Bộ Công Thương báo cáo Tổng Bí thư về 12 dự án nghìn tỷ thua lỗ
(Dân trí) - Sáng 11/7, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Công Thương. Tại cuộc làm việc, Bộ Công Thương đã báo cáo nhiều vấn đề "nóng" như tiến độ xử lý 12 dự án thua lỗ, việc khắc phục các sai sót của giai đoạn trước về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ...
Sáng nay (11/7), Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có cuộc làm việc với cán bộ chủ chốt Bộ Công Thương. Đây được coi là lần đầu tiên trong lịch sử, Bộ Công Thương đón tiếp người đứng đầu Đảng, Bộ Chính trị đến thăm và làm việc.
Thời gian qua, công thương được coi là ngành “nóng” nhất cả nước với các cuộc cải tổ về thể chế cũng như vấn đề về 12 “đại” dự án thua lỗ…
Báo cáo Tổng bí thư, Bộ trưởng Công Thương Trần Tuấn Anh cho biết, từ năm 2016 đến nay, kinh tế thế giới có nhiều biểu hiện phục hồi rõ nét hơn. Tuy nhiên, bên cạnh đó, các biểu hiện của chủ nghĩa dân tộc về kinh tế và chủ nghĩa bảo hộ mậu dịch, đặc biệt là sự chuyển hướng trong chính sách thương mại của một số nước lớn, cũng đã gây ra những thách thức không nhỏ cho kinh tế nước ta.
Ở trong nước, bên cạnh những vấn đề tồn tại nhiều năm như chất lượng tăng trưởng chưa cao, năng suất lao động và sức cạnh tranh còn thấp thì sự sụt giảm của ngành khai khoáng cùng với diễn biến phức tạp của thời tiết, khí hậu tác động tiêu cực tới sản xuất nông nghiệp cũng đã đặt ra những thách thức to lớn cho mục tiêu tăng trưởng của cả nước.
Tuy nhiên, điểm tích cực là các kết quả sản xuất, kinh doanh toàn ngành cho thấy, hoạt động của ngành công thương đã có những dấu hiệu tăng trưởng, phát triển nhất định.
Theo đó, xuất khẩu vẫn trên đà tăng trưởng tốt, chỉ số sản xuất công nghiệp nói chung đạt mức tăng trưởng khả quan, bảo đảm cân đối cung cầu thiết yếu và hàng tiêu dùng, tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tăng cao...
Đáng chú ý, theo ông Trần Tuấn Anh, Ban Cán sự đảng Bộ Công Thương đã chỉ đạo khẩn trương rà soát, đánh giá tổng thể thực trạng, mức độ thiệt hại của 12 dự án, doanh nghiệp chậm tiến độ, kém hiệu quả thuộc ngành công thương và hoàn thành việc xây dựng phương án xử lý dứt điểm các dự án, doanh nghiệp này trình Thường trực Chính phủ, Bộ Chính trị xem xét.
Sau hơn một năm triển khai xử lý, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi, đó là Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 – Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt Trung.
4 dự án còn lại đã từng bước giảm lỗ và hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định, đó là Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 – Lào Cai, Công ty DQS.
Trong số 3 dự án trước đây bị dừng sản xuất kinh doanh đến nay đã có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại được một phần của nhà máy, đó là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.
Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng tồn kho, 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng (Nhà máy sản xuất nhiên liệu sinh học Phú Thọ và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên).
Khắc phục các sai sót của giai đoạn trước về tuyển dụng, bổ nhiệm
Tại cuộc làm việc với Tổng bí thư, Bộ trưởng Công Thương cũng cho biết, đối với các sai phạm trong công tác tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ của Bộ Công Thương giai đoạn trước năm 2016 theo kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Bộ Nội vụ, Ban Cán sự đảng đã yêu cầu các đơn vị liên quan nghiêm túc kiểm điểm, làm rõ và xử lý trách nhiệm của các tập thể, cá nhân có liên quan.
Để khắc phục các sai sót của giai đoạn trước về tuyển dụng, bổ nhiệm cán bộ, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã thực hiện một số công việc.
Trước hết, đó là sửa đổi các quy chế, quy định về công tác cán bộ theo hướng cụ thể hóa các nguyên tắc quan trọng như "tập trung dân chủ", "tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách", đề cao trách nhiệm cá nhân ở tất cả các khâu, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu.
Đồng thời sắp xếp, tinh gọn bộ máy tổ chức: Hiện nay, cơ bản đã kiện toàn xong cấp trưởng. Tiếp theo, Ban Cán sự đảng sẽ tiếp tục chỉ đạo việc sắp xếp lại cấp phó của các đơn vị, cơ bản bảo đảm 3 cấp phó/1 đơn vị.
Đặc biệt, Ban Cán sự Đảng Bộ Công Thương đã ban hành Nghị quyết quy định về số lượng lãnh đạo cấp phòng (hiện nay chưa có quy định của pháp luật về số lượng lãnh đạo cấp phòng thuộc Bộ, Ban, ngành Trung ương), trong đó mạnh dạn quy định đối với phòng có dưới 10 biên chế chỉ bố trí 1 Trưởng phòng, 1 Phó Trưởng phòng; đối với phòng có từ 10 biên chế trở lên được bố trí 1 Trưởng phòng và không quá 2 Phó Trưởng phòng.
Theo cơ cấu tổ chức mới, số lượng phòng tại các đơn vị của Bộ công Thương đã giảm 72 phòng, tương đương 36,5%. Với tiêu chí mới về số lượng lãnh đạo cấp Phòng, Bộ sẽ sắp xếp để bảo đảm giảm ít nhất 30% lãnh đạo cấp Phòng.
Về công tác quy hoạch cán bộ, Bộ trưởng Công Thương cho biết Ban Cán sự Đảng đã chỉ đạo thực hiện nghiêm túc, đúng các quy định của Đảng và theo hướng dẫn của Ban Tổ chức Trung ương về việc rà soát, điều chỉnh quy hoạch nguồn các chức danh lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ giai đoạn 2017 - 2021 và xây dựng mới quy hoạch giai đoạn 2021 - 2026.
Phối hợp với Đảng ủy Bộ rà soát, phê duyệt quy hoạch cấp ủy, Bí thư, Phó Bí thư của các tổ chức đảng trực thuộc Đảng bộ Bộ Công Thương nhiệm kỳ 2020 - 2025 cho phù hợp với cơ cấu tổ chức mới của Bộ và theo đúng tinh thần Nghị quyết số 26-NQ/TW của Hội nghị Trung ương 7 khóa XII về tập trung xây dựng đội ngũ cán bộ các cấp, nhất là cấp chiến lược, đủ phẩm chất, năng lực và uy tín, ngang tầm nhiệm vụ.
Bộ Công Thương cũng cho biết đã triển khai kế hoạch thanh tra, kiểm tra và các cuộc thanh tra đột xuất các dự án chậm tiến độ, kém hiệu quả được dư luận xã hội quan tâm, các đơn tố cáo có nội dung về tham nhũng.
Từ năm 2016 đến nay, Bộ Công Thương đã triển khai 14 cuộc thanh tra hành chính (trong đó có 5 cuộc thanh tra việc thực hiện các quy định về phòng chống tham nhũng), 67 cuộc thanh tra chuyên ngành theo kế hoạch và 8 cuộc thanh tra đột xuất, trong đó có việc thanh tra toàn diện Dự án đầu tư xây dựng nhà máy phân bón DAP1, DAP2, Dự án Nhà máy đóng tàu Dung Quất, Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam, Dự án muối mỏ Kali tại Lào; xác minh đơn tố cáo liên quan đến tập thể, cá nhân tại Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Tổng Công ty Bia Rượu Nước giải khát Hà Nội...
“Kết quả đã phát hiện kịp thời sai phạm, đã xử lý và kiến nghị xử lý kỷ luật một số tập thể, cá nhân có liên quan”, lãnh đạo Bộ Công Thương cho biết.
Nguyễn Khánh