Dịch Covid-19, dân buôn khẩu trang “dỏm” hoạt động rầm rộ

(Dân trí) - Cơ quan chức năng liên tục phát hiện những vụ sản xuất, buôn bán khẩu trang kém chất lượng. Trong khi đó, nhiều người dân vẫn còn “mơ hồ” về khẩu trang “xịn” và “dỏm”.

Khẩu trang "dỏm" hoành hành trong mùa dịch

Cục Quản lý thị trường (QLTT) TPHCM vừa cho biết, Đội QLTT số 1 trực thuộc đơn vị này đã kiểm tra đột xuất điểm kinh doanh do ông Lê Hồng Anh làm chủ tại xã Tân Xuân, huyện Hóc Môn.

Tại đây, lực lượng QLTT đã phát hiện hơn 406.000 chiếc khẩu trang vải không dệt các loại. Hàng trăm ngàn chiếc khẩu trang không có nhãn hiệu, không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng này và áp dụng tình tiết tăng nặng để xử lý. Bởi, trước đó, ông Lê Hồng Anh từng bị xử phạt hành chính ngày 7/8 với hành vi không đăng ký thành lập hộ kinh doanh và kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ.

Dịch Covid-19, dân buôn khẩu trang “dỏm” hoạt động rầm rộ - 1

Lực lượng quản lý thị trường liên tục phát hiện nhiều vụ sản xuất, kinh doanh khẩu trang "dỏm". Ảnh: Đại Việt

Vào ngày 10/8, Công an quận 4 (TPHCM) cũng phát hiện bà Nguyễn Thị Oanh vận chuyển 150 thùng khẩu trang y tế (khoảng 375.000 cái) không rõ nguồn gốc, không có hóa đơn chứng từ.

Số hàng này đang được bà Oanh vận chuyển vào kho hàng của Công ty TNHH Thiết bị Y tế Thành Đạt nằm trên đường Trương Đình Hợi (phường 18, quận 4) thì bị phát hiện

Kiểm tra bên trong kho hàng của Công ty Thành Đạt, lực lượng chức năng còn tìm thấy hơn 513.000 chiếc khẩu trang y tế và vỏ hộp khẩu trang mang nhãn mác của các thương hiệu khẩu trang lớn.

Chủ kho hàng nói trên là Lý Thành Quân (38 tuổi, Giám đốc Công ty Thành Đạt). Ông Quân không xuất trình được hợp đồng, hóa đơn chứng từ chứng minh nguồn gốc xuất xứ của lô khẩu trang trên.

Dịch Covid-19, dân buôn khẩu trang “dỏm” hoạt động rầm rộ - 2

Khẩu trang nhái bị phát hiện. Ảnh: Đại Việt

Trước đó, vào ngày 30/7, Cục Nghiệp vụ QLTT, Tổ công tác về Thương mại điện tử (Tổng cục Quản lý thị trường) đã phối hợp với Cục QLTT TPHCM đã kiểm tra đột xuất tại xưởng sản xuất của Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại thiết bị Nam Anh (phường Tân Tạo A, quận Bình Tân).

Tại đây, lực lượng chức năng đã phát hiện hơn 150.000 chiếc khẩu trang có dấu hiệu giả mạo nhãn hiệu 3M company. Số khẩu trang này chuẩn bị được đưa ra thị trường tiêu thụ thì bị phát hiện.

Trao đổi với PV Dân trí, ông Nguyễn Kỳ Minh, Phó Chánh văn phòng Tổng cục Quản lý thị trường chia sẻ, trong thời điểm dịch Covid-19 đang quay trở lại Việt Nam thì việc người dân có thể sử dụng phải các loại khẩu trang giả, không đảm bảo về chất lượng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng trong việc phòng, tránh dịch bệnh.

Lực lượng QLTT sẽ kiểm tra chặt chẽ các địa điểm sản xuất, kinh doanh khẩu trang trên cả nước và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo thống kê của Tổng cục QLTT, trong ngày 13/8, lực lượng QLTT trên cả nước đã kiểm tra và xử lý 15 cơ sở kinh doanh trang thiết bị y tế, qua đó xử phạt hành chính 41,65 triệu đồng.

Từ ngày 31/1 đến 13/8, lực lượng QLTT đã phát hiện, kiểm tra 9.395 vụ việc vi phạm với tổng số tiền xử phạt lên tới 5,27 tỷ đồng.

Dịch Covid-19, dân buôn khẩu trang “dỏm” hoạt động rầm rộ - 3

Thế nhưng, dân buôn khẩu trang “dỏm” vẫn hoạt động rầm rộ tại TPHCM trong mùa dịch.

Tại TPHCM, giá khẩu trang đã “hạ nhiệt” so với cách đây vài tuần. Nhiều điểm kinh doanh khẩu trang tại quận 3, quận 5 và quận 10 đang bán khẩu trang y tế 4 lớp với giá chỉ từ 70.000 – 80.000 đồng/hộp 50 cái. Thùng 50 hộp có giá sỉ từ 1,9 – 2,2 triệu đồng.

Trong khi đó, vào thời điểm cuối tháng 7, giá khẩu trang y tế tại TPHCM tăng “đột biến” ở mức 140.000 – 180.000 đồng/hộp 50 cái. Mỗi thùng khẩu trang 50 hộp có giá sỉ lên đến 6,5 triệu đồng.

Dịch Covid-19, dân buôn khẩu trang “dỏm” hoạt động rầm rộ - 4

Khẩu trang y tế 4 lớp là loại khẩu trang được nhiều người dân ưa chuộng.

Dù giá khẩu trang đã giảm mạnh so với trước, tuy nhiên, người tiêu dùng rất khó phân biệt được đâu là khẩu trang đạt chuẩn, đâu là khẩu trang “dỏm”.

Bà Nguyễn Thùy Giang, người kinh doanh khẩu trang lâu năm tại quận 10 cho biết, khẩu trang y tế 4 lớp vẫn là loại khẩu trang được người dân ưa chuộng nhất hiện nay. Tuy nhiên, không phải ai cũng phân biệt được khẩu trang đạt chất lượng và khẩu trang “dỏm”.

Theo bà Giang, khẩu trang đạt chuẩn sẽ không thấm nước khi ngâm vào nước, còn loại dỏm sẽ bị ướt và thấm nước ngay.

“Mọi người có thể kiểm tra bằng cách xé chiếc khẩu trang y tế đã ngâm trong nước ra. Nếu khẩu trang thật, lớp giấy bên trong sẽ còn nguyên vẹn, còn khẩu trang dỏm thì lớp giấy sẽ bị rã ra”, bà Giang nói

Dịch Covid-19, dân buôn khẩu trang “dỏm” hoạt động rầm rộ - 5

Lớp giấy bên trong khẩu trang thật sẽ còn nguyên và không bị rã ra khi ngâm nước.

Cũng theo bà Giang, khi mua khẩu trang về, người dân có thể thử rạch lớp ngoài cùng của khẩu trang rồi cầm lớp ở giữa kéo thật mạnh. Nếu khẩu trang thật thì kéo mạnh cũng không bị rách vì độ dai của chúng làm bằng vải hoặc giấy kháng khuẩn. Còn trường hợp lớp ở giữa bị rách thì đó là khẩu trang nhái, được làm từ giấy vệ sinh hoặc giấy kém chất lượng.

“Để tránh mua phải khẩu trang kém chất lượng, hàng giả thì mọi người nên mua khẩu trang tại nhà thuốc, siêu thị hoặc tạp hóa lớn để đảm bảo nguồn gốc. Khi mua, người dân nên kiểm tra kỹ những thông tin được in trên hộp đựng bao gồm nhãn hiệu, nơi sản xuất, thành phần, hạn sử dụng”, bà Giang chia sẻ.

Đại Việt