1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ
  3. Tư vấn tài chính cá nhân

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghiên cứu kéo dài chính sách hỗ trợ sang năm 2021

Nguyễn Tuyền

(Dân trí) - Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021.

Quan điểm của người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư tại buổi thảo luận về các giải pháp tiếp tục tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, bảo đảm ổn định xã hội trong tình hình dịch covid-19 quay trở lại Việt Nam vừa được tổ chức tại Hà Nôi mới đây.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nghiên cứu kéo dài chính sách hỗ trợ sang năm 2021 - 1

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng gợi mở việc 

Theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, các chính sách cần gia hạn nếu tình hình dịch bệnh diễn biến khó lường, phức tạp là thuế VAT, thuế thu nhập doanh nghiệp, thuế thu nhập cá nhân hộ gia đình, tiền thuê đất...

Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, hiện các biện pháp gia hạn các chính sách đã và đang thực hiện được đề xuất kéo dài đến hết tháng 12 năm 2020. Tuy nhiên, nếu tình hình dịch tiếp tục phức tạp, có thể nghiên cứu báo cáo cấp có thẩm quyền cho phép kéo dài một số chính sách sang năm 2021.

Ngoài ra, các chính sách về cơ cấu lại nợ, nhóm nợ, miễn, giãn, hoãn nợ cho khách hàng là doanh nghiệp, đối tượng chịu ảnh hưởng của dịch covid-19 cũng được gia hạn.

"Cần kéo dài thời gian hỗ trợ đối với các khách hàng phát sinh nghĩa vụ trả nợ gốc hoặc lãi trong thời gian năm 2020, đồng thời sửa đổi chính sách để giúp doanh nghiệp khó khăn dễ tiếp cận tính dụng, vốn hơn", ông Dũng nói.

Người đứng đầu ngành Kế hoạch và Đầu tư cũng đề xuất điều chỉnh chính sách tài khoá mạnh hơn để kích thích sản xuất và tiêu dùng.

Đặc biệt, theo ông Dũng, cần có phiếu chiết khấu, phiếu mua hàng cho doanh nghiệp và người dân. Chính phủ sẵn sàng hỗ trợ mua hàng phân phối cho người dân khu vực chịu ảnh hưởng bởi giãn các xã hội, hộ nghèo, cận nghèo và đối tượng chính sách.

Về tác động của dịch covid-19 lên đời sống kinh tế, xã hội, theo báo cáo nhanh của Bộ Kế hoạch và Đầu tư, dịch covid-19 đã tác động tiêu cực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến hầu hết các ngành, lĩnh vực kinh tế, xã hội, đặc biệt ảnh hưởng tới các ngành hàng không, du lịch, dịch vụ lưu trú, ăn uống.

Nhiều doanh nghiệp chịu ảnh hưởng bởi dịch bệnh đã phải phá sản, giải thể, tạm dừng hoạt động, thu hẹp quy mô, trong khi thu nhập, lao động,việc làm bị ảnh hưởng nghiêm trọng, tình trạng thất nghiệp, thiếu việc làm tăng nhanh.

Thống kê mới nhất từ Tổng cục Thống kê cho thấy, 7 tháng đầu năm số doanh nghiệp tạm dừng hoạt động tăng hơn 40%, tỷ lệ thất nghiệp cao nhất trong 10 năm trở lại đây và Việt Nam có tới 17,6 triệu người bị giảm thu nhập do dịch bệnh covid-19.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, những ảnh hưởng của dịch bệnh toàn diện và kéo theo các hệ lụy về mặt xã hội, đặt ra thách thức, đòi hỏi các cơ quan cần sớm có giải pháp đồng bộ.

Người đứng đầu Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, trước mắt, các cơ quan chức năng cần quan tâm hỗ trợ các doanh nghiệp quy mô nhỏ và vừa, sử dụng nhiều lao động duy trì sản xuất, kinh doanh và khuyến khích quay trở lại hoạt động, tránh việc cắt giảm hơn nữa số lao động đang làm việc.

Đối với doanh nghiệp lớn, cần hỗ trợ tích cực hơn bởi dịch bệnh đang khiến nhiều doanh nghiệp thiếu hụt dòng tiền do chi phí cố định và chi phí duy trì hoạt động lớn trong khi doanh thu bị sụt giảm nghiêm trọng.

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm