Bộ Kế hoạch: Trung Quốc xây đặc khu đến đời 4, Việt Nam không thể chậm hơn

(Dân trí) - Đây là chia sẻ của đại diện nhóm soạn thảo Luật Đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt (đặc khu kinh tế) với báo giới chiều 19/9, tại Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT).

Dân Trí xin trích đăng phỏng vấn với ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế, xung quanh Dự luật đang được dư luận quan tâm và vừa được Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nhất trí trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 4 (tháng 10/2017).

Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (ảnh Nguyễn Tuyền)
Ông Trần Duy Đông, Vụ trưởng Vụ Quản lý các khu kinh tế (ảnh Nguyễn Tuyền)

Thưa ông Đông, Luật đặc khu hiện có đề cập đến chuyện sở hữu nhà ở cho người nước ngoài, chúng ta có những hạn chế nào để chống việc nước ngoài thâu tóm đất, nhà ở để ảnh hưởng tình hình an ninh quốc phòng?

- Trong Luật ghi rõ sở hữu nhà ở cho người nước ngoài không vượt quá 30%, bên cạnh đó Trưởng đặc khu khi có quyết định cấp, giao đất cho người nước ngoài phải lấy ý kiến của Bộ Quốc phòng và Bộ Công an, chỗ nào người nước ngoài được sở hữu nhà ở.

Điều này rất rõ, minh bạch và có công bố ngay trong quy hoạch để hạn chế nước ngoài thâu tóm, ảnh hưởng an ninh quốc phòng và trật tự xã hội.

Từ năm 1993, Việt Nam đã manh nha đề xuất xây đặc khu tại Hải Phòng, đến năm 1997 - 2003 lại xới lại xây đặc khu ở Chu Lai nhưng bất thành, qua nhiều năm đến nay chúng ta quyết định thực hiện 3 đặc khu liên tiếp là: Vân Đồn, Vân Phong và Phú Quốc, liệu rằng chúng ta có bị phân hóa nguồn lực, có phát triển quá nhiều khi chưa có kinh nghiệm?

- Đối với đặc khu, Việt Nam có tư duy nhưng chúng ta làm quá chậm đến bỏ lỡ các cơ hội. Các nước đã phát triển học thuyết đặc khu kinh tế, khu kinh tế mở, khu kinh tế tự do... đem đến sự phát triển của các nền kinh tế. Chúng ta đã đi quá chậm, từ năm 2003 ra đời các phương pháp nghiên cứu, đề xuất nhưng vẫn chưa quyết được. Đây là vấn đề có yếu tố lịch sử để lại.

So với các nước trong khu vực, hiện Trung Quốc đã có các đặc khu xây dựng đến đời thứ 4 rồi (đặc khu trong đặc khu), tính lan tỏa của các đặc khu đối với nền kinh tế nước này rất lớn. Các nước Trung Đông và nhiều quốc gia khác như Hàn Quốc, Nhật hay tại ASEAN đã đều phát triển đặc khu và tận dụng nó để thúc đẩy phát triển kinh tế. Các chính sách và ngành nghề liên tục thay đổi, ngành nghề cấp phép kinh doanh cũng thường xuyên xoay tua để thoả mãn doanh nghiệp theo mô hình Luật phục vụ doanh nghiệp, phục vụ đời sống thay vì là rào cản, là pháp quy.

Ngay láng giềng của Việt Nam là Campuchia từ năm 2014 - 2015 họ thành lập 3 đặc khu. Myanmar cũng đã hiện thực hóa xây dựng đặc khu rồi. Chúng ta không thể chậm trễ hơn được nữa.

Ví dụ như tại đặc khu Jeju (Hàn Quốc), 10 năm qua nước này đã sửa các luật 6 lần để thu hút các nhà đầu tư chiến lược, họ sửa đổi bổ sung liên tiếp các ưu đãi. Với chúng ta cũng vậy, những ưu đãi mà Luật cho phép, vẫn chưa dưới trần thì vẫn có thể đàm phán với các nhà đầu tư chiến lược để có thỏa thuận kéo, hút nguồn lực phát triển.

Chủ trương của lãnh đạo cao cấp của Việt Nam là cứ làm, làm rồi sẽ ra vấn đề, còn nếu không làm sẽ không đi, không đến được. Chính phủ đặt quyết tâm rất cao là không cầu toàn, làm đi đã, nếu chúng ta không đi thì quá chậm, quá muộn rồi.

Còn về việc cạnh tranh và phân hóa nguồn lực của nhau giữa ba đặc khu nếu xét trên tổng hòa lợi thế kinh tế quốc gia?

- Ở Vân Đồn (Quảng Ninh), chúng ta có lợi thế là có thể tận dụng được thị trường hàng hóa của 3,5 tỷ dân số tính cả Việt Nam và Trung Quốc, trong khi đến Vân Đồn khách Trung Quốc chỉ có hơn 2 giờ bay. Với bán kính lái ô tô sau 2 tiếng, chúng ta có thị trường hơn 300 triệu người, bao gồm cả Quảng Tây (Trung Quốc). Còn Phú Quốc (Kiên Giang), đây là trung tâm của ASEAN, nơi có hơn 500 - 650 triệu dân số, một thị trường rộng lớn để phát triển.

Vân Phong (Khánh Hoà) có lợi thế cảng nước sâu, kinh tế biển và đường hàng hải quốc tế sẽ là động lực giúp vực lại kinh tế miền Trung và Tây nguyên. Ba điểm cân bằng, giúp tác động lan tỏa đến 3 khu kinh tế lớn cả nước.

Hiện nay Bắc Vân Phong và Vân Đồn còn khá hoang sơ, có thể cho phép các nhà đầu tư chiến lược cỡ tỷ USD để xây dựng cơ sở hạ tầng. Các đặc khu, chúng tôi đều ghi rõ trong Luật là thuê quy hoạch nước ngoài làm. Ví dụ như việc Disneyland muốn bỏ 2 tỷ USD vào Việt Nam nhưng đòi hỏi quỹ đất lớn, đất mới thì chúng ta vẫn đáp ứng được.

Chúng ta đi sau các nước hàng chục năm về đặc khu, các nước đã xây dựng đặc khu đến đời thứ 3 - 4 nay chúng ta đi sau, với ưu đãi thuế, cải cách hiện nay có thu hút được nguồn lực nước ngoài, nhà đầu tư lớn để phát triển?

- Cái khó nhất của các nhà làm luật là luật ra đời có đáp ứng được các doanh nghiệp, nhà đầu tư chiến lược hay không, câu chuyện quay lại với quả trứng có trước hay con gà có trước.

Trước khi có đặc khu, Bộ KH&ĐT đã làm việc với nhiều nhà đầu tư, họ đòi hỏi chính sách nhưng chúng ta chưa có. Cơ chế mở của đặc khu là chúng ta sẵn sàng đàm phán để chiều lòng các nhà đầu tư chiến lược. Nếu chúng ta chưa có luật, chưa xây dựng luật, khi làm việc chỉ hứa thì không thể thuyết phục được và người ta cũng không vào.

Chúng tôi không nói là xây đặc khu để các nhà đầu tư đổ xô vào ngay lúc đầu nhưng sau đó nếu họ muốn vào và có cơ chế đàm phán thì chúng ta vẫn mở cửa.

Tôi đặt giả sử, nếu chúng ta đưa 100% ưu đãi đặc khu của Việt Nam vượt qua cả Dubai thì cũng chưa chắc người ta đã vào bởi hiện nay chúng ta phải xác định điều kiện thực tế, dần dần làm từng bước.

Tại đặc khu, chúng ta cho phép giải quyết xung đột tại tòa án nước ngoài, đây là cái quá lớn, thể hiện sự minh bạch của Việt Nam. Chín điểm ưu đãi vượt trội của thuế và cơ chế của đặc khu tại Việt Nam đã hơn nhiều nước như: cho thuê đất 99 năm, chính sách thuế được đảm bảo tốt hơn, thị trường kinh doanh cũng mở hơn so với các nước trong khu vực, chính sách miễn visa cũng cho nhiều nước khác.... Quan trọng nhất là 1 cửa tại chỗ do Trưởng đặc khu quyết định.

Nhiều câu hỏi đặt ra là chúng ta có trao nhiều quyền cho Trưởng đặc khu, nhưng vấn đề trách nhiệm lại là trách nhiệm cá nhân chứ không phải tập thể. Điều này khiến sức ép phải chọn người tài, có năng lực, vậy cơ chế tuyển chọn ra sao? Tuổi đời thế nào, ai được ứng tuyển và người Việt có 2 quốc tịch có được ứng tuyển hay không?

- Trưởng đặc khu do Thủ tướng bổ nhiệm, trên cơ sở tỉnh giới thiệu. Cơ sở giám sát là các ban ngành dọc như hội đồng nhân dân tỉnh, theo Luật Hội đồng nhân dân. Các đại biểu giám sát có cả tư vấn, hội đồng gồm cả chuyên gia và các nhà khoa học.

Cơ chế tuyển chọn, trước mắt do Uỷ ban tỉnh đề xuất, Bộ Nội vụ phê duyệt, chắc chắn như vậy là công chức rồi. Nhưng tôi nói, trong luật quy định có tuyển chọn những nhà khoa học, chuyên gia vào bộ máy để thực thi và cùng giúp việc cho trưởng đặc khu. Đây là những người trực tiếp giúp Trưởng đặc khu cân nhắc các quyết sách.

Hiện nay, về các quy hoạch phát triển, Phú Quốc hiện quỹ đất đã do nhiều DN lớn nắm giữ, đặt giả sử những quy hoạch này "phạm" các quy hoạch mới, tầm nhìn chiến lược, chúng ta có sửa hay không, nếu không sửa thì lặp lại bài toán "sự đã rồi" làm méo mó quy hoạch?

- Quy hoạch cũ, hiện nay trong quy hoạch chắc chắn sẽ lấy ý kiến bộ ngành, chủ yếu tập trung ở vị trí mới, các quy hoạch cũ thì thỏa thuận và xem xét lại các cơ chế cam kết trước đó với chính quyền địa phương chứ không thể bỏ các dự án được cấp trước đó được.

Tôi khẳng định lại, hiện chỉ có Phú Quốc là có khá nhiều công trình xây dựng, còn với Vân Đồn và Vân Phong vẫn khá hoang sơ.

Xin trân trọng cảm ơn ông!

Nguyễn Tuyền
(thực hiện)