Sau hơn một năm giải cứu 12 “xác sống” ngành công thương hiện giờ ra sao?

(Dân trí) - Theo nguồn tin của Dân trí, sau hơn một năm nỗ lực giải cứu đã có 2 nhà máy có lãi, 4 dự án khác hoạt động sản xuất kinh doanh ổn định và từng bước giảm lỗ, 3 dự án khác từng "đắp chiếu" một thời gian dài cũng đã vận hành trở lại.


Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành sản xuất trở lại.

Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ đã vận hành sản xuất trở lại.

12 dự án yếu kém, thua lỗ ngành công thương từng được ví như những “xác sống” nằm bất động tưởng chừng vô phương cứu chữa. Thế nhưng, với sự vào cuộc quyết liệt của Chính phủ và sự chung tay của tất cả các bộ ngành, đến nay đã có nhiều dấu hiệu tích cực cho thấy hướng đi hiện nay là đúng đắn và hiệu quả.

Cụ thể, sau hơn một năm “giải cứu”, tính đến thời điểm tháng 5/2018, trong số 6 nhà máy trước đây có hoạt động sản xuất kinh doanh nhưng thua lỗ thì đến nay đã có 2 nhà máy hoạt động sản xuất kinh doanh có lãi (gồm Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 1 - Hải Phòng và Dự án nhà máy thép Việt - Trung).

4 dự án còn lại mặc dù vẫn phát sinh lỗ nhưng hoạt động sản xuất kinh doanh dần đi vào ổn định và từng bước giảm bớt thua lỗ, gồm Nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc, Nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai, Công ty DQS.

Ngoài ra, trong số 3 dự án trước đây từng bị dừng sản xuất kinh doanh hiện có 1 dự án vận hành sản xuất trở lại là Dự án Nhà máy sản xuất xơ sợi polyester Đình Vũ.

Đối với 3 dự án trước đây đầu tư xây dựng dở dang, ngoài Dự án Nhà máy bột giấy Phương Nam đang thực hiện phương án bán đấu giá toàn bộ tài sản và hàng hóa tồn kho, thì 2 dự án còn lại đều đang tích cực thực hiện các biện pháp để tiếp tục triển khai đầu tư hoàn thành dự án và đưa vào sử dụng.

Hai dự án này là Nhà máy sản xuất Nhiên liệu sinh học Phú Thọ đang thực hiện việc tìm kiếm đối tác đầu tư để tiếp tục thực hiện và Dự án mở rộng giai đoạn 2 nhà máy gang thép Thái Nguyên. Gang thép Thái Nguyên đang triển khai thực hiện phương án thoái vốn nhà nước để tạo chủ động cho nhà đầu tư tiếp tục đầu tư dự án.

Từ kết quả kể trên, Bộ Công Thương cho rằng mặc dù tới nay số lỗ lũy kế của 10 dự án đang sản xuất hoặc đã dừng sản xuất vẫn ở mức cao, nhưng so với thời điểm cách đây một năm thì trong số 6 dự án đang có hoạt động sản xuất, đã có 2 dự án hoạt động có lãi, 4 dự án còn lại đều có mức lỗ phát sinh giảm hơn so với với năm trước. Điều này rất có ý nghĩa trong việc nâng cao giá trị của các dự án trong quá trình thực hiện phương án xử lý đối với các dự án như chuyển nhượng, cổ phần hóa, thoái vốn... tại các dự án theo các Đề án xử lý các dự án đã được phê duyệt.

“Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy các giải pháp giải quyết vướng mắc, tồn tại ở các dự án đang được thực hiện có hiệu quả và đúng hướng”, một đại diện của Bộ Công Thương nhận xét.

Trong hơn một năm qua, không riêng gì Bộ Công Thương, Bộ Tài chính cũng đã có nhiều cuộc làm việc trực tiếp, xử lý một bước cơ bản các vấn đề về xử lý, cơ cấu lại các khoản nợ vay, giãn mức trích khấu hao... ở các dự án, doanh nghiệp.

Hiện, 4 dự án phân bón của Tập đoàn Hóa chất Việt Nam đã được xử lý giãn mức trích khấu hao từ 2017 - 2019, ước tính mỗi năm, tùy theo công suất thực hiện, các công ty có thể giảm áp lực về tài chính từ 60 - 402 tỷ đồng/năm).

Ngoài ra, Bộ Tài chính cũng chủ trì tiến hành nghiên cứu, báo cáo với Chính phủ nội dung đề xuất với Quốc hội việc xây dựng dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế giá trị gia tăng, Luật thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật thuế thu nhập cá nhân, Luật thuế tài nguyên, Luật thuế xuất nhập khẩu để bảo đảm phù hợp với thực tế hoạt động và gia tăng cạnh tranh bình đẳng ở một số ngành sản xuất.

Liên quan đến 12 dự án "đắp chiếu" này, phía Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cũng tích cực vào cuộc bằng việc chỉ đạo, hướng dẫn các Ngân hàng thương mại và tổ chức tín dụng xem xét các biện pháp cơ cấu lại nợ, giảm lãi suất cho vay đối với các dự án, doanh nghiệp, đồng thời xem xét tiếp tục cho vay để bảo đảm vốn phục vụ sản xuất kinh doanh trên cơ sở phương án sản xuất kinh doanh khả thi và có khả năng trả nợ của các dự án, doanh nghiệp.

Hiện nay, 3 dự án sản xuất phân bón thuộc Tập đoàn Hóa chất Việt Nam gồm Dự án nhà máy sản xuất đạm Ninh Bình, Dự án nhà máy sản xuất đạm Hà Bắc và Dự án nhà máy sản xuất phân bón DAP số 2 - Lào Cai đều đã được các ngân hàng thương mại điều chỉnh lãi suất vay theo hướng giảm biên độ lãi suất để giảm bớt chi phí tài chính cho các dự án trong giai đoạn khó khăn, tiếp tục duy trì hạn mức vốn lưu động đảm bảo đủ vốn cho hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp.

Bộ Tư pháp thì hỗ trợ các Tập đoàn, Tổng công ty và doanh nghiệp trong việc tư vấn, hướng dẫn và cho ý kiến đối với các vấn đề liên quan đến giải quyết các tranh chấp tại Hợp đồng EPC để giải quyết dứt điểm các tồn tại, vướng mắc với các nhà thầu tại các hợp đồng EPC và vướng mắc trong hợp đồng liên doanh với các đối tác.

Bộ Tài nguyên và Môi trường cũng hoàn thành việc xây dựng Kế hoạch giao nhiệm vụ cho các đơn vị thuộc Bộ để tổ chức thực hiện kiểm tra, giám sát chặt chẽ các vấn đề về an toàn môi trường, để bảo đảm an toàn cho khu vực xung quanh nhà máy...

Hai bộ gồm Bộ Xây dựng, Bộ Khoa học và Công nghệ cũng phối hợp triển khai xây dựng các tiêu chuẩn, quy chuẩn liên quan đến sử dụng thạch cao PG để tạo điều kiện cho việc xử lý các chất thải tại các nhà máy để làm vật liệu xây dựng. Bộ Khoa học và Công nghệ cũng đã tập trung rà soát, hoàn thiện báo cáo đánh giá về tình hình công nghệ tại các dự án, nhà máy…

H. Anh

Sau hơn một năm giải cứu 12 “xác sống” ngành công thương hiện giờ ra sao? - 2