Biến động giới siêu giàu: Đại gia mới khiến loạt tỷ phú Việt bật bãi

Một loạt tỷ phú Việt bị bật bãi khỏi top 10 và top 20 ngay sau khi những doanh nghiệp, dù rất non trẻ lên sàn. Những gương mặt đại gia mới kín tiếng đang xuất hiện và bước vào một sân chơi minh bạch hơn.

Sự đảo lộn chưa từng có

Cơn sốt cổ phiếu VPBank (VPB) đã qua đi, tuy nhiên, những kỷ lục vẫn còn đó. Sau sự kiện, này hàng loạt đại gia ngàn tỷ mới đã xuất hiện trên thị trường chứng khoán, thổi bay nhiều cái tên lừng lẫy.

Nóng không kém những ngày trước khi lên sàn, cổ phiếu VPBank của Ngân hàng Việt Nam Thịnh Vượng có một màn ra mắt gây rúng động thị trường chứng khoán với hàng chục triệu cổ phiếu, trị giá hàng ngàn tỷ đồng, được chuyển nhượng ngay những phút đầu giao dịch.

VPBank ngay lập tức xác lập kỷ lục là cổ phiếu ngân hàng có mức giá cao nhất trên sàn: 39.000 đồng/cp; khối ngoại mua kỷ lục: 1,5 ngàn tỷ đồng; tổng giá trị giao dịch của một cổ phiếu ở mức kỷ lục: 1,8 ngàn tỷ đồng,...

Cơn sốt này cũng mang đến cho thị trường chứng khoán 5 đại gia với túi tiền ngàn tỷ đồng. Chủ tịch VPBank, ông Ngô Chí Dũng, cùng với vợ và mẹ nắm giữ hàng trăm triệu cổ phiếu, trị giá tổng cộng gần chục ngàn tỷ đồng, lọt top 10 giàu nhất trên thị trường chứng khoán.


Danh sách đại gia Việt đã có những thay đổi lớn.

Danh sách đại gia Việt đã có những thay đổi lớn.

Bên cạnh gia đình ông Dũng, gia đình 2 phó chủ tịch VPBank khác cũng lọt top 20 ngay sau phiên cổ phiếu ngân hàng này chào sàn 17/8. Nhà ông Bùi Hải Quân nắm hơn 100 triệu cổ phiếu, trị giá tổng cộng khoảng 4 ngàn tỷ đồng. Nhà ông Lô Bằng Giang, phó chủ tịch VPBank, cũng không hề kém cạnh và đều lọt top gia đình giàu có nhất trên thị trường chứng khoán.

Như vậy, với sự xuất hiện của một loạt đại gia sau khi VPBank lên sàn, danh sách giàu nhất trên thị trường chứng khoán đã đảo lộn. Ông Trương Gia Bình của Tập đoàn FPT, ông Nguyễn Duy Hưng của SSI, bà Nguyễn Thị Như Loan nhà Cường Đôla,... bị đẩy ra khỏi top 20 người giàu nhất trên TTCK.

Trước đó, sự xuất hiện của cổ phiếu Vietjet trên sàn chứng khoán đầu 2017 đã giúp CEO của hãng hàng không giá rẻ Nguyễn Thị Phương Thảo vượt qua hàng loạt doanh nhân tên tuổi trở thành người giàu thứ 3 trên thị trường chứng khoán Việt Nam.

Với hàng chục triệu cổ phiếu VJC và HDBank, bà Thảo đang sở hữu khối tài sản là cổ phiếu trị giá khoảng 700 triệu USD, chỉ thua tỷ phú USD Phạm Nhật Vượng và Trịnh Văn Quyết. Còn nếu theo đánh giá của Tạp chí Forbes, bà Thảo là nữ tỷ phú đầu tiên của Việt Nam và cũng là duy nhất ở Đông Nam Á, với khối tài sản ước tính khoảng 1,7 tỷ USD.

Bà Thảo nhanh chóng “qua mặt” các đại gia hàng đầu như ông trùm ngành thép Trần Đình Long (chủ tịch HĐQT Hòa Phát), ông Bùi Thành Nhơn (Novaland) hay ông Nguyễn Đức Tài (Thế giới Di động)...

Nhiều đại gia giàu nhanh

Trước đó, giới đầu tư cũng đã từng bất ngờ với sự xuất hiện đồng loạt của một loạt các triệu phú USD sau khi cổ phiếu Thế giới Di động (MWG) lên sàn. Ông Nguyễn Đức Tài cũng ngay lập tức gia nhập danh sách những đại gia ngàn tỷ.

Sự xuất hiện của ông Nguyễn Đức Tài và nhóm cổ đông của MWG làm đảo lộn bảng tỷ phú Việt. Khoảng 3 tháng sau khi cổ phiếu MWG lên sàn, ông Tài đã lọt top 10 người giàu nhất trên sàn, cũng vượt qua tên tuổi lừng lẫy như Trương Gia Bình, Hồ Hùng Anh, Trần Kim Thành, Đặng Thành Tâm...

Với quy mô doanh nghiệp tăng vọt và tốc độ tăng giá cổ phiếu rất nhanh, khối tài sản của các cổ đông Thế giới Di động như Nguyễn Đức Tài, Trần Lê Quân, Trần Huy Thanh Tùng,... tăng rất nhanh. Ông Nguyễn Đức Tài giữ khá vững một vị trí trong top 10, trong khi ông Trần Lê Quân nằm trong top 15.

Sự tăng trưởng liên tục của Thế giới Di động với hàng loạt các kế hoạch mở chuỗi rộng chuỗi bán lẻ diện thoại và điện máy cùng với kế hoạch mua bán sáp nhập (M&A) đã giúp túi tiền của ông Nguyễn Đức Tài phình nở nhanh.

Với cổ phiếu VPBank, hầu hết các cổ đông chủ chốt của ngân hàng nay ban đầu nắm một số lượng cổ phiếu khá khiêm tốn. Tuy nhiên, trước thời điểm lên sàn, các lãnh đạo như ông Ngô Chí Dũng, ông Bùi Hải Quân,... và người nhà đã đồng loạt mua vào hàng trăm triệu cổ phiếu.

Số tiền các cổ đông này bỏ ra mua là rất lớn. Ông Ngô Chí Dũng đã kịp nắm giữ 5% cổ phần VPBank, vợ và mẹ ông Dũng nâng sở hữu lên gần 10%. Ông Bùi Hải Quân và Lô Bằng Giang cũng nắm một lượng cổ phần lớn ngay trước thời điểm lên sàn.

Sự đảo lộn nhanh chưa từng có trong danh sách những người giàu nhất trên sàn chứng khoán một phần do nhiều doanh nghiệp lớn mới lên sàn. Cổ phiếu ROS của Công ty Cổ phần Xây dựng FLC Faros lên sàn giúp ông Trịnh Văn Quyết giữ vị trí số 1-2 trong bảng xếp hạng. Cổ phiếu Novaland lên sàn giúp ông Bùi Thành Nhơn lọt top 5.

Ở chiều ngược lại, nhiều đại gia nổi tiếng một thời và từng đứng hàng đầu trong bảng xếp hạng đang dần tụt lui. Ông Đoàn Nguyên Đức (Bầu Đức) bị một loạt các doanh nhân trẻ vượt mặt. Doanh nghiệp của Bầu Đức gặp nhiều khó khăn. Bầu Đức phải bán tài sản. Túi tiền của Bầu Đức bốc hơi trong khi túi tiền của các đại gia mới nổi khác ngày phình to.

Thời gian tới, thị trường chứng khoán có thể còn đón nhận thêm nhiều doanh nhân rất giàu có lên sàn. Khối tài sản của họ khó đong đếm nhưng thực sự rất lớn. Đó là đại gia sở hữu bất động sản du lịch, nghỉ dưỡng, những hệ thống dịch vụ du lịch hàng đầu cả nước. Và khi các doanh nghiệp lớn đồng loạt lên sàn, bảng xếp hạng những người giàu nhất chắc chắn sẽ còn biến động lớn.

Theo H. Tú
Vietnamnet