Bộ Công Thương "soi" quy trình cấp giấy phép cho cây xăng
(Dân trí) - Sau các kết luận thanh tra, Bộ Công Thương đề nghị Sở Công Thương các địa phương tăng cường quản lý, rà soát quy trình cấp giấy chứng nhận đại lý, cửa hàng bán lẻ xăng dầu.
Cụ thể, Bộ Công Thương vừa có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về thực hiện kết luận thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu.
Theo Bộ này, thời gian qua, các đoàn thanh tra của Bộ đã thanh tra việc chấp hành quy định của pháp luật trong kinh doanh xăng dầu đối với 33 thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu.
Bộ đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo các cơ quan chuyên môn theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tăng cường quản lý hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; giải quyết các khó khăn, vướng mắc của đơn vị kinh doanh xăng dầu theo thẩm quyền.
Sở Công Thương các địa phương được yêu cầu rà soát quy trình cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý; giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu để sửa đổi, bổ sung và triển khai thực hiện theo đúng quy định, đảm bảo thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh xăng dầu trên địa bàn; rà soát thực hiện cấp giấy chứng nhận cửa hàng đủ điều kiện bán lẻ xăng dầu, giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định.
Các địa phương có trách nhiệm hướng dẫn thương nhân kinh doanh xăng dầu thực hiện quy định về kinh doanh xăng dầu; rà soát, kiểm tra các thương nhân đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu trong việc thực hiện cấp giấy xác nhận đủ điều kiện làm đại lý bán lẻ xăng dầu theo quy định.
Trước đó, 3 đoàn thanh tra của Bộ Công Thương ban hành kết luận thanh tra về việc chấp hành quy định pháp luật kinh doanh xăng dầu của một số thương nhân đầu mối, trên cơ sở thực hiện theo quyết định thanh tra của Bộ trưởng Bộ Công Thương với 33 thương nhân đầu mối tại 3 miền.
Cơ quan thanh tra đã đưa ra một số kiến nghị như yêu cầu các công ty bị thanh tra khắc phục hạn chế, khuyết điểm, chấn chỉnh và nghiêm túc thực hiện quy định của pháp luật; đồng thời đề xuất xử lý vi phạm của từng doanh nghiệp, trong đó có việc xử lý vi phạm hành chính, khắc phục sơ hở, yếu kém trong công tác quản lý, sửa đổi cơ chế, chính sách pháp luật...