, Phó đoàn được thu xếp ở phòng có mức giá tối đa 4,5 triệu đồng/người/ngày, còn đoàn viên được thuê phòng mức tối đa 2,8 triệu đồng/người/ngày. Tiền ăn cho các đoàn khách hạng B là tối đa 900 nghìn đồng/ngày/người.

Với đoàn khách hạng C thì trưởng đoàn được thu xếp ở phòng có mức giá tối đa 2,8 triệu đồng/người/ngày; các thành viên trong đoàn khác là 2 triệu đồng/người/ngày. Tiền ăn dành cho các đoàn khách hạng C là 700 nghìn đồng/người/ngày.

Trường hợp do yêu cầu đối ngoại đặc biệt cần thuê phòng theo tiêu chuẩn cao hơn mức quy định tối đa nêu trên, thì thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì tiếp khách quyết định mức chi thuê phòng trên tinh thần tiết kiệm và phải tự sắp xếp trong phạm vi dự toán ngân sách được cấp có thẩm quyền giao để thực hiện.

Mức chi ăn hàng ngày nêu trên bao gồm cả tiền đồ uống (rượu, bia, nước uống sản xuất tại Việt Nam).

Dự thảo cũng đưa ra quy định về chiêu đãi các đoàn. Cụ thể, với khách hạng đặc biệt, Thủ trưởng cơ quan được giao nhiệm vụ đón tiếp phê duyệt trong chương trình, đề án đón đoàn.

Đối với khách hạng A, hạng B, hạng C, mỗi đoàn khách được tổ chức chiêu đãi một lần. Mức chi chiêu đãi khách tối đa không vượt quá mức tiền ăn một ngày của khách theo quy định tại thông tư này.

Mức chi chiêu đãi trên bao gồm cả tiền đồ uống (rượu, bia, nước uống sản xuất tại Việt Nam) và được áp dụng cho cả đại biểu và phiên dịch phía Việt Nam tham gia tiếp khách (danh sách đại biểu phía Việt Nam được căn cứ theo chương trình, đề án đón đoàn được cấp có thẩm quyền phê duyệt).

Ngoài ra, dự thảo cũng yêu cầu quà tặng cho các đoàn khách nước ngoài là sản phẩm do Việt Nam sản xuất và thể hiện bản sắc văn hoá dân tộc. Mức chi từ 400.000-1,3 triệu đồng/người.

Đối với khách trong nước, mức chi mời cơm là 300.000 đồng/suất và giải khát là 30.000 đồng/buổi (nửa ngày)/người.

Đối tượng được mời cơm là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc TƯ, căn cứ tình hình thực tế và khả năng ngân sách địa phương quy định cụ thể đối tượng khách được mời; mức chi mời cơm; mức chi giải khát (cao hơn hoặc thấp hơn quy định tại Thông tư này) đối với từng loại hình cơ quan thuộc tỉnh, trình Hội đồng nhân dân tỉnh trước khi ban hành. Tương tự, Bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm; mức chi mời cơm; mức chi giải khát cho phù hợp với đặc điểm hoạt động của các cơ quan trực thuộc Bộ, ngành đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Trường hợp các Bộ, ngành, địa phương chưa ban hành văn bản quy định cụ thể thì thủ trưởng cơ quan căn cứ khung mức chi quy định tại Thông tư này quy định cụ thể đối tượng khách được mời cơm, mức chi mời cơm cho phù hợp. Các cơ quan chỉ được sử dụng từ nguồn kinh phí được giao thực hiện chế độ tự chủ và các nguồn thu hợp pháp khác để chi mời cơm khách và phải được quy định trong quy chế chi tiêu nội bộ của cơ quan, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.

Theo L. Bằng
VietnamNet

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm