Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Du lịch có thể mất 2-5 tỷ USD do dịch corona

(Dân trí) - “Nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỷ USD”.

Đây là con số mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) đưa ra trong báo cáo gửi Chính phủ đánh giá ảnh hưởng của dịch viêm phổi cấp đối với kinh tế Việt Nam. 

Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Du lịch có thể mất 2-5 tỷ USD do dịch corona  - 1

Bộ KH&ĐT khẳng định những tác động trực tiếp của dịch viêm phổi cấp đến Việt Nam

Báo cáo của Bộ KH&ĐT nhận định: Diễn biến tình hình dịch viêm phổi cấp Covid-19 diễn ra rất nhanh, nghiêm trọng, phức tạp, khó lường và chưa dự báo được đỉnh dịch, thời điểm kết thúc, quy mô và phạm vi tác động. 

Một số ngành, lĩnh vực ảnh hưởng lớn

“Dịch đã, đang và sẽ ảnh hưởng toàn diện đến tất cả các lĩnh vực kinh tế, xã hội của nước ta; ảnh hưởng tới tâm lý người dân trong xã hội, đặc biệt là lực lượng lao động, gây thiếu hụt lao động tức thời, gián đoạn chuỗi cung ứng và lưu chuyển thương mại, sản xuất kinh doanh bị đình trệ”, Bộ KH&ĐT nêu.

Nêu ra các tác động cụ thể đến từng ngành hàng, lĩnh vực, Bộ Kế hoạch và Đầu tư nêu rõ:  Các doanh nghiệp sản xuất thép trong nước nói chung về cơ bản chịu ảnh hưởng không lớn. Tuy nhiên, một số dự án có thể sẽ gánh chịu tác động lớn như dự án sản xuất thép của Công ty TNHH Khoáng sản và Luyện kim Việt Trung (VTM)…

Đặc biệt, do ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, số lượng khách từ các quốc gia khác nhập cảnh vào nước ta cũng sẽ giảm mạnh do Việt Nam là nước có biên giới đường bộ với Trung Quốc và đã có người nhiễm virus Corona. Ước tính số lượng khách từ các quốc gia này sẽ giảm khoảng 50-60% trong giai đoạn có dịch.

Du lịch có thể mất từ 2-5 tỷ USD

“Nếu dịch kéo dài hết quý I, thiệt hại về doanh thu từ khách quốc tế năm 2020 là khoảng 2,3 tỷ USD, nếu dịch kéo dài hết quý 2, thiệt hại sẽ khoảng 5 tỷ USD”, báo cáo Bộ KH&ĐT nêu.

Về thương mại, Bộ KH&ĐT khẳng định: Kim nghạch xuất, nhập khẩu giảm. Trong trường hợp dịch kết thúc cuối quý I/2020, ước tính quý I kim ngạch xuất khẩu đạt 53,9 tỷ USD, giảm 8,3% so với cùng kỳ năm trước, trong đó kim ngạch xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc đạt 6,8 tỷ USD, giảm 9,5% so với cùng kỳ năm trước.

Kim ngạch nhập khẩu đạt 55,5 tỷ USD, giảm 3,2% so với cùng kỳ năm trước, trong đó nhập khẩu từ Trung Quốc đạt kim ngạch 14,0 tỷ USD, giảm 13,6%.

Trong trường hợp dịch kéo dài hết quý II/2020 thì ước tính quý II xuất khẩu đạt kim ngạch 58,5 tỷ USD, giảm 8,1%; kim ngạch nhập khẩu đạt 61,0 tỷ USD, giảm 3,1% so với cùng kỳ năm trước.

Báo cáo Bộ KH&ĐT phân tích về tác động của Covid-19 đến tăng trưởng GDP, theo đó, trong kịch bản khống chế được dịch trong Quý I/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 6,25% giảm 0,55 điểm %.

Trường hợp dịch được khống chế trong Quý II/2020 thì tăng trưởng của ta dự báo là 5,96% giảm 0,84 điểm % so với nghị quyết 01/NQ-CP của Chính phủ và giảm 0,29 điểm % so với kịch bản trên.

Bộ KH&ĐT khẳng định:  “Qua đợt dịch Covid-19, nền kinh tế bộc lộ rõ hơn những điểm mạnh và điểm yếu, đặc biệt là về cơ cấu kinh tế và khả năng chống chịu trước tác động lớn từ bên ngoài. Do vậy, cần phải đẩy nhanh các giải pháp tái cơ cấu nền kinh tế cả trước mắt và lâu dài”.

Bộ Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan nghiên cứu, đề xuất các phương án kích cầu nhằm bảo đảm giữ vững mục tiêu tăng trưởng. 

Cần miễn, giảm phí, vé tham quan cho du khách

Cụ thể, Bộ KH&ĐT yêu cầu Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch phối hợp với Bộ Ngoại giao, Bộ Công an khẩn trương xây dựng, triển khai thực hiện chương trình kích cầu, giảm giá du lịch để thu hút khách trở lại. 

Bộ KH&ĐT nêu rõ: “Cần xem xét khả năng miễn lệ phí, đơn giản thủ tục visa cho khách du lịch trọn gói đi theo đoàn do các công ty lữ hành quốc tế phục vụ”.

Đặc biệt, theo đề xuất của Bộ này, cần nghiên cứu giảm giá, miễn phí vé, phí tham quan từ trong thời gian diễn ra dịch và 2-3 tháng sau thời gian kiểm soát dịch để kích cầu du lịch sau khi dịch được kiểm soát.

Ngoài các biện pháp cụ thể, Bộ KH&ĐT đề nghị các bộ, ngành và địa phương khẩn trương hoàn thành thủ tục các dự án đầu tư công quy mô lớn, quan trọng…

“Cần tăng cường trách nhiệm người đứng đầu để có thể sớm khởi công, triển khai thực hiện ngay các dự án đầu tư công quan trọng quốc gia như đường bộ cao tốc Bắc - Nam, sân bay Long Thành, đường ven biển từ Quảng Ninh đến Nghệ An, các dự án giao thông và thủy lợi giữ nước ngọt tại vùng đồng bằng sông Cửu long”, báo cáo của Bộ KH&ĐT nêu.

Bên cạnh đó, Bộ KH&ĐT cũng cho rằng: "Sớm nghiên cứu, đề xuất, trình cấp có thẩm quyền quyết định việc chuyển đổi hình thức đầu tư của một số dự án hạ tầng BOT nhằm vừa đẩy mạnh kích cầu đầu tư công lành mạnh thời kỳ “hậu dịch”, không ảnh hưởng đến ổn định vĩ mô, vừa sớm có thêm các công trình hạ tầng thiết yếu, tạo tác động lan tỏa đến tăng trưởng kinh tế nhanh, bền vững”.

Nguyễn Tuyền