Tiến sĩ Cấn Văn Lực:

Dịch corona: Cần tính đến gói kích thích kinh tế phòng trường hợp xấu nhất

(Dân trí) - “Cần tính đến gói kích thích kinh tế để đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra, trong đó cần đặc biệt lưu ý về đối tượng áp dụng hỗ trợ, liều lượng và phương thức hỗ trợ”, Tiến sĩ Lực nói.

Theo chia sẻ của chuyên gia tài chính, ngân hàng, Tiến sĩ Cấn Văn Lực, dịch bệnh viêm phổi cấp do chủng mới của virus corona gây ra đã ảnh hưởng đến 8 ngành, lĩnh vực của Việt Nam, có nhiều ngành ảnh hưởng tiêu cực.

Dịch corona: Cần tính đến gói kích thích kinh tế phòng trường hợp xấu nhất - 1

Chuyên gia Tài chính, tiến sĩ Cấn Văn Lực

Những lĩnh vực có tác động nhiều nhất là dịch vụ y tế, du lịch - lữ hành - khách sạn, dịch vụ giao thông - vận tải, bán lẻ (tiêu dùng giảm), ngoại thương, đầu tư, chuỗi sản xuất - cung ứng, và dịch vụ tài chính - ngân hàng.

Ngoại thương xuất nhập khẩu là ngành thấy rõ nhất những thiệt hại bởi Trung Quốc là một trong những đối tác thương mại quan trọng nhất của Việt Nam, là thị trường nhập khẩu lớn nhất và là thị trường xuất khẩu lớn thứ hai của Việt Nam chiếm tỷ trọng khoảng 20% tổng kim ngạch. 

“Hoạt động xuất khẩu sang Trung Quốc, đặc biệt là hàng nông-lâm-thủy sản… sẽ còn khó khăn”, chuyên gia chia sẻ.

Đối với nhập khẩu, một số ngành sản xuất, xuất khẩu chủ lực của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào nguồn nguyên liệu đầu vào từ Trung Quốc, sẽ chịu tác động tiêu cực do thiếu nguyên liệu đầu vào, gián đoạn chuỗi cung ứng.

Ở kênh hút vốn, dịch cúm nCoV cũng có thể mang lại cơ hội để Việt Nam đón nhận thêm các dự án FDI mới bởi quan ngại dịch bệnh sẽ thúc đẩy các nhà đầu tư xem xét dịch chuyển dòng vốn, dự án FDI từ Trung Quốc và lãnh thổ liên quan (Hồng Kông, Macau…) sang Việt Nam. Tuy nhiên, tác động tích cực này sẽ chủ yếu xảy ra trong trung hạn.

Dịch nCoV cũng tác động đến các ngành sản xuất theo chuỗi cung ứng tại Việt Nam ở hai khía cạnh như sản xuất điện thoại, điện tử, máy tính, dệt may, da giày, sản xuất – chế biến nông sản, ô tô – xe máy, sắt – thép, lọc hóa dầu, bán lẻ… 

Vị chuyên gia này đưa ra 3 kịch bản đối với Việt Nam, trong đó có kịch bản cơ sở, tích cực và tiêu cực.  

Với kịch bản cơ sở, dịch bệnh tiếp tục diễn biến không được kiểm soát chặt, không để lây lan sang các vùng mới, nhưng số ca được phát hiện nhiễm nCoV tăng trong vùng đã có dịch hoặc có người nhiễm; các biện pháp ngăn chặn dịch được kéo dài cho tới khi thời tiết ấm lên… Các hoạt động thương mại, du lịch, đầu tư dần phục hồi từ nửa cuối quý 2/2020. Với kịch bản cơ sở này, GDP năm 2020 Việt Nam giảm khoảng 0,83 điểm %.

Kịch bản tích cực: Với kịch bản này, dịch bệnh được kiểm soát chặt chẽ, không lây lan rộng, các biện pháp quyết liệt ngăn chặn dịch bệnh sớm được gỡ bỏ và các hoạt động trở lại bình thường từ đầu quý 2/2020. Kịch bản này, GDP cả năm giảm khoảng 0,32 điểm %.

Kịch bản tiêu cực: Với kịch bản tiêu cực, dịch bệnh bùng phát, lây lan mạnh thành đại dịch toàn cầu cũng như tại Việt Nam, các biện pháp ngăn chặn dịch bệnh không có hiệu quả, dẫn đến hệ lụy rất xấu, thậm chí làm kiệt quệ ngành nông nghiệp, công nghiệp và dịch vụ nước ta. Theo kịch bản này, GDP cả năm giảm khoảng 2,71 điểm %.

Về giải pháp để hạn chế những ảnh hưởng tiêu cực đối với nền kinh tế do nCoV gây ra, ông Lực cho rằng: “Trong ngắn hạn chưa đặt vấn đề điều chỉnh các chỉ tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2020 tại thời điểm này và chưa cần thiết phải đưa ra gói kích thích kinh tế”.

Tuy nhiên, “cũng cần tính đến gói kích thích kinh tế để đề phòng trường hợp xấu nhất xảy ra, trong đó cần đặc biệt lưu ý về đối tượng áp dụng hỗ trợ, liều lượng và phương thức hỗ trợ đến các doanh nghiệp chịu tác động, đặc biệt là doanh nghiệp xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa”.

Về dài hạn, ông Lực cho rằng đã đến lúc Việt Nam cần quan tâm xác định và giải quyết những vấn đề then chốt, căn cơ và tầm nhìn chiến lược hơn.

Đơn cửa như đa dạng hóa thị trường và đối tác là cấp bách, nhằm hạn chế tối đa việc phụ thuộc quá nhiều vào một hoặc một vài thị trường hay đối tác, cũng là chiến lược phân tán rủi ro theo thông lệ.

Cần đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, trong đó tập trung nhiều hơn vào các yếu tố chất lượng, sáng tạo, bao trùm và bền vững. 

“Việt Nam cần làm chủ một số yếu tố đầu vào vừa là hạn chế nhập khẩu, vừa tăng tính chủ động trong nhiều tình huống khác nhau, vừa tạo việc làm và tăng khả năng kết nối giữa các khối doanh nghiệp”, vị chuyên gia này nói.

Ngoài ra, ông Lực cũng đề xuất các giải pháp khác như tái cơ cấu nông nghiệp một cách hiệu quả, lâu dài; Nâng cao khả năng chống chịu của nền kinh tế đối với các cú sốc từ bên ngoài nhờ nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp…

Nguyễn Tuyền