1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Bình Định chuyển địa điểm xây dựng khu liên hợp gang thép 53.000 tỷ đồng

Doãn Công

(Dân trí) - Dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn, với tổng vốn đầu tư hơn 53.000 tỷ đồng, chuyển địa điểm xây dựng từ huyện Phù Mỹ sang thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định.

Ngày 15/11, Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định thông tin UBND tỉnh đã chấp thuận chủ trương cho Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ (ở Bình Định) đầu tư dự án Khu liên hợp Gang thép Long Sơn tại thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn.

Khu liên hợp Gang thép Long Sơn dự kiến được xây dựng trên diện tích 468ha, tổng vốn đầu tư khoảng 53.500 tỷ đồng, công suất 5,4 triệu tấn/năm bao gồm các sản phẩm thép chế tạo chất lượng, thép xây dựng, thép cuộn.

Trước đó, UBND tỉnh Bình Định chấp thuận chủ trương đầu tư dự án trên với tổng vốn đầu tư hơn 56 tỷ đồng; dự kiến tổng diện tích đất để thực hiện dự án là gần 500ha thuộc 2 xã Mỹ An, Mỹ Thọ (huyện Phù Mỹ, Bình Định).

Tuy nhiên, trong quá trình lập báo cáo nghiên cứu khả thi cũng như trong quá trình khảo sát đánh giá địa điểm đầu tư, chủ đầu tư dự án đề xuất được khảo sát thêm một số vị trí khác trên địa bàn tỉnh Bình Định để có lựa chọn tối ưu về địa điểm xây dựng, đảm bảo hiệu quả đầu tư cũng như các yếu tố cơ sở hạ tầng xung quanh dự án.

Bình Định chuyển địa điểm xây dựng khu liên hợp gang thép 53.000 tỷ đồng - 1

Phối cảnh dự án (Ảnh: Trung tâm xúc tiến đầu tư Bình Định).

Ông Nguyễn Bay, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Bình Định, cho biết Công ty cổ phần Gang thép Long Sơn Phù Mỹ cũng đang nghiên cứu đầu tư khu bến cảng Hoài Nhơn trên tổng diện tích khoảng gần 500ha mặt đất và mặt biển, tổng vốn đầu tư khoảng 10.000 tỷ đồng.

Cảng Hoài Nhơn được nghiên cứu quy hoạch là cảng chuyên dùng phục vụ cho sản xuất của Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và hướng đến cảng tổng hợp trong tương lai.

UBND tỉnh Bình Định yêu cầu các cơ quan chức năng sớm xây dựng chính sách đặc biệt ưu đãi đối với các hộ dân bị ảnh hưởng giải phóng mặt bằng, nhất là tạo điều kiện về lao động, việc làm và các chính sách an sinh xã hội khác liên quan.

Tỉnh Bình Định cũng yêu cầu dự án không làm ảnh hưởng đến môi trường sinh thái trên đất liền, trên biển; không làm ảnh hưởng đến an sinh xã hội và đời sống nhân dân; thực hiện đầy đủ các quy định pháp luật.

Bình Định chuyển địa điểm xây dựng khu liên hợp gang thép 53.000 tỷ đồng - 2

Khu vực biển thôn Lộ Diêu, xã Hoài Mỹ, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định (Ảnh: Doãn Công).

Quá trình triển khai dự án cần đảm bảo hài hòa lợi ích giữa cộng đồng và doanh nghiệp; triển khai chương trình an sinh xã hội theo nội dung đã cam kết; ưu tiên tuyển dụng lao động địa phương để góp phần giải quyết việc làm và ổn định đời sống nhân dân trong vùng.

Bước đầu, các dự án nói trên có nhu cầu tuyển dụng khoảng gần 3.000 lao động. Cụ thể, đối với thuyền viên tàu biển làm việc trên đội tàu biển, công ty sẽ liên hệ với các trường có chức năng đào tạo thuyền viên để ký hợp đồng đào tạo.

Đối với lao động cần phải qua đào tạo bao gồm cơ khí, điện, tự động hóa, luyện kim, vận hành thiết bị cảng, lái xe, lái máy công trình, kế toán, quản trị, bảo vệ sẽ được đào tạo tại các trường đào tạo phù hợp, hỗ trợ kinh phí ăn ở trong quá trình học, đào tạo…

Theo ông Nguyễn Bay, khi Khu liên hợp Gang thép Long Sơn và Khu bến cảng Hoài Nhơn đi vào hoạt động kỳ vọng góp phần quan trọng vào việc phát triển công nghiệp, công nghiệp phụ trợ, dịch vụ cảng biển, qua đó đóng góp cho tăng trưởng kinh tế của tỉnh Bình Định và các tỉnh duyên hải miền Trung và Tây Nguyên.