Bộ Giao thông và “siêu ủy ban” lên tiếng về sự “sống-còn” của đường sắt!
(Dân trí) - Theo Bộ GTVT, sự bế tắc của đường sắt quốc gia chưa từng có trong lịch sử, trong khi Ủy ban Quản lý vốn nhà nước lo lắng số phận của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam trước những vướng mắc về cơ chế.
Sáng nay (20/2), tại buổi làm việc giữa Tổ công tác của Thủ tướng với Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (UBQLVNN), vấn đề đi hay ở của Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và nguy cơ dừng khai thác hệ thống đường sắt quốc gia được nhắc tới nhiều lần.
Ông Vũ Anh Minh - Chủ tịch Hội đồng thành viên VNR - cho biết: Cuối tuần vừa qua VNR mới hoàn thành thủ tục về người đại diện pháp luật. Tuy nhiên, VNR đang gặp rất nhiều vướng mắc về cơ chế liên quan đến vận mệnh của VNR nhưng chưa được giải quyết. Nếu không có giải pháp thì sẽ phải dừng chạy tàu đường sắt quốc gia vào tháng 3 tới.
Về vướng mắc nói trên, Thứ trưởng Bộ Giao thông vận tải (GTVT) Nguyễn Văn Công khẳng định: “Vấn đề của VNR rất quan trọng, Bộ GTVT đã nhiều lần báo cáo lên Chính phủ. Vì vướng Luật đường sắt và Luật Ngân sách nên chúng tôi đã báo cáo và đề xuất với Quốc hội là cho phép Bộ GTVT tiếp tục giao dự toán ngân sách cho VNR đến năm 2025”.
Về việc quan xác định vị trí của VNR để xem xét có thể chuyển VNR quay trở lại Bộ GTVT, Thứ trưởng Nguyễn Văn Công cho biết quan tâm tới nhưng vướng mắc của VNR sẽ được tháo gỡ thế nào.
“VNR thuộc Bộ GTVT hay UBQLVNN đều được, chúng tôi chỉ quan tâm làm sao tháo gỡ được vướng mắc cho VNR, giải quyết những kiến nghị của VNR và đảm bảo khai thác hiệu quả hệ thống thống đường sắt quốc gia” - ông Công nói rõ.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Văn Công, Thủ tướng yêu cầu Bộ GTVT báo cáo trong tháng 3, nhưng Bộ GTVT sẽ có báo cáo nhanh hơn, có thể là ngay trong tháng 2 này để kịp thời tháo gỡ những khó khăn cho VNR.
“Chúng tôi đã báo cáo lên các cấp vấn đề của VNR nhiều lần, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa giao được vốn cho VNR để tiến hành bảo trì kết cấu hạ tầng và đảm bảo bảo an toàn tại các điểm gác chắn đường ngang, lối mở. Tình trạng khó khăn của ngành đường sắt chưa từng có trong lịch sử, liên quan trực tiếp đến an toàn khai thác, chạy tàu đường sắt quốc gia” - Thứ trưởng Bộ GTVT cho hay.
Về phía UBQLVNN, ông Nguyễn Hoàng Anh - Chủ tịch UBQLVNN - cho hay, những việc của các doanh nghiệp trước kia được Bộ GTVT triển khai như thế nào thì khi về UBQLVNN vẫn tiếp tục được thực hiện như thế.
Theo ông Nguyễn Hoàng Anh, việc hình thành UBQLVNN là quan điểm, chủ trương lớn đã của Đảng và Nhà nước, được nhấn mạnh trong Nghị quyết Đại hội Đảng, giao UBQLVNN quản lý phần vốn rất lớn của Nhà nước tại doanh nghiệp.
Người đứng đầu cơ quan này cho rằng “nếu chỉ là 1-2 việc liên quan đến vướng mắc cơ chế thì tất cả các doanh nghiệp đều vướng, nếu vì vậy mà chuyển đổi cơ quan chủ quản thì tất cả doanh nghiệp lại xin trở về các Bộ hết”. Do đó, Chủ tịch UBQLVNN kiến nghị Tổ công tác của Thủ tướng, Bộ Kế hoạch và Đầu tư xem xét những vướng mắc cần giải quyết ngay cho các doanh nghiệp.
“Đơn cử như vướng mắc của VNR có thể xem xét nhanh chóng đưa ra cách tháo gỡ bằng Nghị quyết của Chính phủ. Bởi nếu điều chỉnh bởi Luật thì sẽ phải theo quy trình và nếu nhanh thì cũng phải mất 1 năm, khi đó không biết số phận của đường sắt sẽ đi đâu về đâu” - ông Nguyễn Hoàng Anh phân trần.
Truyền đạt ý kiến của Thủ tướng tại cuộc họp, ông Nguyễn Cao Lục - Phó Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - cho hay: “Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ GTVT và VNR trong mọi trường hợp phải đảm bảo tuyệt đối an toàn và giao thông đường sắt thông suốt, nếu cần thiết thì cho VNR quay trở lại Bộ GTVT để đảm bảo hiệu quả trong quan lý điều hành”.
Năm 2018, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam được chuyển giao quyền đại diện phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp từ Bộ GTVT về UBQLVNN, tuy nhiên sau đó VNR gặp nhiều khó khăn trong quản lý, bảo trì hạ tầng đường sắt.
Luật Ngân sách quy định, VNR không còn là đơn vị trực thuộc Bộ GTVT nên không được giao quản lý, thực hiện vốn bảo trì nữa, trong khi Tổng công ty có cả bộ máy, nhân lực vốn vẫn đang thực hiện tốt nhiệm vụ này.
Việc giao quản lý vốn bảo trì không chỉ thực hiện mục tiêu bảo trì, duy tu kết cấu hạ tầng đường sắt mà còn bao gồm cả công tác tuần gác đảm bảo an toàn giao thông đường sắt như tuần đường, gác chắn.
Theo các quy định hiện hành, VNR không được giao nhiệm vụ quản lý vốn các dự án đầu tư mới hay sửa chữa, nâng cấp hạ tầng đường sắt như trước.
Đặc thù của khai thác vận tải trên mạng lưới đường sắt hiện nay là vừa thi công vừa tổ chức chạy tàu, nếu không có được sự quản lý, điều hành tập trung thống nhất từ trên Tổng công ty đến các đơn vị quản lý dự án, nhà thầu, sẽ rất khó khăn trong đảm bảo an toàn, chạy tàu thông suốt.
Châu Như Quỳnh